Lương Ngọc Anh là chàng ba gác “vá” lại cuộc đời xuất hiện trong loạt phóng sự Những mảnh đời ba gác đăng trên Báo Thanh Niên cách đây không lâu. Với “máu” thiện nguyện có sẵn, nhiều năm trước, Ngọc Anh đã từng chở miễn phí hàng từ thiện đi nhiều nơi. Vì vậy, từ khi TP.HCM giãn cách xã hội do dịch Covid-19, thì những chuyến xe 0 đồng như nghĩa cử giản dị của chàng trai gốc Quảng Bình này đối với cộng đồng.
Năn nỉ để được chở miễn phí
Ngọc Anh tâm sự với chúng tôi, trong thời gian TP.HCM phải giãn cách xã hội, đọc báo thấy bà con nghèo, dân lao động phổ thông khổ quá mà mình cũng nghèo nên không biết lấy gì để giúp. Tình cờ Ngọc Anh biết đến bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự ở Q.1 đang nấu những suất cơm để phát cho bà con trong những khu bị phong tỏa. Vậy là anh chạy xe tới xin được chở cơm đi phát.
“Lúc đó chị Phượng, bếp trưởng bếp ăn này ái ngại nói trong đại dịch người chạy ba gác cũng thuộc diện khó khăn, cần phải dành thời gian chạy thuê kiếm cơm cho gia đình. Nhưng tôi năn nỉ và nói rất vui nếu được nhận làm ở đây vì trong người tôi có máu thiện nguyện sẵn. Cuối cùng chị Phượng cũng cho tham gia vận chuyển rau củ, cơm, nhu yếu phẩm tới những khu cách ly, phong tỏa. Điều đó làm tôi rất mừng, giống như trước đây mình được nhận vào làm ở một công ty để có lương nuôi gia đình vậy”, Ngọc Anh chia sẻ.
Đêm 29.6.2021 lúc 22 giờ là chuyến hàng 0 đồng hỗ trợ bà con bị phong tỏa vì dịch Covid-19 đầu tiên của anh ba gác có tấm lòng nhân ái này. “Tôi cùng các anh chị em của bếp ăn vận chuyển 3 tấn rau củ đến với khu phong tỏa ở đường Bùi Tư Toàn, P.An Lạc, Q.Bình Tân. Lúc lên hàng xong, tôi được các anh chị phát cho bộ đồ bảo hộ, kính bảo hộ để mặc. Mặc bộ đồ vô, tôi cảm nhận cái cảm giác nóng bức, mồ hôi đổ như tắm. Vì thế, tôi mới thật sự hiểu được những nỗi cực khổ của các y bác sĩ và những người ở tuyến đầu chống dịch”, Ngọc Anh trải lòng.
Tôi chạy xe đi phát cơm mà thật lòng bụng mình cũng đói meo. Nhưng nghĩ đến những người nghèo đang cần suất ăn, tôi ráng giao cho xong và suất cuối cùng xin cho mình “thưởng thức”. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bữa cơm từ thiện đạm bạc mà rất chi là ngonAnh Lương Ngọc Anh |
Sau khi giao xong chuyến hàng này đã gần nửa đêm, nhiệm vụ tiếp theo của chàng ba gác là chở 200 phần ăn nữa đến trao cho những người vô gia cư, lao động nghèo ở một số nơi. “Tôi chạy xe đi phát cơm mà thật lòng bụng mình cũng đói meo. Nhưng nghĩ đến những người nghèo đang cần suất ăn, tôi ráng giao cho xong và suất cuối cùng xin cho mình “thưởng thức”. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bữa cơm từ thiện đạm bạc mà rất chi là ngon. Lúc phát xong cơm đã 1 giờ sáng. Tôi chạy xe về bãi xe, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ ra, sát khuẩn toàn bộ người và về nhà với vợ con”, Ngọc Anh tâm sự.
|
Lỡ xui nhiễm bệnh cũng chấp nhận
Tôi hỏi là lao động chính của gia đình, dấn thân vào những nơi có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao có ngại không, Ngọc Anh thật thà: “Nói thật, đi như vậy tôi cũng sợ lắm.
