Là quốc gia lớn thứ hai ở Trung Đông (sau Ả Rập Xê Út), xếp thứ tư thế giới về trữ lượng dầu mỏ, đứng đầu về cung cấp nhiên liệu khí đốt tự nhiên, có đủ khả năng làm giàu uranium - chế tạo bom nguyên tử. Ở góc khác, Iran vẫn còn những nông dân cưỡi lừa chăn cừu, sống khó nghèo trong các ngôi nhà đắp nên từ đất.
Theo đường cao tốc Vakil Abad ra khỏi Mashhad nhộn nhịp chưa đầy chục cây số hướng lên biên giới Turkmenistan, một nhịp sống miền quê thanh bình hiện ra. Nhìn từ bên ngoài, cảm giác như đang ngược thời gian hàng thế kỷ khi đứng trước những ngôi nhà đắp đất, cái may mắn nguyên vẹn, cái liêu xiêu, mục ruỗng như tan chảy, chực chờ sụp đổ bởi những cơn mưa nặng hạt đầu mùa. Miền quê xứ Ba Tư, vẫn còn những nếp sống hoang mộc và chân phương đến bất ngờ như thế.
Bình yên Akhangan
Chiếc Peugeot 405 cũ kỹ nhưng máy móc còn khá mướt chở tôi cùng những người bạn mới quen ở Mashhad làm chuyến về làng quê Akhangan, cách Mashhad gần hai giờ xe chạy. Ở Ba Tư, 60% ô tô đang lưu hành thuộc dòng Peugeot, bởi có nhà máy hợp tác sản xuất tại chỗ, phần còn lại là xe nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ riêng năm 2017, lượng xe Hãng Peugeot bán ra ở Iran là 445.000 chiếc, trở thành một trong những thị trường lớn nhất ngoài nước Pháp. Và cách để phân định đẳng cấp cũng qua con xe, hễ thấy xe Nhật, chủ nhân nó hẳn là ông quan to hoặc chủ bự.
|
Duyên cớ đưa đẩy tôi về Akhangan, nơi anh bạn Morteza sinh ra và lớn lên. Đến làng Akhangan mới hơn 9 giờ sáng nắng đã gay gắt trên đầu, cả làng vắng tanh không bóng người, chỉ có những vách tường đất cao ngất bị lở lói nham nhở, trắng xám một màu trông thật hoang vu, lạnh lẽo.
Lang thang vào làng, thỉnh thoảng mới gặp được vài phụ nữ, áo choàng kín đến chân, đeo mạng che mặt. Morteza bảo đây là thời gian cánh đàn ông ra ruộng, đưa gia súc đi ăn, đến gần trưa mới trở về làng. Cư dân Akhangan sống bằng nghề trồng hoa nghệ tây, nhưng phải tháng 11 mới vào mùa. Thời điểm này ruộng để không, cỏ mọc hoang chỉ để làm thức ăn cho đàn cừu, dê.
Đến giấc trưa, tiếng chuông mõ của đàn dê - cừu vang khắp. Về làng sớm là ông Tirdad, năm nay đã ngoài 70. Ông cho biết mỗi ngày cưỡi lừa đi chăn đàn cừu 47 con từ 4 - 10 giờ 30 về lại làng, lùa cừu vào chuồng rồi nghỉ ngơi. Đám trẻ trong làng như ba anh em nhà Giv, Medhi và Vahid cũng chăn cừu như ông Tirdad, nhưng chỉ khác phương tiện mục đồng là con xe máy CG125.
Gặp khách lạ, anh cả Giv hồ hởi hỏi chuyện làm quen. Đàn cừu 130 con của anh em Giv đi chật hết đường làng, hứa hẹn một mùa xả chuồng bội thu thịt cừu - một món quen thuộc trong các bữa ăn của người Hồi giáo ở Mashhad.
|
Những ngôi nhà đất ở làng Akhangan đa phần đều có tuổi thọ từ trăm năm trở lên, qua mỗi mùa mưa, chủ nhân phải gia cố phần bị nước mưa xói mòn, thay lại gỗ gác bị mục, và trở thành nơi cư trú truyền đời qua thế hệ. Giữa cái nắng chói chang gần 30 độ C ngoài trời, nhưng khi vào ngôi nhà đất ở Akhangan, không khí mát rượi như đang ở trong một hang động có mái vòm được xếp khéo léo từ các phiến đất ép.
Quanh làng Akhangan có khá nhiều nhà bỏ hoang, Giv cho biết đây là các gia đình khá giả, có vốn làm ăn nên đã đến Mashhad lập nghiệp, thỉnh thoảng mới về lại thăm quê. Nhìn những ngôi nhà bỏ hoang lâu ngày, các vách đất bị mưa gió xói mòn tạo nên một hình ảnh thực sự ấn tượng.
