Những bếp cơm vì người nghèo

03/12/2021 05:29 GMT+7

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 kéo dài hơn 5 tháng, các bếp ăn thiện nguyện ở TP.HCM vẫn hoạt động xuyên suốt để phục vụ tuyến đầu chống dịch. Sau giãn cách, những bếp ăn vẫn tiếp tục đồng hành cùng người khó.

10 năm vì người nghèo

4 giờ sáng các ngày thứ ba, tư và năm, căn bếp bên trong trụ sở khu phố 5, P.Bình Trưng Đông (TP.Thủ Đức) lại sáng đèn. Gần 10 thành viên của bếp cơm nghĩa tình tất bật nhặt rau củ, vo gạo nấu cơm để chuẩn bị những phần cơm, canh sắp xếp ra bàn để người khó khăn đến nhận. Trên tấm bảng thông báo ghi rõ: “Cảm ơn nhà hảo tâm đã gửi tặng 300 suất cơm cho hộ khó khăn, hộ nghèo tại khu phố”.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó ban quản trị kiêm thủ quỹ bếp ăn và cũng là một trong những người chủ lực của bếp ăn, cho biết năm 2011 bà cùng 6 thành viên tổ chức nấu bữa ăn giúp đỡ cho trẻ mồ côi, người già neo đơn. Thời điểm đó, không có kinh phí, các thành viên góp chút tiền để nấu nồi cháo rồi gửi các hoàn cảnh khó khăn. Bếp hoạt động đến năm 2014 thì được sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND P.Bình Trưng Đông và hoạt động dưới mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, với tên gọi “Bếp cơm nghĩa tình”.

Sư thầy Thích Huệ Đức tại chùa Hương Thiền chuẩn bị những phần cơm cho người dân khó khăn

NGUYÊN MAi

Đến khoảng 9 giờ, khi cơm canh nấu xong, mọi người phân chia ra để 10 giờ phát cho người dân theo danh sách đã niêm yết sẵn. “Trước đây, sau khi phát cơm cho hộ nghèo, neo đơn theo danh sách của phường, bếp sẽ bán các phần cơm giá tượng trưng 2.000 đồng đối với khách vãng lai là người bán vé số, ve chai, hàng rong… Nhưng 2 năm nay dịch bệnh, việc bán tại chỗ cũng ngưng lại và chỉ phát theo danh sách niêm yết sẵn. Người dân đến nhận cơm sẽ mang theo phiếu được phát trước”, bà Thủy nói.

Không chỉ nấu cơm cho người khó, suốt 5 tháng dịch giã, bà Thủy đồng hành với lực lượng tuyến đầu chống dịch, mỗi ngày nấu 300 suất cơm. “Bếp ăn ở khu phố nằm trên tuyến hẻm bị phong tỏa do dịch, tôi phải mang thực phẩm về bếp ở nhà nấu. Vừa nấu 300 phần cơm cho tuyến đầu, vừa nấu thêm 3 ngày trong tuần cho người dân khó khăn, cực nhưng không bỏ ngày nào”, bà Thủy nhớ lại.

Lá lành đùm lá rách

Tại bếp cơm nghĩa tình, các thành viên đều là chị em phụ nữ của khu phố, lao động tự do đến phụ giúp. Sau giãn cách, thay vì nghỉ ngơi, bếp cơm của bà Thủy tiếp tục hoạt động để san sẻ với người khó.

Chị Trần Thị Mỹ Ngân (38 tuổi) đã phụ giúp ở bếp cơm được 2 năm nay. Những ngày bếp hoạt động, chị Ngân nhín ra nửa buổi đi nhặt ve chai để ghé sang bếp cơm phụ giúp. Trước dịch, tại trụ sở khu phố 5, bà Thủy xin mở thêm lớp học tình thương cho trẻ em nghèo. Hai con nhỏ của chị Ngân theo học thêm tại đây và được bà Thủy chỉ dạy tận tình, rành rẽ trước khi vào học tại trường. “Mình ghé đây phụ giúp bếp cơm, vừa giúp đỡ được hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cũng xem như đáp lại việc bà Thủy đã giúp đỡ 2 đứa con của tôi”, chị Ngân tâm sự.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, người chủ lực của bếp cơm nghĩa tình, gửi phần cơm đến người dân khó khăn sau giãn cách

ĐÀO NGUYÊN

Gắn bó từ ngày bếp cơm mới thành lập, bà Doãn Thị Thơi (59 tuổi, quê Thanh Hóa) cứ hôm nào bếp cơm nấu, bà sẽ dậy từ 4 giờ sáng để sang phụ giúp. Từ quê vào TP.HCM được 20 năm, bà Thơi làm nghề nhặt ve chai kiếm sống, mỗi ngày thu nhập chừng 100.000 - 200.000 đồng, đủ trang trải tiền sinh hoạt. “Hôm nào bếp nấu cơm, tôi sẽ sang phụ nửa buổi, rồi đi làm nửa buổi. Mình khó khăn vậy thôi, chứ có người còn khổ hơn mình. Không có tiền góp vào thì mình tới bếp cơm góp công”, bà Thơi chia sẻ.

Thành lập bếp cơm đã 10 năm nay, bà Thủy nhớ rõ từng hoàn cảnh đến nhận cơm. Còn nhiều người khi ghé đến nhận cơm đều quen gọi bà Thủy với cái tên thân quen là “ngoại Thủy”. Cứ mỗi lần có người ghé đến, bà Thủy lại hỏi han tận tình và nhớ rõ gia đình họ có bao nhiêu người, cần nhận mấy phần cơm.

