Nghĩa tình quân dân trên đảo Nam Du

10/01/2017 11:35 GMT+7

Nhiều năm qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng quân trên quần đảo Nam Du còn giúp ngư dân yên tâm bám biển, tạo tình cảm quân dân thắm thiết.

Xây dựng thế trận lòng dân
Thượng tá Đặng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng (BP) Nam Du (H.Kiên Hải, Kiên Giang), cho biết những năm qua, đơn vị đã làm tốt chức trách nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển. Đặc biệt phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham mưu cho địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nền BP toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Những chiến sĩ mang “quân hàm xanh” từ lâu đã xem đảo là nhà, biển cả là quê hương, quần chúng nhân dân là anh em ruột thịt. Từ đó, cán bộ chiến sĩ của đồn giữ vững mối quan hệ gắn kết với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân để giúp địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước tạo nên nền BP toàn dân vững mạnh.
Thời gian qua, tuy đóng quân cách đất liền hơn 100 km, đời sống cán bộ, chiến sĩ BP ở Nam Du còn nhiều khó khăn nhưng chính sự gắn bó với người dân đã tạo nên tình cảm quân dân thắm thiết. Ông Lê Quang Trưởng (ngụ ấp An Cư, xã An Sơn, H.Kiên Hải) cho biết bộ đội BP với người dân An Sơn như “cá với nước”, cùng “chia ngọt sẻ bùi” trong mọi hoàn cảnh. Ngư dân có rủi ro gì trên biển, bị tàu lạ quấy phá thì các chiến sĩ BP luôn có mặt giúp đỡ; kêu gọi các tổ chức xã hội hỗ trợ vật chất để người dân an tâm vươn khơi bám biển.
Theo thượng tá Đặng Văn Mạnh, những năm qua, đơn vị đã kết hợp với chính quyền địa phương thành lập 2 tổ tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân còn góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bà con cung cấp nhiều thông tin giúp bộ đội BP quản lý địa bàn, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngày nay, Nam Du đang trong quá trình phát triển mạnh về kinh tế biển. Bên cạnh nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch và dịch vụ cũng hứa hẹn sẽ mang về nguồn lợi kinh tế cao cho người dân. Chỉ tính riêng xã An Sơn (một trong 2 xã nằm trong quần đảo Nam Du), năm 2016, đã đón trên 70.000 lượt khách đến tham quan, sản lượng khai thác ước đạt trên 10.000 tấn, tổng mức luân chuyển hàng hóa 280 tỉ đồng.
Theo thiếu tá Danh Hiếu, Phó đồn trưởng Đồn BP Nam Du, để hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân được thuận lợi, các chiến sĩ BP đã tuyên truyền, vận động người dân khai thác đi đôi với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên biển và đấu tranh với các loại tội phạm. Qua đó có nhiều cách làm hay, mô hình quản lý về biên giới biển trên địa bàn cũng được xây dựng như khu dân cư văn hóa, tổ tàu thuyền đoàn kết, bến bãi an toàn, an ninh trật tự thôn xóm… Qua thực hiện các phong trào, người dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh Kiên Giang, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nam Du tích cực tuyên truyền Nghị định 71 của Chính phủ về quản lý khu vực biên giới biển; Nghị định 33 của Chính phủ quy định khai thác hải sản của các tổ chức, cá nhân trên vùng biển VN; quyết định số 23 của UBND tỉnh về quản lý khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chính việc tuyên truyền thường xuyên đã giúp ngư dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cùng với lực lượng BP bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Bây giờ, với Bộ đội BP Nam Du, mỗi địa danh như Hòn Ngang, Hòn Mấu, Bãi Mến, hòn Bà Đầm… đều được các chiến sĩ thuộc nằm lòng, nắm chắc địa bàn để nâng cao các mặt hoạt động, công tác nghiệp vụ. “Đồn là nhà, biển đảo là quê hương”, giữa thăm thẳm mù khơi, những cán bộ chiến sĩ Đồn BP Nam Du đang như ngọn đèn tỏa sáng thắp lên bản lĩnh, niềm tin, quyết tâm vững tay súng, kiên trung bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh hải của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.