Tự động phát
Nga đã sáp nhập Crimea từ năm 2014, nhưng Ukraine không công nhận điều này và vẫn xem bán đảo này là lãnh thổ của mình.
Cho đến nay, Nga vẫn khẳng định vụ nổ chỉ là sự cố. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh và các video ghi hình vào thời điểm đó đã nhận định căn cứ Saky có lẽ đã đã bị tấn công.
Theo giới chức Nga, ít nhất 1 người thiệt mạng và khoảng 10 người bị thương trong vụ nổ. CNN cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 9 máy bay chiến đấu của Nga bị phá hủy.
Hình ảnh vệ tinh căn cứ Saky sau vụ nổ |
reuters |
Trong khi đó, Ukraine lại tỏ ra mập mờ, không phủ nhận cũng chẳng xác nhận gì. Điều này làm dấy lên nhiều suy đoán rằng nước này đứng sau vụ nổ. Đến hôm 13.8, Lầu Năm Góc dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ xác nhận “Ukraine đã tập kích căn cứ Saky” nhưng không phải bằng tên lửa Mỹ.
Loại tên lửa mà vị quan chức này nhắc đến có tên gọi đây đủ là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Tên lửa này có tầm bắn đến 300 km. Trong khi đó, căn cứ Saky nằm cách tiền tuyến khoảng 180 km.
Hơn nữa, loại tên lửa này có thể được phóng từ tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine.
Cho đến nay Mỹ chỉ thừa nhận đã cung cấp cho Ukraine loại đạn hỏa tiễn tầm bắn 80 km dùng cho HIMARS.
Sau đó, Lầu Năm Góc bất ngờ cập nhật lại thông báo bị cho là “mô tả không chính xác bình luận của quan chức quốc phòng cấp cao về các vụ nổ tại căn cứ không quân của Nga”.
Trong tuyên bố cập nhật, Lầu Năm Góc dẫn lời vị quan chức nói rằng “Mỹ không biết nguyên nhân gây ra các vụ nổ” nhưng điều rõ ràng là chúng đã gây thiệt hại lớn đối với máy bay và đạn dược của Nga.
Giới chức Ukraine thời gian qua được cho là đã đề nghị phương Tây cung cấp những loại vũ khí có tầm bắn xa hơn nhằm tấn công cơ sở hậu cần của Nga nằm sâu phía sau tiền tuyến. Phương Tây cho đến nay vẫn từ chối cung cấp những vũ khí như vậy vì lo ngại leo thang đối đầu với Nga.
Tuy nhiên, có khả năng Mỹ và đồng minh đã hỗ trợ Ukraine hoàn thiện các hệ thống vũ khí của chính nước này phát triển nhằm tấn công mục tiêu Nga.
Theo chuyên san quân sự The War Zone, cựu cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Victor Andrusiv gần đây tuyên bố nước này sở hữu các tên lửa với tầm bắn từ 200 - 300 km.
Hôm 13.8, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Natalia Humeniuk của Bộ Chỉ huy miền nam quân đội Ukraine nói Kyiv có thể tấn công gần như toàn bộ tuyến đường tiếp tế của Nga tại miền nam.
The War Zone cho biết Ukraine từng phát triển một hệ thống tên lửa có tên Grim-2 với tầm bắn lên đến 450 - 500 km cho phiên bản nội địa hoặc 280 km cho phiên bản xuất khẩu. Những mẫu đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2016 nhưng không rõ sau đó ra sao.
Mặt khác, Ukraine cũng từng thông báo đã phát triển tên lửa hành trình Korshun với tầm bắn ước tính 280 km nhưng thông tin về tình trạng của loại vũ khí này cũng hết sức giới hạn.
Dù chưa thể xác định Ukraine có dùng tên lửa Grim-2 để tấn công căn cứ Saky hay không, nhưng nếu là thật, điều đó cho thấy Kyiv có thể sử dụng rất hiệu quả các vũ khí đang có trong tay. Trong bối cảnh Ukraine đang trong cuộc chiến sống còn, việc hồi sinh các chương trình vũ khí trì hoãn từ lâu cũng là điều có thể xảy ra.
Bình luận (0)