Nhu cầu tuyển dụng này không phải xuất phát từ lý do như NLĐ "nhảy việc" sau tết hay ở lại quê, mà nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh khi thị trường khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, điều khá nghịch lý là trong khi số lượng người thất nghiệp vẫn còn nhiều thì DN lại phải lao đao tìm nhân sự. Về lâu dài, thực trạng này có thể khiến DN đối diện nguy cơ gia tăng chi phí tuyển dụng, trả lương và giảm năng lực cạnh tranh. Đồng thời, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương khi thu thuế, phí DN ít đi.
Người viết cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Thứ nhất, NLĐ chưa đáp ứng được kỹ năng chuyên môn, DN không thấy NLĐ phù hợp công việc. Thứ hai, chênh lệch về thu nhập mong muốn khi nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc của NLĐ không cùng khung mức lương. Thứ ba, khung giáo dục và đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thứ tư, thị trường mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới và điều này làm NLĐ bớt tha thiết hơn với một môi trường làm việc khi có nhiều lựa chọn khác.
Câu chuyện của nền kinh tế phi chính thức là ví dụ điển hình, khi giờ đây với sức hút "tiền dễ" và tiền nhiều, nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học hay thậm chí là NLĐ làm việc lâu năm, thạc sĩ chuyên ngành… sẵn sàng bỏ việc đi chạy xe ôm công nghệ. Nhưng thị trường phi chính thức chưa được "luật hóa", hay nói cách khác là chưa được điều chỉnh bởi các quy định, khiến cho nhóm NLĐ này không nằm trong lưới an sinh nhà nước.
Tất nhiên quan điểm nghề nghiệp là khác nhau ở mỗi người và cán cân cung - cầu lao động luôn thay đổi. Nhưng nó đặt ra thách thức cho chính DN và nhà nước phải có giải pháp rốt ráo hơn để điều chỉnh và phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh các kế hoạch về tỷ lệ thất nghiệp đô thị, tỷ lệ tạo việc làm, cần các chính sách phù hợp hơn để giữ chân nhân tài và thực hành nghiêm các nguyên tắc chống phân biệt đối xử lao động, tránh tình trạng NLĐ trên 35 tuổi bị đẩy "ra rìa" và NLĐ có chuyên môn phải khốn khó xoay xở đời sống. Còn NLĐ cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.
Bình luận (0)