"Đại án" kit test Việt Á tạm khép lại bằng bản án sơ thẩm mà TAND TP.Hà Nội đã tuyên với 38 bị cáo, trong đó có hàng loạt cựu quan chức các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh mức án nghiêm minh dành cho một số người có vai trò chính, điều được dư luận ủng hộ là tòa án áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người không vụ lợi, làm theo chỉ đạo; nhất là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh.
Cựu Giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự, có được bồi thường?
ĐƯỢC KHOAN HỒNG VÌ "DÁM NGHĨ, DÁM LÀM"...
Theo cáo buộc, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thành Danh đã thống nhất và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng trước kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và Công ty VNDAT, sau đó hợp thức để Công ty Việt Á trúng thầu. Hậu quả khiến ngân sách bị thiệt hại hơn 55 tỉ đồng, ông bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại tòa, ông Danh thừa nhận sai phạm, nhưng cho rằng "vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu, mong hội đồng xét xử xem xét". Bị cáo khẳng định bản thân không có yếu tố vụ lợi khi ký các hợp đồng với Công ty Việt Á, không nhận được lợi ích vật chất gì từ Công ty Việt Á cũng như từ cả cấp trên.
Bào chữa cho ông Danh, luật sư cho hay chủ trương ứng trước kit test là thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế và UBND tỉnh Bình Dương chứ CDC Bình Dương hoặc bản thân ông Danh không tự ý thực hiện; chưa kể CDC Bình Dương không thể nào biết được giá kit test Việt Á có sai phạm khi hiệp thương.
Vẫn theo luật sư, ông Danh từng xin nghỉ hưu trước thời hạn nhưng vì dịch bệnh nên tiếp tục ở lại chống dịch, đăng ký tham gia tuyến đầu. "Nghiệt ngã thay, ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can", luật sư nói và đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đối với thân chủ.
Sau khi cân nhắc, đánh giá toàn diện vụ án, TAND TP.Hà Nội quyết định áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt với ông Danh bằng việc miễn trách nhiệm hình sự. Lý do, ông Danh đã có thể nghỉ hưu trước thời hạn, nhưng khi được đề nghị, ông vẫn chấp nhận ở lại để sát cánh cùng đồng nghiệp trong "cuộc chiến" với đại dịch Covid-19. Mặc dù quá trình thực hiện có xảy ra vi phạm, nhưng tòa xác định ông Danh đã "dám nghĩ, dám làm", vì sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, cựu Giám đốc CDC Bình Dương nhiều lần từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á, đồng thời cảnh báo nhân viên dưới quyền khi tiếp xúc với công ty này.
MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ LÀ GÌ, CÓ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG?
Trường hợp của cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương khá hy hữu bởi ông đã bị tạm giam hơn 10 tháng, đưa ra xét xử rồi được miễn trách nhiệm hình sự. Nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào thì được miễn trách nhiệm hình sự, quyền lợi của ông Danh sẽ giải quyết như thế nào, nhất là với thời gian ông đã bị tạm giam?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho biết miễn trách nhiệm hình sự là biện pháp được quy định và áp dụng trong một số trường hợp phạm tội nếu xét thấy không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần buộc người phạm tội phải chịu hình phạt mà vẫn đảm bảo được yêu cầu phòng và chống tội phạm, vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội.
Miễn trách nhiệm hình sự cho một người sẽ kéo theo hệ quả pháp lý là người đó không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và không được coi là có án tích. Vì thế, điều 29 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rất cụ thể các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đặc xá; hoặc khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Người phạm tội cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa... Đối chiếu với quy định trên, trường hợp cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự có thể xuất phát từ căn cứ "do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa".
Vẫn theo luật sư, chỉ khi có quyết định, bản án của cơ quan tố tụng tuyên bố một người không có tội thì người đó mới được yêu cầu bồi thường oan, sai. Trường hợp của ông Nguyễn Thành Danh, tòa án xác định hành vi của ông vi phạm pháp luật, nhưng quyết định áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn trách nhiệm hình sự.
