Nghị lực mùa thi: Niềm khát học của nam sinh trưa quét dọn, tối làm thuê

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/06/2021 06:54 GMT+7

Sáng nhịn đói đi học, trưa ở lại quét dọn vệ sinh ở trường, tối đạp chiếc xe lọc cọc đến quán nhậu làm thêm, những cực khổ không ngăn được ước mơ tiếp tục đến trường và nỗ lực luôn học giỏi của Thường.

Nguyễn Minh Thường, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Củ Chi, nhỏ bé hơn bạn bè đồng trang lứa ở tuổi 18. Em cao chưa đến 1,6 m và nặng chừng 43 kg, nhưng ở ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, H.Củ Chi, TP.HCM, không ai không biết em. “Thằng bé nó nghèo mà học giỏi lắm. Hai chị em côi cút nuôi nhau mà nó ngoan ngoãn, siêng năng vô cùng”, bà Hai, người phụ nữ tình cờ gặp trên đường vào nhà Thường nói với chúng tôi.

“Không cha, không mẹ như đờn không dây”...

Bên chiếc ghế đá ở góc sân, nơi nhìn ra bát ngát cánh đồng, Thường kể về hoàn cảnh éo le của mình.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Thường, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 -  Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Minh Thường; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thường trong thời gian sớm nhất.
Cha mẹ Thường ly hôn, cha bỏ đi từ 9 năm trước, mẹ em vì thiếu nợ chồng chất nên cũng bỏ nhà đi biệt tích đến nay đã 6 năm, không một hồi âm. Chị gái Thường tên Nguyễn Thị Diễm Kiều, 29 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Sau thời gian làm đủ công việc ở Q.12, H.Hóc Môn, chị đang là quản lý tại một tiệm cà phê ở H.Củ Chi. Nhà chỉ có 2 chị em, Thường thương chị lúc nào cũng vất vả ngược xuôi.
“Chị đi làm từ sáng sớm, ngày nào phải tăng ca, làm thêm, có khi tối muộn mới về. Chị giản dị lắm, có lương là mua đồ ăn ngon về cho em ăn. Chị lúc nào cũng động viên em phải ráng học, chị sẽ cố hết sức để lo cho em vào ĐH”, Thường kể.
Thường không muốn chị phải lo toan hết mọi chi phí sinh hoạt, học phí cho mình. Nhiều lần em đi xin việc làm thêm ở các nơi nhưng đều bị lắc đầu, do chưa đủ 18 tuổi. May mắn, có một quán nhậu cách nhà chừng 5 km cần người chạy bàn, dọn dẹp. Ba năm qua, trừ mùa dịch này, cứ khoảng 5 giờ chiều, cậu học trò nhỏ thó lại đạp chiếc xe lọc cọc, xuyên qua cánh đồng và nghĩa trang để tới quán rồi làm đến tận 11 giờ đêm. “6 tiếng làm việc, em được trả 90.000 đồng, lúc nào đói quá thì xem khách có bỏ thừa đồ ăn gì không rồi mình ăn. Có hôm đi về gặp trời mưa, đạp xe ngã lăn ra đường”, Thường kể.
Không chỉ vậy, từ năm lớp 10, em đã xin các thầy cô trong Trường THPT Củ Chi cho em được dọn vệ sinh các phòng học chức năng, phòng thực hành của trường để được miễn giảm học phí. Thầy cô thương nam sinh nghèo hiếu học nên tạo điều kiện giúp đỡ. Tan học, cậu học trò nhỏ bé ở lại quét lớp, lau sàn, kê lại bàn ghế cho thật ngay ngắn. Sự lao động chăm chỉ này đã giúp Thường được giảm tới 90% học phí trong suốt 3 năm THPT, số tiền không nhỏ với hai chị em.
Cô Lê Thị Phượng, 50 tuổi, dì ruột của Thường, nhà ở cách đó vài bước chân, thở dài: “Có hôm nó đi học về kêu đói quá dì hai, dì có gì cho con ăn với, thế là bới cho cháu một tô, nhà có gì ăn nấy. Tôi thương các cháu mà mình cũng nghèo quá, chỉ biết động viên. Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn không dây”.

Dường như không khó khăn nào cản trở Thường học giỏi

Thúy Hằng

Chàng trai học giỏi nức tiếng

Chông gai như thế, nhưng chưa lúc nào Thường nghĩ đến chuyện từ bỏ việc học. Suốt 12 năm học, Thường đều là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Thường đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp TP môn tiếng Anh. Không có tiền đi học thêm ở các trung tâm như nhiều bạn bè ở TP, đa số Thường chỉ tự học trên internet nhưng em rất siêu ngoại ngữ, thành thục tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thường chọn khối A1 (tổ hợp toán, lý, tiếng Anh) để thi ĐH và quyết tâm thi đậu Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm học này, điểm trung bình các môn của em là 9,0. Trong đó, môn tiếng Anh là 9,99; môn toán 9,5 và môn vật lý cũng 9,5.
“Năm em học lớp 3, khi ba mẹ còn đủ đầy, ba có mua một cái máy vi tính về cho 2 chị em, lúc đó em thích lắm, ngày nào cũng tò mò. Máy vi tính đó hỏng lâu rồi, bây giờ em chỉ có một chiếc điện thoại để học trực tuyến và tự tìm hiểu các kiến thức”, Thường buồn bã kể.
Thường tâm sự, sáng nào em cũng nhịn đói đi học, có nhiều lúc buồn tủi nhất như đi bưng bê đồ ăn cho người ta bị chửi mắng, nhưng chưa lúc nào em oán trách ba mẹ. “Dù thế nào, ba mẹ cũng sinh em ra, cho em có mặt trên đời này. Em chỉ mong thi đậu ĐH, đi làm gia sư, làm thêm để sau này có điều kiện báo đáp công ơn chị gái. Em mong được gặp lại ba mẹ, báo hiếu cho ba mẹ”.
Còn cô Phượng, dì của Thường, thì rưng rưng: “Thấy Thường học giỏi mà tôi càng xót, càng thương. Rồi sau này cháu có đậu ĐH thì cũng không biết lấy đâu ra tiền để đóng học phí cho cháu 4 năm. Mong có ai đó hảo tâm nâng đỡ cho cháu. Cháu thông minh, sáng dạ, sẽ không bao giờ phụ lòng mọi người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.