Xuất khẩu nông sản vượt chỉ tiêu 5 tỉ USD?

02/07/2022 08:42 GMT+7

Trong khi một số ngành xin giảm chỉ tiêu kim ngạch thì ngành nông nghiệp lại dự báo đạt tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 55 tỉ USD, vượt 5 tỉ USD so với chỉ tiêu của Chính phủ giao.

Tiêu, điều, rau quả khó khăn

Theo thống kê, năm nay do tình hình tiêu thụ khó khăn, chi phí logistics tăng cao nên nhiều nhóm hàng thuộc ngành nông nghiệp giảm xuất khẩu (XK). Hạt điều là ngành hàng đầu tiên kiến nghị giảm chỉ tiêu vì khó khăn. Theo nhận định của Hiệp hội Điều VN (Vinacas), tình hình XK năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao, giá nhân điều XK tăng không đồng bộ với giá điều thô nhập khẩu, các nhà máy trong nước không cân đối được giá thành, rủi ro thua lỗ rất cao. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính đang giảm sút vì thắt chặt chi tiêu. Sau khi thống nhất, Vinacas sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh giảm mức chỉ tiêu kim ngạch XK điều nhân năm 2022 ở mức khiêm tốn là 3,2 tỉ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Trước đó, theo kế hoạch, Bộ NN-PTNT đã đưa ra chỉ tiêu XK cho ngành điều là 3,8 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021.

Giá gạo đang tăng cao nhưng giá lúa vẫn đứng yên

Công Hân

Mặt hàng trái cây, rau quả năm trước cũng chiếm kim ngạch khá lớn với trên 3 tỉ USD nhưng từ đầu năm đến nay đang khá èo uột. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, chia sẻ: “Dù tình hình XK trái cây gần đây có dấu hiệu khởi sắc nhưng thị trường Trung Quốc, chiếm thị phần lớn nhất lại chưa ổn định. Các chính sách về nhập khẩu chưa rõ ràng, từ đó dẫn đến giá cả, sản lượng bấp bênh. Chính sách phòng chống Covid của nước này cũng chưa có dấu hiệu nới lỏng. Do đó, theo nhận định của tôi thì kim ngạch XK rau quả năm nay sẽ giảm hoặc chỉ bằng như năm trước là đáng phấn khởi lắm rồi”.

Mặt hàng hồ tiêu cũng khá trầy trật, sản lượng XK giảm khiến giá hồ tiêu thu mua trong nước cũng chưa nhích lên được. Bên cạnh chi phí nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, các thị trường tiêu thụ hiện nay đang ưu tiên tập trung thu mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Các loại nông sản chủ lực trước đây của VN như tiêu, điều, cà phê… bị giảm nhu cầu dự trữ nên kim ngạch cũng bị ảnh hưởng.

Thủy sản bứt phá

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp lại chứng kiến các mặt hàng khác bứt phá. Điểm sáng nhất thuộc về ngành thủy sản. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhận định: “Tận dụng những lợi thế về các hiệp định thương mại, tình hình nhu cầu tăng cao do chiến sự trên thế giới… XK thủy sản của VN đã đạt kỷ lục mỗi tháng 1 tỉ USD từ đầu năm đến nay. Đây chính là cơ sở để VASEP và các doanh nghiệp thành viên đưa ra con số tổng kim ngạch cả năm lần đầu tiên cán đích trên 10 tỉ USD. Trong đó XK tôm chiếm tỷ lệ cao nhất với 4 tỉ USD, cá tra hơn 2 tỉ USD, hải sản hơn 3,5 tỉ USD…”.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Tổng cục Thủy sản cùng với Bộ NN-PTNT đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có phương án hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà cần chia sẻ khó khăn cùng bà con để các bên cùng phát triển.

Cao su cũng là một trong những ngành tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK cao su ước đạt 1,54 tỉ USD, sản lượng 772.000 tấn, tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Theo thông tin từ Hiệp hội Cao su VN, giá cao su XK bình quân trong tháng 6.2022 đạt gần 1.700 USD/tấn. So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, ít hơn nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn.

“Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn và tình trạng thiếu hụt sẽ gia tăng trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Đối với chỉ tiêu XK đạt 3,5 tỉ USD trong năm nay của ngành cao su là có thể thực hiện được”, đại diện Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) dự báo.

Căn cứ vào những dự báo này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3%; tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỉ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỉ USD là khả thi. Với mục tiêu XK mới, ngành sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực XK có triển vọng và khả năng tăng giá trị XK cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch XK”.

Bài toán phân bổ lợi nhuận

Mặc dù tình hình XK một số mặt hàng của ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng từ đầu năm đến nay, nông dân ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với khó khăn do giá phân bón, vật tư, xăng dầu tăng cao. Ông Trương Văn Lợi, chủ một vườn cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết: “Người trồng cà phê đến cuối năm mới thu hoạch, nhưng hiện tại phải bỏ chi phí ra để đầu tư. Với giá phân bón, xăng dầu cao như thời gian qua thì những người trồng cà phê như ngồi trên lửa, không biết cuối năm giá bán tăng lên hay giảm xuống. Nếu cà phê rớt giá thì nông dân cầm chắc thua lỗ!”.

Đối với ngành thủy sản, mặc dù sản phẩm nuôi đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch XK nhưng ngành khai thác đánh bắt vẫn đóng góp đến 30 - 35% tổng doanh thu XK thủy sản cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu cá đang gặp khó khăn vì xăng dầu tăng cao, nguy cơ thua lỗ rất lớn. Nhiều chủ tàu đánh cá tại tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến bám biển khoảng 20 - 22 ngày với 3.000 lít dầu, chi phí nhiên liệu khoảng 100 triệu đồng, nhưng hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, ngư dân phải tốn thêm khoảng 50 - 70 triệu đồng, trung bình mỗi chuyến biển tăng lên mức 150 - 170 triệu đồng, thậm chí những tàu lớn tổn phí gần 200 triệu đồng. Như vậy, rủi ro thua lỗ khi đánh bắt trên biển rất lớn”. Tại một số địa phương có đội tàu lớn như Nghệ An, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, số tàu nằm bờ chiếm khoảng 40 - 50% tổng lượng tàu đánh bắt.

Ông Nguyễn Văn Việt cũng thừa nhận: “Tuy đạt kết quả tăng trưởng cao, nhưng đúng là hiện nay sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao; khai thác thủy sản phải đối mặt với giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Trong khi đó giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng vẫn không đủ bù vào tốc độ tăng giá đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Do đó, trong kế hoạch sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ tính toán các giải pháp hỗ trợ và chia sẻ với người sản xuất”.

Tương tự, ngành cao su hiện đang khởi sắc cũng có các động thái hỗ trợ người trồng tiểu điền. Đại diện Tập đoàn cao su VN thông tin: “Nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và XK cao su chú trọng. Chính vì vậy, song song với vườn cao su hiện hữu, các doanh nghiệp chế biến và XK cao su đã có chiến lược liên kết chặt chẽ với các hộ trồng cao su tiểu điền, thu mua nguyên liệu mủ cao su với giá cao hơn thị trường 5 - 10%”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.