"Nghĩa là, ông Danh vẫn có tội, nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đó. Điều này cũng đồng nghĩa việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các văn bản, quyết định tố tụng trong vụ án là đúng, tuân thủ pháp luật", luật sư Hùng phân tích. Do vậy, ông Danh không có quyền yêu cầu bồi thường oan, sai.
CẦN NHÂN RỘNG HƠN NỮA
Đánh giá về bản án của TAND TP.Hà Nội, nhiều ý kiến nhận định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc CDC Bình Dương là một "quyết định dũng cảm" của hội đồng xét xử cũng như đại diện viện kiểm sát nhằm cụ thể hóa chính sách bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm".
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), nhận định phiên tòa xét xử "đại án" kit test Việt Á đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám nói thẳng, nói thật, làm vì lợi ích chung" cũng như chủ trương phân hóa trách nhiệm khi xử lý sai phạm. Đây còn là ví dụ để khẳng định chủ trương ấy là thiết thực chứ không chỉ hô hào, khẩu hiệu.
Theo ông Đạt, trường hợp cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương có thể sai phạm về phương pháp, cách làm, nhưng động cơ, mục đích là vì cái chung, vì lợi ích của nhân dân, không tư lợi, do đó, được cân nhắc, áp dụng chính sách khoan hồng. Đây là chính sách rất tốt, rất đúng đắn, cần khuyến khích, nhân rộng ở nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ ở lĩnh vực xử lý hình sự; có thể là lĩnh vực kiểm tra, xử lý về Đảng, chính quyền, thi đua, khen thưởng hay cả khiếu nại, tố cáo... "Chỉ khi làm mạnh, bảo vệ được người ta thì người ta mới dám nói thẳng, nói thật; để nuôi hy vọng cho cuộc chiến phòng, chống tham nhũng sẽ dai dẳng và còn nhiều khó khăn", ông Đạt nói.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng để được hưởng chính sách khoan hồng thì cần có nhiều yếu tố: động cơ, mục đích trong sáng, lập công chuộc tội, khắc phục hậu quả, khai báo thành khẩn, quyết tâm sửa chữa... Điều này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện khi áp dụng, tránh việc tùy tiện.
"Cứ vì nhân dân, không tư lợi, thì không sợ gì cả"
Trao đổi với Thanh Niên về bản án của TAND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, cho hay ngay từ đầu đã luôn tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là dù ông có sai phạm, nhưng các sai phạm ấy diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, ông làm vì dân, vô tư, không có động cơ gì cả. Vì thế, ông đặt hết niềm tin mình sẽ được xem xét.
Ông cũng nói mình là một bác sĩ, bởi vậy nguyên tắc làm việc là hết trách nhiệm, tất cả vì nhân dân, với lòng tự trọng cao nhất. Trong bối cảnh dịch bệnh, ông tự dặn lòng làm sao phải cố gắng hết sức có thể, vì sức khỏe của người dân. Nếu nhận tiền là sai nên ông đã cương quyết từ chối lợi ích của Công ty Việt Á.
Trả lời về việc nếu cơ hội quay trở lại thì sẽ làm như thế nào, ông Danh nói "tất nhiên vẫn sẽ lựa chọn phục vụ nhân dân, nhưng sẽ cân nhắc kỹ hơn, cố gắng làm sao cho đúng, vừa bảo vệ được sức khỏe người dân, vừa tránh được sai phạm cho mình".
"Nếu mình cứ làm hết trách nhiệm, vì nhân dân, với lòng tự trọng cao nhất, không tư lợi, thì không sợ gì cả. Cái tâm của mình trong sáng, động cơ của mình vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước, pháp luật sẽ nhìn ra điều đó", ông Danh chia sẻ.
Bình luận (0)