Nhà còn 2 đứa con nhỏ và vợ nữa. Có khi trong đầu thoáng hiện câu hỏi “lỡ mình nhiễm vi rút thì không biết vợ con phải sống làm sao?”. Nhưng với quyết tâm làm thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng trong lúc hoạn nạn và được sự động viên của vợ, tôi cảm thấy an lòng và như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục phục vụ những chuyến xe thiện nguyện. Nếu xui mà nhiễm bệnh cũng chấp nhận”.
Kể từ chuyến hàng đầu tiên chung tay với bếp ăn Mãn Tự, Lương Ngọc Anh cảm thấy trong đại dịch này, phương tiện xe ba gác càng trở nên hữu dụng. Theo Ngọc Anh, xe ba gác có thể cơ động tiếp cận được những khu phố, con hẻm đang bị phong tỏa, có thể chở được lượng hàng hóa thiết yếu khá lớn giúp bà con.
“Các ngày tiếp theo, bếp ăn gọi tôi lúc nào là tôi có mặt lúc đó. Vận chuyển rau từ chành xe về bếp ăn phải nhận hàng lúc nửa đêm. Rồi từ bếp ăn chở cơm đi khắp nơi trong thành phố”, Ngọc Anh thổ lộ. Anh còn đứng ra kêu gọi một số đồng nghiệp ba gác khác chung tay chở những chuyến hàng 0 đồng.
|
Điều Ngọc Anh vui hơn là lực lượng cảnh sát giao thông đồng cảm với việc làm từ thiện này nên chưa bị “làm khó”. Hơn nữa, Ngọc Anh cũng xin được giấy “thông hành” chở hàng từ thiện. Theo Ngọc Anh, một số anh em ba gác hưởng ứng lời kêu gọi tham gia chở hàng 0 đồng cho các tổ chức, cá nhân giúp bà con vùng dịch. Tuy nhiên, cái khó là một số người chạy ba gác là chưa có giấy “thông hành”. Vì thế, nếu chở hàng từ thiện giúp bà con mà bị phạt thì khổ đôi đường.
Công việc thiện nguyện giữa mùa dịch cũng cho Ngọc Anh những trải nghiệm khó quên. Nhớ nhất là ngày chở hàng qua chùa Lâm Quang, đường Bến Bình Đông, Q.8. Lúc đó Ngọc Anh đi với một anh của bếp ăn Mãn Tự. Hai anh em vừa qua đến nơi thì mới biết con hẻm kế chùa vừa bị phong tỏa với mấy mươi ca dương tính. “Lúc đó tôi thật sự rất lo. Nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh vận chuyển hết gần 1 tấn rau củ vào cho chùa và nhanh tay sát khuẩn toàn thân”, Ngọc Anh bộc bạch.
Tôi hỏi thành phố đang giãn cách xã hội, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại dồn hết lên vai của mình, nhưng hiện nay anh dành gần như toàn bộ thời gian cho việc chở hàng từ thiện thì lấy gì sinh sống? Ngọc Anh cười hề hề: “Cũng may những ngày chạy xe chở hàng thiện nguyện ở bếp Mãn Tự cũng được bếp ăn làm từ thiện lại cho mình bằng rau củ, đồ ăn. Nhờ đó cũng có cái ăn qua ngày chống chọi trong mùa dịch bệnh và có sức khỏe để làm việc”.
Tâm sự của người vợKhi ông xã nói đi chở hàng từ thiện cho bếp ăn đến các vùng bị phong tỏa do dịch, dù biết rằng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng tôi không đắn đo chút nào cả. Tôi động viên ông xã không giúp cộng đồng lúc này thì còn lúc nào nữa. Có những hôm về nhà ảnh nói làm đêm, vác hàng hóa, rau củ nặng nhọc… nhưng rất vui và ấm lòng khi góp được một phần nhỏ giúp những người lao động nghèo, bà con đang bị cách ly, tôi cũng vui lây. Tôi chỉ mong ảnh có thật nhiều sức khỏe để có thể làm tiếp những công việc thiện nguyện của mình.
Chị Hồ Thị Trúc Phương, vợ anh Lương Ngọc Anh
|
Bình luận (0)