Một nghiên cứu gần đây được xuất bản trên tạp chí Nutrition & Diabetes kết luận rằng việc tiêu thụ hơn 45% lượng calo hằng ngày sau 17 giờ chiều có thể làm giảm khả năng dung nạp glucose. Điều này đặc biệt đáng lưu ý ở người lớn tuổi mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2 giai đoạn đầu.
Vì sao ăn nhiều vào buổi chiều hoặc buổi tối không tốt cho sức khỏe?
Tiến sĩ Pouya Shafipour, bác sĩ y khoa gia đình và béo phì tại Trung tâm Y tế Providence Saint John (Mỹ) cho biết cơ thể có xu hướng kháng insulin vào ban đêm do nhịp sinh học tự nhiên.
Theo ông Pouya Shafipour, khi các thụ thể ở sau võng mạc cảm nhận được ánh sáng đang giảm dần, chúng sẽ gửi tín hiệu cho tuyến yên tiết ra melatonin. Hormone này có tác dụng giúp điều hòa giấc ngủ nhưng cũng có tác dụng khác là ức chế tuyến tuỵ, khiến tuyến tuỵ không thể tiết insulin.
Do đó ăn nhiều vào ban đêm không chỉ gây rối loạn chuyển hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe về lâu dài.
Nếu bạn có thói quen ăn khuya, nguy cơ kháng insulin sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với khả năng mắc tiền tiểu đường hoặc phát triển bệnh tiểu đường cũng cao hơn. Đây là tình trạng phổ biến ở những người làm việc theo ca đêm, chẳng hạn như lính cứu hỏa, cảnh sát, bác sĩ, hoặc nhân viên y tế thường xuyên làm việc vào ban đêm.
Ngoài ra, thói quen ăn trễ còn gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Theo tiến sĩ Y khoa Nate Wood, giảng viên y khoa và giám đốc khoa y học ẩm thực tại Trường Y Yale (Mỹ) cho biết nguyên nhân là do người ta thường có xu hướng ít hoạt động vào buổi tối. Cơ thể sẽ tiêu hóa thức ăn đó thành calo, sau đó lại không sử dụng lượng calo đó vì cơ thể đang ở trạng thái nghỉ ngơi. Tiếp đến, cơ thể sẽ lưu trữ lượng calo đó để sử dụng khi cần. Tuy nhiên, cơ thể lại lưu trữ calo dưới dạng chất béo. Do đó, cơ thể dễ gặp tình trạng tăng cân.
Bữa ăn lý tưởng vào cuối ngày tránh nguy cơ tiểu đường
Theo ông Shafipour, bữa tối nên là những bữa ăn nhẹ, ít carbohydrate. Do vậy không nên ăn mì ống, khoai tây nghiền, hạn chế đồ tráng miệng, một số loại trái cây và rượu.
Ông cho biết, bữa ăn tối nên là bữa ăn có nguồn protein và chất béo lành mạnh, chẳng hạn như một đĩa salad.
Ông cho biết thêm thời gian cơ thể diễn ra các hoạt động trao đổi chất tích cực nhất là vào khoảng 10 giờ sáng đến 16 hoặc 17 giờ chiều. Do vậy, nếu muốn giảm tối đa nhất tình trạng kháng insulin do nhịp độ sinh học, chúng ta nên ăn các món nhiều carbohydrate trong thời gian đó và giảm dần lượng carbohydrate trong các bữa ăn vào lúc hoàng hôn và buổi tối. Điều đó sẽ giúp hạn chế tình trạng kháng insulin và giúp cơ thể ngủ tốt hơn.
Bình luận (0)