Rong chơi lên Kang
Ở Mashhad, những ngôi làng quê như Akhangan thường được các du khách nội địa Iran yêu thích, bởi đó là nơi mọi người có thể tìm lại những ký ức tuổi thơ, qua nhịp sống và kiến trúc nhà ở của dân làng cả trăm năm qua chưa hề thay đổi như những đô thị khác.
Cũng là một làng quê, cách Akhangan thêm hai giờ xe chạy theo hướng núi Kūh-e Sīāh Khvānī (với đỉnh cao nhất là 3.222 m), ngôi làng Kang bên dốc núi thấp Binalod có cao độ 1.800 m lại là chốn nghỉ dưỡng, ngoạn cảnh cuối tuần của cư dân Mashhad. Nhà ở làng Kang có kết cấu khác lạ, lấy thế đất đá của vách núi làm điểm tựa, rồi cứ thế chồng lên nhau. Mái đắp đất bằng của nhà này sẽ là khoảnh sân của nhà phía cao hơn, liên hoàn thành lối đi tự nhiên kết nối cả khu làng với khoảng 1.500 người sống trong đó.
|
Điểm hấp dẫn ở Kang, ngoài không gian sống kỳ lạ của dân làng, còn là thời tiết. Với lợi thế về địa hình núi non, rừng cây, thác nước, nhiệt độ ở Kang luôn thấp hơn Mashhad trung bình 10 độ C. Hôm chúng tôi lên Kang, thời tiết ở Mashhad 26 độ, Kang có chút mưa phùn nên chỉ còn 13 độ, lạnh đến tê người.
Ali và Morteza cho biết vào những ngày cuối tuần, Kang thường bị quá tải bởi lượng du khách bản địa ở Mashhad tìm đến nghỉ dưỡng, thưởng thức các món đặc sản miền núi tiêu biểu là thịt cừu và bánh mì nướng than.
Đến Kang trong ngày mưa, con đường núi chật hẹp, chỉ đủ cho hai xe tránh nhau cũng kín chật người đi nghỉ dưỡng, du lịch. Ngoài rìa làng, những ngôi nhà mới tựa vào vách núi đang mọc lên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đến từ Mashhad. Nhóm thợ bốn người do Khashayar chỉ huy đang tất bật đẽo đá núi làm nhà. Nhìn cái hố sâu hơn 2 m, Khashayar bảo mất hơn tuần mới đào được đến thế. Các thao tác từ đục đá, chuyển đá trên miền núi này đều làm bằng tay. Nhân công lao động vất vả thế cũng chỉ nhận mức lương trung bình từ 1,5 - 2 triệu rial/tháng (từ 3 - 4 triệu đồng). Hỏi Khashayar mất bao lâu để có thể ra được hình hài ngôi nhà, anh bảo phải mất khoảng 6 tháng, khi phần đục đá núi hoàn thiện, việc trát đất, làm mái bằng đơn giản và nhanh gọn hơn nhiều.
Đến bữa, Ali và Morteza chọn một quán nướng trong làng, khẩu phần ăn cho 3 người gồm đĩa cừu, bánh nướng, trứng chiên, sữa lên men, nước ngọt, trà nóng… khi tính tiền ông chủ bảo 104.000 rial (khoảng 200.000 đồng). Vậy mà Ali và Morteza hậm hực trách móc vì bị “chặt chém”, nguyên do ông chủ thấy tôi là người nước ngoài. Tưởng chỉ phàn nàn rồi cho qua, vậy mà hóa đơn được rút xuống còn 80.000 rial trong vui vẻ, hài lòng của hai anh bạn dẫn đường nhiệt tình, vui tính.
Giá xăng rẻ mạt, mức sinh hoạt khá thấp, mức chênh giàu - nghèo ở Ba Tư không phân định rõ, mọi người đối với nhau thật hiền hòa, nhờ thế mà những ngày lang thang nơi xứ sở Ba Tư, luôn là những giây phút khám phá đầy thú vị. (còn tiếp)
Xăng rẻ hơn nước
Chúng tôi ra khỏi Mashhad, ngoại ô thật vắng vẻ, con đường cao tốc Vakil Abad 6 làn xe, thưa vắng, xe chạy êm ru. Đi được nửa đường, Ali - chủ nhân con xe - cũng là nhà thiết kế nội thất ở Mashhad ghé cây xăng ven đường nạp nhiên liệu. Một cuộc tranh giành trả tiền khá gay cấn giữa Ali và anh bạn Morteza diễn ra ngay trạm xăng, với hóa đơn tính theo tiền VN khoảng 35.000 đồng cho 20 lít xăng. Tôi chỉ sợ mình nghe lộn số, gặng hỏi lại lần nữa, hóa ra xăng ở xứ Ba Tư có giá tương đương 1.800 đồng/lít, rẻ hơn cả nước đóng chai bán vỉa hè.
|
Bình luận (0)