Ngày 2.12, hội nghị lần thứ 2 BCH Đảng bộ TP.HCM bế mạc với nhiều ý kiến về việc nghiêm trị cán bộ, công chức nhũng nhiễu, làm khó người dân.
Ông Lê Thanh Hải phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Làm xói mòn lòng tin ở doanh nghiệp
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu chỉ rõ một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, gây xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp là do thái độ thờ ơ, vô cảm, vòi vĩnh, nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Cho rằng cải cách hành chính đã được đặt ra từ lâu, được đề cập rất nhiều nhưng hạn chế, yếu kém, biểu hiện tiêu cực vẫn còn, ông Dương Công Khanh, Bí thư Đảng ủy khối Dân chính đảng TP đề nghị trong thời gian tới phải truy trách nhiệm cụ thể từng bộ phận, cá nhân trì trệ cải tiến thủ tục, rề rà, chậm trễ giải quyết hồ sơ hành chính.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV đề nghị phải có sự chế tài nghiêm minh cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu “chứ xuê xoa thì nói hoài, bàn mãi cũng rề rà vậy thôi”.
Đồng tình với các đại biểu, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM yêu cầu chương trình hành động toàn khóa của BCH Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải hợp lòng dân, đặt mục tiêu phụng sự dân lên trên hết.
“Thủ tục hành chính rườm rà hay như thế nào đi chăng nữa, suy cho cùng cũng do người tạo ra”, ông Hải nói và yêu cầu TP quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý bài bản những hạn chế, yếu kém. “Tiếp dân, giải quyết việc chính đáng cho người dân mà cứ ôm khư khư hồ sơ rồi đặt vấn đề này kia là không được. Phải đặt chúng ta là người trong cuộc để thấu hiểu nỗi khổ của người dân, tìm hướng giải quyết có lợi nhất cho người dân trên cơ sở phát luật”, ông Hải nhấn mạnh.
Truy trách nhiệm lãnh đạo chủ chốt
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, thẳng thắn lên án tình trạng ngại tiếp dân. “Chúng ta có báo cáo với những con số rất đẹp, nhưng những con số đó chủ yếu là tiếp dân chung thôi, còn một số người đứng đầu như giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, huyện... vẫn ngại tiếp dân”.
Theo ông Thưởng, hạn chế này dẫn đến thời gian vừa qua có những việc giải quyết chưa hiệu quả. Các chương trình đột phá để giải quyết những bức xúc dân sinh về giảm ngập nước, tai nạn giao thông, kẹt xe, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, cải cách hành chính... đã được thông qua, vấn đề đặt ra là hành động thực chất của các cấp ủy, chính quyền với yêu cầu “đừng để bức xúc tăng lên nữa”.
Ông Thưởng khẳng định trong năm 2016 sẽ thay đổi cách đánh giá cán bộ, công chức để tạo chuyển biến rõ nét, phục vụ dân tốt hơn. Trước mắt đề ra một số tiêu chí, quy định để đánh giá và nếu như rơi vào điểm liệt thì sẽ không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Ví dụ như Giám đốc Sở KH-ĐT mà môi trường đầu tư không có cải thiện, thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp kêu ca; Giám đốc Sở TN-MT mà để người ta nói rằng việc tiếp cận thủ tục đất đai chậm; Giám đốc Sở Xây dựng mà để xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch... Giám đốc Sở GTVT mà để ùn tắc giao thông tăng lên, không có cải thiện; hoặc chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở không tiếp dân thì sẽ có chế tài cụ thể. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của các đồng chí”, ông Thưởng khẳng định và nói thêm: “Chúng ta phải đổi mới để trong mỗi nội dung, mỗi chương trình, mỗi kế hoạch đều phải có người chịu trách nhiệm. Những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà, môi trường đầu tư không tốt, chất lượng tăng trưởng không cao, liên quan đến những chương trình mà nói đi nói lại rồi vẫn không có chuyển biến..., vậy thì trách nhiệm chủ tịch ủy ban, phó chủ tịch ủy ban phụ trách lĩnh vực tới mức độ nào, các giám đốc sở tới mức độ nào và các quận, huyện thì trách nhiệm chủ tịch đến mức độ nào. Tất cả phải cụ thể, nếu không cụ thể thì chúng ta rất khó đổi mới phương thức lãnh đạo”.
Bình luận (0)