Trong các trường học ở ta thường treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng ngẫm lại chữ Lễ ngày nay mà không khỏi ngậm ngùi.
Người Nhật thường cúi gập người để chào, thể hiện sự tôn trọng nhau. Trong ảnh, cả cô giáo và học sinh đều cúi chào nhau - Ảnh: Reuters |
Do giáo dục xuống cấp và đạo đức xã hội nhiễu nhương, nhiều kẻ xấu miệng rêu rao “Lễ là lễ vật, là quà cáp tranh thủ và hối lộ!”.
Tôi vừa dự hội thảo quốc tế về du lịch ở tỉnh B. Đại biểu tham dự gần ngàn người, trong đó có khách mời từ 9 nước. Khách mời phát biểu bằng tiếng Anh, chỉ giản đơn “Ladies and Gentlemen”, còn chủ nhà thì hỡi ôi, đủ thứ chức tước phẩm hàm của các đại biểu, mất tới gần 10 phút. Khó hiểu hơn là cách xưng hô. Lúc thì đồng chí, khi thì quí vị hoặc ông bà.
Khách mời các nước đều có cách chào và quốc phục riêng. Việt Nam thì chào kiểu “Liên hiệp quốc”. Người thì giơ tay vẫy như Mỹ. Kẻ chắp tay trước ngực như Ấn Độ. Người khác cúi gập như Nhật Bản… Tuyệt nhiên chưa thấy ai chào kiểu Việt Nam, vòng tay trước ngực. Một đất nước, luôn vỗ ngực tự hào mấy ngàn năm văn hiến mà đến cách chào riêng cũng chưa có thì khó tin.
|
Thật ra, cả cách chào và quốc phục Việt Nam đều có, được chắt chiu sàng lọc cả ngàn năm, bỗng dưng biến mất khó hiểu hơn nửa thế kỷ nay. Cách chào cũ bị phê phán là tàn dư phong kiến, thiếu bình đẳng. Xin thưa, nếu không có phong kiến thì đâu có tổ tiên, làm gì có mình bây giờ. Áo dài bị chê là luộm thuộm, tốn vải. Có lãnh đạo còn ví là “một áo dài may được 3 áo ngắn”. So sánh kiểu đó thì sao không mặc luôn “underwear” hoặc theo “đạo ông Trần” cho tiết kiệm.
Cách chào, cách xưng hô, quốc phục… chỉ là những chuyện rất nhỏ nhưng quan trọng, mở đầu và thể hiện bản sắc văn hóa của từng đất nước. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, không thể nói văn hóa nước này hay hoặc đẹp hơn văn hóa nước khác.
Đã đến lúc phải phục hồi lại những giá trị văn hóa và đạo đức của cha ông. Giờ mới bàn chuyện này là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, còn hơn là buông xuôi, đồng lõa.
Hơn nửa thế kỷ, quá đủ để kiểm tra và sàng lọc những tư duy và nhận thức hẹp hòi về văn hóa của tổ tiên. Gạn đục khơi trong là cần thiết và bắt buộc, chứ không thể đánh đồng và phủ nhận quá khứ. Tất cả phải có những chuẩn mực tối thiểu. Bắt đầu từ cách chào, từ trang phục, cách xưng hô và lời ăn tiếng nói; đến những việc lớn hơn. Tất cả nằm trong chữ Lễ. Phải chăng thực trạng giáo dục và đạo đức xã hội hiện nay đang thể hiện đúng tính “nhân - qủa”; là cái giá phải trả cho việc coi khinh chữ Lễ; bắt đầu từ những việc rất nhỏ?
Bình luận