Nghịch lý thuế: Nhọc nhằn đóng, còng lưng gánh nợ

Anh Vũ
Anh Vũ
17/10/2020 21:00 GMT+7

Trong khi người nộp thuế thu nhập cá nhân phải oằn mình đóng thuế, thì số nợ đọng thuế có nguy cơ mất trắng lên tới 50.000 tỉ đồng.

Báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội cho thấy, 2 năm 2018 - 2019, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt gần 300.000 tỉ đồng, nhưng số nợ thuế cũng tăng lên hơn 106.000 tỉ đồng (tăng 23% so với đầu năm 2019). Trong đó, nợ có nguy cơ mất trắng là khoảng 50.000 tỉ đồng. 
Còn nhớ tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Dân nguyện (nay là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên) đã chua xót so sánh số tiền nợ thuế (khi đó là 40.000 tỉ đồng) có thể xây được 800.000 căn nhà tình nghĩa.
Con số đó đã nói lên rằng, tiền của người dân đóng thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân đang được sử dụng một cách chưa hiệu quả, thiếu công bằng. Trước khi luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực (2009), số thu từ nguồn này chỉ vào khoảng hơn 10.000 tỉ đồng. Bắt đầu từ năm 2010, số thu tăng lên rất nhanh (do luật mở rộng đối tượng thu thuế và tính theo thang 7 bậc, người thu nhập càng cao chịu thuế suất càng lớn).
Đơn cử chỉ trong 2 năm 2018 và 2019, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân đạt gần 300.000 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với 2010. Trong thời gian này, rất nhiều lần dư luận, báo chí và chuyên gia góp ý cần phải điều tiết lại thuế thu nhập cá nhân khi nó quá tận thu, các khoản giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc quá ít ỏi làm kiệt quệ người đóng thuế. Mới đây, Quốc hội đã quyết định nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng và người phụ thuộc là 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đời sống khó khăn, chi phí sinh hoạt (ăn học, khám chữa bệnh…) không giảm, số này cũng không thấm vào đâu. 
Nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân, song nhà nước phải có trách nhiệm sử dụng đồng thuế đó hiệu quả, công bằng. Người nộp thuế có quyền đặt câu hỏi, liệu có sự bình đẳng, công bằng hay không khi họ phải “nai lưng” ra làm để đóng thuế, trong khi số nợ đọng thuế mỗi năm ngày càng tăng. 
Chưa kể, những năm gần đây, Vinashin, Vinalines rồi 12 đại dự án ngành công thương thua lỗ, làm mất vốn nhà nước, cũng là tiền thuế của người dân đóng góp. Đơn cử, chỉ với 3 ngân hàng 0 đồng, kiểm toán vừa chỉ ra số lỗ lũy kế hiện nay đã lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Số tiền đó xây được bao nhiêu căn nhà tình nghĩa, bao nhiều trường học, bệnh viện? Đây là thực tế đau xót cho người dân và những người làm công ăn lương, đóng thuế thu nhập.
Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị, phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cục, chi cục thuế để gia tăng nợ xấu. Bởi Chính phủ đã có chỉ đạo để gia tăng nợ thuế thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính. Do đó, cần thiết phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị có số nợ đọng thuế lớn, tăng cao thời gian vừa qua. "Người nộp thuế chậm đóng tiền thì bị xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự. Vậy cơ quan, cá nhân quản lý nợ thuế để nợ tăng cao cũng bị coi là gây tổn thất cho ngân sách cũng phải bị xử lý nghiêm", ông Hiếu đề nghị. 
Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long phân tích thêm, ngành thuế nói tăng nợ thuế do Covid-19, tuy nhiên thực tế doanh nghiệp thời gian qua gần như không có doanh thu, lợi nhuận thì lấy gì mà nộp thuế. Số nợ thuế tồn đọng hết năm này qua năm khác không thể xử lý nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm, nay tăng hơn nữa thì rõ ràng đang có sự buông lỏng trong kiểm tra, giám sát. "Phải chế tài thật nghiêm minh để đồng tiền thuế của người dân được sử dụng một cách có hiệu quả và công bằng", ông Long đề xuất. 
Bất cứ quốc gia, thể chế nào thì chính sách thuế cũng tuân theo quy luật “nuôi dưỡng nguồn thu”. Người nộp thuế có đủ ăn, sống khỏe mới có sức làm ăn để nộp thuế. Chi phí nuôi con ăn học, khám chữa bệnh không đủ thì sức đâu để tư duy sáng tạo, để phát triển kinh tế làm giàu.
Các chuyên gia đã không ít lần lên tiếng, phải điều tiết lại chính sách thuế thu nhập cá nhân, giãn số bậc thuế, giảm gánh nặng cho người nộp, nhưng gần như không được tiếp thu để điều chỉnh. Nếu nợ thuế tiếp tục tăng, các dự án công tiếp tục thua lỗ, tham nhũng còn hoành hành thì người đóng thuế chân chính sẽ còn phải nai lưng ra nộp thuế đến bao giờ?
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.