Hơn 5 tháng kể từ ngày được Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kiên Giang nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chàng trai khiếm thị Huỳnh Hữu Cảnh (29 tuổi) rất vui vì tâm nguyện của anh đã thành sự thật.
|
Vượt qua nỗi đau
Năm 1993, Cảnh (ngụ xã Thạnh Trị, H.Tân Hiệp, Kiên Giang) trong một lần đi chơi khi vừa hết học kỳ 1 (lớp 4) với người em họ đã lượm được quả bom cũ. Hai anh em định đập bỏ lớp đất để mang bán ve chai nhưng bất ngờ quả bom phát nổ. Đứa em họ tử vong tại chỗ, còn Cảnh phải chịu cảnh mù lòa. Sau 4 năm sống ở nhà trong cảnh tăm tối, Cảnh biết được tại tỉnh An Giang có trường học dành cho người mù nên đã xin gia đình cho đến đó để được tiếp tục con đường học vấn.
Là học sinh luôn đạt thành tích cao trong học tập nhưng sau khi học hết lớp 5, Cảnh phải ở lại đây một năm vì An Giang không có trường dạy cấp THCS dành cho học sinh khiếm thị. Đến năm 2001, Cảnh tiếp tục được nhà trường, gia đình cho lên TP.HCM học tiếp tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Hết bậc THCS, Cảnh phải ra Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) học với những bạn sáng mắt. Cảnh cho biết: “Học ở đây mọi thứ lúc đầu phải nhờ bạn bè, thầy cô, dần dần mới quen đường đi, cách học riêng cho mình. Sau đó, tôi tiếp tục theo học tại ĐH Sư phạm theo chương trình giáo dục đặc biệt”.
Trong suốt thời gian học trung học phổ thông cho đến lúc vào đại học, để đến lớp, những người khiếm thị như Cảnh gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Cũng từ đó, Cảnh có ý tưởng sáng chế chiếc “gậy thông minh” phát ra âm thanh và đèn tín hiệu dành cho người khiếm thị khi qua đường. Phải mất mấy năm thực hiện, ý tưởng này mới hoàn thành qua sự giúp đỡ của 3 sinh viên khác. Đề tài “gậy thông minh” được đánh giá cao và đây cũng là công trình đưa 4 thành viên đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ VN.
Đam mê nhiếp ảnh
Không chỉ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, Cảnh còn là tay chụp ảnh khá ấn tượng. Thay vì thấy những bức ảnh làm ví dụ minh họa, người khiếm thị được hướng dẫn đọc ảnh bằng cách miêu tả lại nội dung với những ngôn từ dễ hiểu, dễ tưởng tượng, sau đó sờ vào hiện vật và nhân vật, rồi tính khoảng cách mà tiến hành chụp ảnh. Bằng tinh thần vượt khó, Cảnh đã trở thành tác giả của nhiều bức ảnh được chọn tham gia triển lãm ảnh do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức dành cho những người yếm thế tại Hà Nội. Huỳnh Hữu Cảnh tâm sự: “Hồi đó, tôi hay ngắm cảnh thiên nhiên ngoài đồng, trên mây. Những cảnh này hiện ra giống như các con vật trong cổ tích nên rất thích. Tuy nhiên, từ khi bị tai nạn đến nay, phải sống trong bóng tối nên tất cả mọi thứ đều đã thay đổi. Thế nhưng, niềm đam mê được vẽ, được chụp lại những bức ảnh khi còn sáng mắt vẫn luôn cháy bỏng, nên tôi mới có được những bức ảnh như thế”.
Nói về công việc hiện nay, Cảnh cho biết: “Mới về trung tâm hơn 5 tháng nay, công việc cũng không nhiều, chủ yếu làm quen với đơn vị, định vị hướng đi, cùng đồng nghiệp giúp trẻ em tàn tật, các cụ già; dạy các em đàn, hát, làm quen với âm nhạc. Tôi rất vui vì được lãnh đạo, các anh chị em tại trung tâm tạo điều kiện giúp đỡ, động viên, hỗ trợ các thứ cần thiết hằng ngày”.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với nỗ lực của bản thân, ai cũng tin rằng Cảnh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời giúp cho những mảnh đời bất hạnh như Cảnh có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Hồng Cúc
>> Ước mơ của cô gái khiếm thị
>> Sân chơi chuyên biệt cho trẻ em khiếm thị
>> Dế' cho người khiếm thị
Bình luận (0)