Nghịch lý trái cây dư thừa, nhà máy lại thiếu nguyên liệu

09/07/2022 07:12 GMT+7

Dù tỷ lệ trái cây chế biến của VN đang tăng lên nhưng thực tế nhà máy chỉ hoạt động được 50 - 60% công suất, trong khi trái cây liên tục phải “giải cứu”!

Trái cây không thiếu, nhưng đạt chuẩn không nhiều

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có trên 157 cơ sở, nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn, công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, những nhà máy này chỉ đạt công suất bình quân từ 50 - 60%. Ngoài ra còn có hơn 7.500 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình.

Chế biến rau quả xuất khẩu của VN còn hạn chế

Đào Ngọc Thạch

Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8 - 10% sản lượng rau quả/năm. Cùng với đó, năng lực công nghệ, trình độ lao động, hạ tầng sản xuất, quy trình bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, khoảng 20%, chi phí logistics chiếm đến 35 - 50%.

Ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), thừa nhận: “Mặc dù tình trạng giải cứu nông sản diễn ra khá nhiều mỗi khi vào mùa vụ, song trên thực tế nguyên liệu hiện nay chỉ mới đáp ứng được 50 - 60% công suất chế biến. Điều này là do đặc tính mùa vụ của sản phẩm, thêm vào đó diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất, dẫn tới việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Bên cạnh đó, chất lượng an toàn thực phẩm của nông sản Việt vẫn chưa được đảm bảo đồng đều về kích thước, mùi vị, dinh dưỡng”.

Trong khi đó, nội tại doanh nghiệp (DN) chế biến thiếu vốn khá nhiều, quy mô vốn rất nhỏ. Thống kê cho thấy có hơn 80% số cơ sở có vốn dưới 2 tỉ đồng. Cơ chế chính sách vay vốn về lãi suất, thủ tục hiện chưa phù hợp với 80% DN vừa và nhỏ này, thực tế chỉ có khoảng 30% DN có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Chưa kể các DN còn gặp khó với thị trường xuất khẩu do các quy định ngặt nghèo về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuế phí…

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết mặc dù diện tích trồng các loại rau ăn lá, ăn quả lớn (khoảng 35.000 ha) nhưng diện tích sản xuất những sản phẩm rau củ quả của Gia Lai đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu còn chưa nhiều. Ngoài ra, chuỗi liên kết sản xuất cũng như tỷ lệ rau củ quả được ứng dụng công nghệ kỹ thuật để sơ chế, chế biến còn thấp. Toàn bộ sản phẩm rau của địa phương chủ yếu được tiêu thụ nội địa, số ít xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cần cơ chế liên kết, hỗ trợ

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu, cho biết DN này chuẩn bị đưa vào vận hành nhà máy sơ chế sầu riêng lớn ở tỉnh Đắk Lắk, song lo ngại nhất là khi vận hành thì bị thiếu nguyên liệu. Trước khi DN xây dựng nhà máy đã đến các tỉnh tham khảo mức giá thị trường, chi phí đầu tư của người dân để đưa ra mức giá cố định hợp tác thu mua sầu riêng trong vòng 4 - 10 năm. Tuy nhiên, để tìm đủ số lượng nguyên liệu là không đơn giản.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận), thừa nhận: “Mấy ngày trước, xuất khẩu thuận lợi giá tăng nhưng mấy ngày gần đây đang chậm lại. Thực tế, tình hình thị trường còn rất nhiều bấp bênh và nguồn nguyên liệu cũng không ổn định nên DN gặp rất nhiều khó khăn”. Một DN khác (xin giấu tên) kể: “DN chế biến nông sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện liên kết bao tiêu với nông dân. Vì khi giá thị trường tăng thì nông dân muốn tăng giá theo thị trường mà không chấp nhận giá hợp đồng. Nếu DN không tăng giá theo yêu cầu thì đến ngày thu hoạch, sản lượng thu mua sụt giảm đột ngột. Còn đến khi giá giảm thì ngược lại, hầu hết nông dân bắt phải theo giá hợp đồng và năng suất sản lượng bất ngờ tăng vọt. Chính vì thiếu sự hợp tác chân thành giữa hai bên mà ngành chế biến rau quả luôn bấp bênh”.

Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, phân tích: “Nền nông nghiệp của mình mang tính tự phát quá cao, lưu thông phân phối hạn chế lại thiếu tính liên doanh liên kết. Nông dân nhỏ lẻ nên bị tâm lý đám đông chi phối, hết trồng lại chặt theo giá thị trường. Chính vì vậy, nhiều khi DN đầu tư nhà máy chế biến trật lất so với vùng nguyên liệu. Tôi lấy ví dụ như cây đậu nành, trước đây VN cũng có thế mạnh, có DN đặt nhà máy chế biến sữa đậu nành ở Bình Dương. Nhưng hiện nay vùng nguyên liệu trồng đậu ở ĐBSCL giảm rất mạnh, diện tích còn lại không đáng kể. Chính vì vậy, nhà máy chế biến sữa đậu nành cũng gặp khó khăn về nguyên liệu chế biến. VN có nhiều loại trái cây chất lượng tốt như bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, thanh long, dừa… được thị trường thế giới ưa chuộng. Hiện tại, tôi có thể thấy như DN Chánh Thu ở ĐBSCL, để chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu họ phải đi tổ chức liên kết sản xuất, thu gom rất khó khăn. VN cần thêm nhiều những DN như thế để đưa nông sản đi xa. Nhưng ở chiều ngược lại, để nông dân bán được sản phẩm, cần phải liên kết lại với nhau và hợp tác với DN để đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng sản phẩm”.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cục đã kiến nghị đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến (số lượng, chất lượng, giá cả…). Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, ban hành văn bản quản lý liên kết chuỗi (tính pháp lý, ràng buộc, có chế tài xử lý…); có quy định điều phối các hoạt động liên kết cụm, vùng, liên kết ngành, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản (giới thiệu, mời gọi đầu tư, tư vấn khởi nghiệp…). Đối với địa phương, cần đặc biệt ưu tiên, ưu đãi các dự án chế biến nông sản; ban hành cơ chế, chính sách “đột phá” cho lĩnh vực chế biến nông sản (ưu đãi về đất đai, vốn, môi trường đầu tư…).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.