Nghĩa tình còn mãi: Tình người xuyên màn đêm

04/12/2021 08:00 GMT+7

Bắt đầu từ năm 2016, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn do anh Nguyễn Vương Trường Thành (27 tuổi) là trưởng nhóm đã miệt mài giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ chọn hè phố làm nơi ngả lưng mỗi đêm.

Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, những phận đời bất hạnh, cơ nhỡ không chốn nương náu tiếp tục chọn vỉa hè làm nơi ngả lưng mỗi đêm. Thay vì nghỉ ngơi, các nhóm thiện nguyện vẫn xuyên đêm đi trao quà, trao tình thương đến những người khó khăn.

Xuyên đêm giúp người vô gia cư

Bắt đầu từ năm 2016, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn do anh Nguyễn Vương Trường Thành (27 tuổi) là trưởng nhóm đã miệt mài giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ chọn hè phố làm nơi ngả lưng mỗi đêm.

Nhóm anh Thành có khoảng 20 thành viên chính thức và các tình nguyện viên đăng ký thêm mỗi lần đi phát quà đêm. Vào tối thứ bảy hằng tuần, nhóm sẽ tập trung lúc 20 giờ tại số 19 Hoa Cau (P.7, Q.Phú Nhuận) để soạn các phần quà là bánh mì, sữa gửi tặng người khó khăn. “Nhóm chọn tặng các quà trên thay vì phát cơm, cháo vì đồ ăn trên bảo quản được lâu để dành ăn chống đói”, anh Thành chia sẻ.

Nhóm thiện nguyện Liên Tâm hỗ trợ bà con khó khăn trong giãn cách

NGUYÊN MAI

Hơn 5 năm miệt mài mang hơi ấm tình người đến những mảnh đời có cuộc sống khó khăn, bám víu nơi hè phố mỗi đêm, đối với anh Thành, suốt 5 tháng dịch vừa qua là một cột mốc khó quên khi anh và các thành viên của nhóm thiện nguyện đã xuyên suốt ngày đêm đồng hành vượt qua mùa dịch.

Anh Thành kể, 5 tháng TP.HCM giãn cách, nhóm đã hạn chế số lượng thành viên đi phát quà. Nhóm chỉ còn 4 - 5 thành viên mặc đồ bảo hộ, chia ra đi phát quà khắp các tuyến đường ở các quận, huyện. Số lượng quà mỗi đêm phát từ 500 - 1.000 phần. “Lúc đó đường sá vắng vẻ, các nhóm thiện nguyện khác cũng hoạt động thưa dần nên mình thấy thương các cô, chú hơn. Họ không được đi làm, là người bán vé số, hàng rong, ve chai… đều thất nghiệp, không chỗ nương thân. Đã khổ càng khổ hơn”, anh Thành nhớ lại.

Thời điểm đó, anh Thành còn nhận thêm hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi cầu cứu của người khó khăn đang ở khu phong tỏa, cách ly. Thế nên, suốt từ đầu tháng 6 đến ngày 1.10, cứ 8 giờ sáng mỗi ngày, nhóm thiện nguyện sẽ cùng nhau soạn các nhu yếu phẩm, rồi mang gửi đến các khu phong tỏa, nhà trọ nghèo. Đến 8 giờ tối, nhóm lại soạn quà để đi phát cho các hoàn cảnh cơ nhỡ.

Sau ngày 1.10, khi TP.HCM đã nới lỏng giãn cách, thay vì nghỉ ngơi sau 5 tháng ròng rã, nhóm Đêm Sài Gòn vẫn tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “Quyết tâm không để bà con đói”. “Ngày trong tuần đầu sau giãn cách, các thành viên nhóm đã thống nhất sẽ đi làm công việc chính, đến tối thứ bảy mọi người lại tụ họp về để đi trao quà. Vì nếu mình không làm, mọi người đói mình lại thấy đau”, anh Thành bộc bạch.

Liên Tâm cũng là một trong những nhóm thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ trên đường phố Sài Gòn. Chị Cao Hữu Hoàng Vân (29 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), trưởng nhóm thiện nguyện Liên Tâm, cho biết nhóm được thành lập từ năm 2017 với số lượng thành viên chính thức 10 người.

Trước dịch, nhóm chọn cố định tối thứ bảy mỗi tuần làm ngày đi phát quà vào ban đêm. Vào các ngày trong tuần, nhóm sẽ xác minh các trường hợp khó khăn không có khả năng chi trả phí sinh hoạt hay mắc bệnh hiểm nghèo để vận động kinh phí giúp đỡ họ.

Ông Từ Sú Há (71 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) nhận quà từ nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn

SONG MAI

Nhóm có 3 kho tập kết hàng hóa ở Q.8, TP.Thủ Đức và Q.Gò Vấp để chia nhau ra nhiều nơi sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn. Mỗi tối thứ bảy hằng tuần, chị Vân cùng tình nguyện viên đi chợ mua nguyên liệu về nấu các phần cơm, cháo, phở và đóng gói các phần quà gồm sữa, nước suối. Đến 9 giờ tối, nhóm sẽ xuất phát từ các kho đến những tuyến đường khắp các quận, huyện để phát cho người khó khăn.

“Đường phố lúc đó vắng tanh, không ít hoàn cảnh mất việc do dịch, ra vỉa hè nằm trên người có mỗi bộ đồ và đôi dép, còn không có nổi tấm bạt để lót nằm. Nhóm đã vận động được một số lều dựng tạm để gửi đến họ và chọn những phần thực phẩm có thể để được vài ngày, nước suối cũng chọn loại có dung tích lớn hơn để trữ được lâu hơn”, chị Vân kể.

