Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ ở Trung Quốc gây lo ngại về đạo đức

Khánh An
Khánh An
04/05/2024 10:00 GMT+7

Giới nghiên cứu phát hiện thành phần chống lão hóa có thể được chiết xuất từ các dịch cơ thể giúp kéo dài tuổi thọ của chuột trong phòng thí nghiệm, hứa hẹn ứng dụng trên người.

Hy vọng phát triển liệu pháp chống lão hóa dựa trên một thành phần có trong máu gây tranh cãi, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện của họ chỉ là điểm khởi đầu

Hy vọng phát triển liệu pháp chống lão hóa dựa trên một thành phần có trong máu gây tranh cãi, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện của họ chỉ là điểm khởi đầu

AFP

Tờ South China Morning Post ngày 4.5 đưa tin các nhà khoa học vừa cô lập được một thành phần chống lão hóa trong máu chuột non, giúp chúng sống lâu đến 1.266 ngày, tương đương 120-130 năm tuổi ở người.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ có thể mang lại hy vọng trong cuộc chiến của con người chống lại các bệnh liên quan tuổi tác và cải thiện sức khỏe suốt đời. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng nghiên cứu này chỉ là điểm khởi đầu, vì còn nhiều câu hỏi khoa học cần được giải đáp.

Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ ở Trung Quốc gây lo ngại về đạo đức

Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Nature Ageing, chuột đực 20 tháng tuổi với vòng đời trung bình 840 ngày được tiêm thành phần máu trên vào hằng tuần. Kết quả cho thấy tuổi thọ của chúng tăng 22,7% lên 1.031 ngày.

Ông Trương Chấn Vũ, đồng dẫn đầu nghiên cứu, cùng các đồng nghiệp tại Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết việc tiêm thuốc cũng cải thiện sự suy giảm chức năng liên quan tuổi tác ở chuột già, bao gồm cả hồi hải mã, cơ, tim, tinh hoàn và xương.

Tuy nhiên, nghiên cứu khiến một số độc giả tin tức khoa học Trung Quốc lo ngại. Một người thắc mắc rằng "cần bao nhiêu máu cho kiểu trị liệu này? Tôi không dám nghĩ đến điều đó".

Một người khác cho rằng "nếu trong máu trẻ sơ sinh chứa một lượng lớn yếu tố trẻ hóa thì không biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ phải chịu đựng".

Ông Trương cho rằng những lo ngại về việc máu của những người trẻ tuổi sẽ được sử dụng một cách vô đạo đức và những lo ngại về đạo đức khác được công chúng nêu ra là "những quan niệm sai lầm quá đáng".

"Nếu phương pháp điều trị này được phát triển, nó sẽ được thực hiện dưới dạng thuốc, thay vì trao đổi huyết tương trực tiếp", ông cho biết.

Suy đoán rằng liệu pháp trao đổi máu có thể giúp đảo ngược quá trình lão hóa đã tồn tại trong nhiều thập niên. Một số nhà khoa học đã thử nghiệm nó mặc dù hiệu quả của liệu pháp này đã gây tranh cãi từ lâu do thiếu bằng chứng rõ ràng.

Năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đưa ra cảnh báo an toàn về việc truyền huyết tương từ những người hiến tặng trẻ tuổi để ngăn ngừa các tình trạng như lão hóa hoặc mất trí nhớ, đồng thời cho biết nó không có lợi ích lâm sàng nào được chứng minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.