10 giờ ngày 17.11, bà Châu Thị Thơm (46 tuổi, quê An Giang) cầm tờ phiếu đến nhận cơm. Đến trước cổng, bà Thơm đã gọi “ngoại Thủy ơi, con đến nhận cơm”. Bà Thủy nhận phiếu của bà Thơm rồi phát liền 4 phần. “Nhớ kèm mấy đứa nhỏ ở nhà học online nha. Sang đây nhận thêm trứng, sữa về cho tụi nhỏ nè”, bà Thủy nói.

Cuộc sống ở quê khó khăn, bà Thơm cùng chồng và 3 người con lên TP.HCM mưu sinh được gần 2 năm. Bà Thơm kể sau giãn cách, chồng đi bán hàng rong lại được hơn 1 tuần nay, bà ở nhà nội trợ, chăm mấy đứa con nhỏ đang học online. Thu nhập từ công việc bán hàng rong của chồng bà chỉ đủ trang trải tiền phòng trọ và sinh hoạt cho các con. Gia đình khó khăn, bà Thơm được khu phố phát phiếu nhận cơm tại bếp nghĩa tình. “Cả nhà lên thành phố 2 năm là suốt 2 năm đều nhận cơm tại bếp này. 5 tháng giãn cách khó khăn, tôi vẫn nhận được phần cơm từ bếp, rồi cả gạo, trứng, sữa…”, bà Thơm cảm động.

Quá giờ trưa, bà Phan Thị Nguyệt (66 tuổi) đến nhận cơm. Bà Nguyệt làm giúp việc nhà. Sau giãn cách, bà đi phụ giúp việc nhà được 2 tuần, mỗi ngày tầm 100.000 đồng để lo tiền thuê trọ và chăm sóc mẹ già 85 tuổi đang bệnh nặng. “Tôi nhận cơm ở đây đã mấy năm rồi. Các cô tốt lắm, thức khuya dậy sớm để nấu cơm cho tôi. Nhận phần cơm này 3 ngày trong tuần, tôi mừng lắm vì đỡ được tiền đi chợ. Hôm nào không nhận cơm, tôi mua thịt cho mẹ ăn, còn mình thì xin cơm ở chỗ làm ăn đỡ”, bà Nguyệt nói.

Bà Châu Thị Thơm (46 tuổi, quê An Giang) nhận phần cơm từ bếp cơm nghĩa tình P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức

SONG MAI

Đồng hành cùng người khó

Chùa Hương Thiền nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh). Những ngày dịch bệnh căng thẳng vừa qua, nơi đây cung cấp hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân nhiễm Covid-19 và người lao động, sinh viên gặp khó khăn.

Bếp ăn chùa Hương Thiền đã hoạt động được 7 năm. Cứ mỗi tháng 2 lần, bếp nấu 1.500 suất cơm để gửi đến thân nhân của bệnh nhân ở các bệnh viện. Chùa còn tạo một quỹ bán đồ chay, số tiền bán được sẽ đưa vào quỹ để duy trì các hoạt động thiện nguyện.

Kể về khoảng thời gian vận hành bếp ăn chùa Hương Thiền trong những tháng cao điểm dịch, sư thầy Thích Huệ Đức chia sẻ khi dịch bắt đầu bùng phát, bếp ăn đã tăng 3 ngày nấu mỗi tuần. Khi dịch trở nên căng thẳng, sư thầy Thích Huệ Đức không đành lòng dừng bếp ăn, nên đã xin phép chính quyền địa phương để tiếp tục nấu. Lúc này, bếp nhận thêm rau, củ quả chuyển xuống từ Trung tâm an sinh TP.HCM để nấu suốt 40 ngày dịch giã.

Đồng hồ vừa điểm 1 giờ sáng, sư thầy Thích Huệ Đức cùng 30 thành viên của bếp ăn đã chuẩn bị củi lửa đun nước, vo gạo, rửa rau để kịp chuẩn bị các phần cơm. Đến 10 giờ sáng thì cơm canh, đồ ăn đâu vào đấy, mỗi phần được sắp xếp gọn gàng, chờ các đơn vị đến nhận. Sau khi hoàn thành việc phân phát cơm cho các nơi, các thành viên bếp ăn lại tiếp tục phân chia những túi quà gồm gạo và nhu yếu phẩm để gửi đến người dân đang gặp khó khăn.

“Khi thì rau củ về chùa quá nhiều, không có chỗ chứa, thầy đã cậy nhờ người dân cho mượn mặt tiền nhà làm điểm tập kết, mượn tủ đông để dự trữ các loại nguyên liệu. Số củi mà chùa dùng để nấu cơm sắp hết, thầy cùng các sư đến xin những khu xây dựng gỗ thừa về nấu tiếp”, sư thầy Thích Huệ Đức nhớ lại.

Theo sư thầy Thích Huệ Đức, sau giãn cách, chùa vẫn hỗ trợ các túi an sinh và nấu phần cơm gửi đến các hoàn cảnh khó khăn. “Vì bây giờ người dân khó khăn cũng mới trở lại mưu sinh trong giãn cách, chưa kịp trang trải gì”, sư thầy chia sẻ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.