“Không đâu bằng thành phố nghĩa tình”

Chị Mai Thị Diệu Hiền, là thành viên của nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn chia sẻ, chị đã gần 10 năm miệt mài làm thiện nguyện về đêm. Khi là thành viên của nhóm, chị Hiền đã cùng với anh Thành giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Nhất là trong thời gian giãn cách, chị Hiền mang đồ bảo hộ đêm nào cũng đi phát quà đến tay người khó khăn.

Phát quà đêm cho người vô gia cư gần 10 năm qua, chị Hiền tâm sự chị hầu như đã nắm rõ tuyến đường, từng hoàn cảnh mà mình đã gặp. Chị Hiền xem việc giúp người vô gia cư như ăn vào máu thịt. “5 tháng dịch đến thời điểm hiện tại, mọi người cũng phải quay về lo cuộc sống riêng. Nhưng những hoàn cảnh khó khăn vẫn còn thì mình tiếp tục làm, nên tôi và các bạn tình nguyện viên vẫn dành ra đêm thứ bảy để tiếp tục việc thiện nguyện”, chị Hiền tâm sự.

Chị Mai Thị Diệu Hiền (thành viên của nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn) phát quà cho người vô gia cư

ĐÀO NGUYÊN

Mỗi lần đi phát quà, đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm sẽ liên lạc với chính quyền địa phương, xác minh để kêu gọi nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. “Không chỉ cho quà, bánh và hỗ trợ tiền, những người không nhà cửa, không người thân rất cô đơn và luôn cần sự sẻ chia, quan tâm”, chị Hiền nói.

Chúng tôi đã có dịp cùng nhóm Đêm Sài Gòn phát những phần quà đến tay người vô gia cư trong đêm. Hôm đó là tối 15.11, chị Hiền cùng anh Thành và khoảng 10 thành viên chở phần quà gồm bánh ngọt, sữa bằng xe máy rồi chia nhau đi phát trên các tuyến đường ở Q.1, Q.3, Q.5, Q.10.

Tại góc ngã tư Võ Thị Sáu - Trương Định (Q.3), bà Trần Thị Nghĩa (76 tuổi) trải tấm ni lông ra ngồi mong người qua đường giúp đỡ. Thấy bà Nghĩa, anh Thành và chị Hiền tấp xe vào lề. Chị Hiền soạn vài phần bánh, sữa và kèm theo 500.000 đồng tiền mặt đến gửi cho bà và nhắn nhủ: “Hôm nay con có ít tiền và bánh, sữa gửi bà, tiền thì bà giữ kỹ một chút để lo cuộc sống sinh hoạt nha”.

“Cuộc sống bà khó khăn, 4 người con đều bị bệnh qua đời nên không có ai để nương tựa. Trước đây, nhóm đã vận động nhà hảo tâm để giúp đỡ bà một phần trang trải cuộc sống”, chị Hiền kể.

Bà Nghĩa làm đủ nghề để kiếm sống từ rửa chén thuê, nhặt ve chai đến chở ít đồ lặt vặt khi có người nhờ, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Đến khi dịch bùng phát, thành phố giãn cách, hàng quán đóng cửa nên không ai thuê bà làm. Hơn 4 tháng ở nhà, bà nhận tiền hỗ trợ từ phường trang trải chi phí tiền trọ, tiền ăn.

Đến tháng thứ 5, tiền hết cũng không ai thuê làm việc, cứ mỗi tối bà Nghĩa lại ra đoạn đường này ngồi với mong mỏi xin được ít tiền đóng tiền nhà trọ, kiếm cái ăn. “Lớn tuổi quá rồi nên không ai nhận vào làm. Tôi ra đây ngồi từ sáng đến 11 giờ đêm mới về. Tôi còn có chiếc xe đạp để đi lại, coi như tài sản cuối cùng”, bà Nghĩa rầu rĩ.

Tại trạm xe buýt trên đoạn đường Cách Mạng Tháng 8 (P.Võ Thị Sáu, Q.3), ông Từ Sú Há (71 tuổi) dựng chiếc xe đạp cũ kỹ chở lỉnh kỉnh sách báo, chai nhựa, định ngả lưng. Nhận được phần quà gồm bánh, sữa của nhóm, ông Há rối rít cảm ơn.

Ông Há cho biết hiện tại ông đang thuê trọ và sống với vợ ở Q.Gò Vấp, tiền trọ mỗi tháng tầm 2 triệu đồng. Công việc thu lượm ve chai vốn đã ít tiền lại càng thêm bèo bọt vì ông tuổi đã cao nên không đi được nhiều, chi phí sinh hoạt của vợ chồng già phải chi li hết mức có thể. Để tiết kiệm thời gian và sức lực, ông Há chọn cách đi nhặt ve chai ở các quận trung tâm từ 2 - 3 ngày, bán được tầm 100.000 đồng thì về nhà trọ một lần.

Ông Há nói, dịch bệnh, cuộc sống khó khăn, nhưng ông luôn nhận được tình yêu thương, giúp đỡ từ các nhóm thiện nguyện. “Phải nói là, tôi đang sống ở một thành phố nghĩa tình, không bỏ rơi ai lại phía sau cả. Dù dịch bệnh khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ phải bị đói, ban ngày thì nhận cơm từ thiện, còn buổi tối có các nhóm thiện nguyện giúp đỡ”, ông Há xúc động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.