Nghĩ về hồn biển bao đời

22/01/2022 14:28 GMT+7

Những ngày cuối năm, gió biển vẫn mênh mang, chúng tôi rủ nhau đến khu làng chài phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa ) tắm biển và thư giãn với dân chài địa phương.

Buổi sáng, tàu thuyền trong các làng phần lớn đã ra khơi nên bãi biển khá vắng lặng, bình yên.

Từ bao đời nay, những thế hệ ngư dân ở khu làng chài cổ này vẫn giữ lối sống quần cư, hồn hậu chất phác vốn có. Dấu tích cổ xưa của khu làng hiện hữu ngay trên những bức tường làm từ san hô ép vữa, theo thời gian dần chuyển sang màu bạc phếch. Ấn tượng với Ninh Thủy là những cổng làng vôi hồng, vôi vàng, mặt trước hướng về phía biển ghi tên làng như “Làng Thủy Đầm”, “Làng Bá Hà”; còn mặt sau ghi: “Thiên thời địa lợi nhơn hòa”. Tôi từng lang thang qua nhiều làng chài ở các tỉnh miền Trung, nhưng có lẽ làng biển ở đây mang cảm giác bình yên nhất.

Một góc làng chài thuộc phường NinhThủy, Ninh Hòa

HIỀN LƯƠNG

Vùng biển Ninh Thủy trước đây dày đặc những thảm san hô nên màu nước biển trong xanh ngăn ngắt và cũng chính san hô đã trở thành thứ vật liệu tạo nên những bức tường độc đáo của làng. Ninh Thủy xưa mang tên Cồn Cạn, nằm trong bán đảo Hòn Khói, hình thành trong thế kỷ 18, nay đã là một phường với bốn thôn là Ngân Hà, Bá Hà, Thủy Đầm và Mỹ Lương. Trong đó, làng chài Bá Hà là nơi có lối sinh hoạt và đời sống văn hóa biển đậm nét hơn cả.

Nhảy ùm xuống dòng nước mát, bơi ra vùng ghe tàu neo đậu, những chiếc ghe cùng màu, cùng kiểu dáng, neo sát với nhau. Tôi ấn tượng với những chiếc thúng chai (thuyền thúng) được cột quanh ghe tàu. Chiếc thuyền thúng đơn giản nhưng thật tiện lợi, giúp ngư dân vượt qua sóng gió, lang thang một mình giữa biển cả. Thuyền thúng của dân biển miền Trung, nhất là Khánh Hòa, khi ngồi lên, sóng lắc lư, có mái chèo hay không thúng vẫn điềm nhiên cưỡi sóng lướt đi. Ngư dân đứng lắc thúng trông như giỡn sóng nhưng vẫn di chuyển rất nhanh…

Thuyền thúng là cánh tay của ngư dân, là thuyền con của tàu mẹ, là phao cứu sinh, là trái bóng khổng lồ lì lợm. Mặc gió to sóng cả, thuyền vẫn vững chãi cùng ngư dân giữa biển xa một mình. Ra khơi với tàu lớn, bên hông tàu có vài cái thuyền thúng là ngư dân yên tâm. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với lô xô những đảo đá dựng đứng, sóng dội xuôi ngược vào ra. Tàu mẹ neo xa xa, thúng chai xoay xoay lắc lắc len lỏi tiến vào các ngầm đá, hốc đá để câu cá ngừ đại dương, câu mực… “Trí khôn biển Việt” của ông cha ta đã làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa từ xa xưa nhờ chiếc thúng chai kỳ diệu. Đây cũng là minh chứng về chủ quyền của người Việt đối với các quần đảo này, là kinh nghiệm đánh bắt hải sản trong các ghềnh đá, là kinh nghiệm nghe ngóng cơn bão lớn con sóng xa mà không phải ngư dân nước nào cũng có được!

Khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng việc thông thạo nghề biển của người Việt, tôi chợt nhớ đến những trận hải chiến vẻ vang của cha ông ta xưa. Thời Đông Sơn, tổ tiên người Việt đã đóng những con tàu lớn bọc đồng, dài 26 - 30 m. Rồi hồi ký của A.de Rhodes ghi lại đánh giá của người Hà Lan thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn là “có thể đánh bại các thuyền của Hà Lan, từng được coi là chủ nhân của Ấn Độ Dương”. Tàu thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu để kết nối sông và biển, biển và đất liền. Các vương triều xưa của Việt Nam dùng tàu thuyền để mở rộng bờ cõi. Vượt đèo Ngang tiến sâu vào vùng cực nam, chúa Nguyễn đã tổ chức các đội thuyền Hoàng Sa, Bắc Hải để khai thác tài nguyên, đo đạc thủy triều, tiến vào các hòn đảo ở Biển Đông cắm mốc khẳng định chủ quyền.

