Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san JAMA Pediatrics ngày 31.7, trẻ em dưới 5 tuổi có vật liệu di truyền của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 tồn tại ở mũi cao gấp 10-100 lần so với trẻ em trên 5 tuổi và người trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ nhỏ có thể là nhân tố quan trọng dẫn đến việc lây lan Covid-19 trong cộng đồng, giả thuyết trái ngược với nhiều nghiên cứu đưa ra trước đó.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Donald Trump đang muốn mở cửa lại trường học và nhà trẻ, một trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nghiên cứu do bác sĩ Taylor Heald-Sargent tại Bệnh viện nhi Ann & Robert H. Lurie (bang Illinois, Mỹ) dẫn đầu.
Từ ngày 23.3-27.4, các nhà nghiên cứu xét nghiệm dịch mũi của 145 bệnh nhân ở thành phố Chicago (bang Illinois) có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh.
Các bệnh nhân được chia làm 3 nhóm, gồm 46 trẻ dưới 5 tuổi, 51 trẻ từ 5-17 tuổi và 48 người từ 18-65 tuổi. Kết quả cho thấy số lượng virus Corona chủng mới ở đường hô hấp trên của trẻ nhỏ cao gấp 10-100 lần so với 2 nhóm còn lại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhắc lại một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mới đây cho thấy vật liệu di truyền của virus xuất hiện càng nhiều thì virus càng có khả năng lây lan mạnh.
“Các thói quen hành vi của trẻ nhỏ và những không gian kín ở trường gây lo ngại về khả năng virus lây lan khi các quy định giới hạn được nới lỏng”, nghiên cứu cảnh báo.
Bình luận (0)