Tàu thuyền sông biển gắn với đời sống dân tộc Việt Nam cả phần xác lẫn phần hồn. Hình tàu thuyền đủ kiểu phong phú của Việt Nam được khắc trên thạp, trống, rìu… thời mở nước. Tàu thuyền có linh hồn từ đó với “mắt thuyền” trang trí theo tín ngưỡng biển. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam chạy dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km đều có tín ngưỡng “mắt thuyền” riêng. Với người gắn bó với sông biển, chỉ cần nhìn vào “mắt thuyền” là có thể biết được xuất xứ tàu thuyền. Ở các tỉnh miền Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… mắt thuyền được vẽ tròn to, trang trí sặc sỡ trên nền sơn đỏ, tạo nên sự vui nhộn hiền hòa. Các tỉnh thành miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… mắt thuyền được vẽ hai màu chủ đạo đen trắng, xếch phần đuôi trông khá dữ với ánh nhìn hướng xuống mặt biển, ngụ ý “nhìn thật sâu để tìm ra nơi có nhiều tôm cá”.

Một góc biển Ninh Thủy, Ninh Hòa

HIỀN LƯƠNG

Người Việt đi biển xưa khi chết cũng có quan tài hình tàu thuyền và mái chèo chôn theo. Điều này cũng dễ hiểu. Khi bôn ba đến xứ An Nam giao thương vào thế kỷ 18, người phương Tây đã nhận xét: “Xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng, muốn đến Huế hay bất kỳ nơi nào đều phải đi đường thủy”. Tàu thuyền, sông nước còn đi vào văn học dân gian với truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh đánh nhau tạo ra lũ lụt, mối tình ngang trái giữa công chúa Mỵ Nương và anh lái đò Trương Chi cũng diễn ra trong bối cảnh sông nước. Chuyện tình cảm đã vậy, tàu thuyền Việt Nam cũng đi vào kiến trúc với âm hưởng thật đặc biệt. Kiến trúc đình làng nước ta thường như một chiếc thuyền được biểu hiện hình khối với bộ mái đình có những đầu đao cong vút; các bộ phận của đình gắn với tàu thuyền như mái tàu, mũi tàu, bệ tàu, thân tàu, chiếc xà gồ nối hai đầu cột được gọi là “quá giang”… Sách xưa khái quát ngắn gọn giữa Việt Nam và Trung Quốc: “Nam đi thuyền, Bắc đi ngựa” (Nam di chu, Bắc di mã). Hàm ý người phương Nam (Việt Nam) di chuyển bằng thuyền, người phương Bắc (Trung Quốc) di chuyển bằng ngựa. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất thuận lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt”.

Đến thời cận đại, khi đường bộ phát triển bên cạnh nhiều loại xe cơ giới du nhập, khi Pháp xâm chiếm Việt Nam với những cuộc giao chiến liên miên thì giao thông thủy bị thu hẹp. Vai trò của tàu thuyền, sông biển không còn tuyệt đối như xưa nữa. Nhiều sông rạch bị lấp làm đường bộ, ngoại thương bằng những đội hải thuyền mai một dần đi, giao thương chỉ loanh quanh trong nước. Chính sách “bế quan tỏa cảng” một thời tạo ra tâm lý “nhạt biển”, xa biển; ý thức về lãnh hải yếu ớt, mơ hồ… Văn hóa biển đôi khi nhạt nhòa, nhường cho văn hóa tam nông lên ngôi. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn “quây” làng xã lại như một “vương quốc” tự cung tự cấp, ngại mở mang, ngại giao thương… Tâm thế và tâm lý thoáng đãng dữ dội như biển của người Việt xưa dần đi vào quên lãng!

Mãi đến sau này, chính sách về kinh tế biển, khai thác biển và kiên quyết giữ chủ quyền biển đảo đã tạo ra một tâm thế tự tin cho ngư dân Việt khi ra khơi. Nhờ vậy, với sự trợ giúp khá lớn, ngư dân đã có thể sống nhờ biển một cách ung dung hơn.

Suy nghiệm giữa buổi sáng ấy, tôi ngắm nhìn biển, nghe rì rào biển hát, lòng chùng xuống trong những thanh âm tuyệt vời của biển. Nghĩ về quá khứ huy hoàng của biển và văn hóa biển của dân tộc, tôi bỗng chợt hy vọng, mai này Việt Nam rồi cũng sẽ có được những hạm đội thương thuyền mạnh mẽ vươn ra biển lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.