Nhà thơ Xuân Diệu được coi là “Ông hoàng của thơ tình”, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta. Có lẽ tiếp thu di sản từ hai phía ấy nên Ngô Đức Hành rất chân thành và nhạy cảm.
Anh đi nhiều, đọc nhiều và cũng viết nhiều. Viết khi đọc bạn bè, viết vì ý nghĩa cuộc sống. Viết nhanh hay vấp váp là chuyện thường của thiên hạ. Trái lại, tôi phát hiện trong những cảm nhận của anh có những điều mới và khác. Đọc tập thơ xuất bản lần thứ bảy này đã cho tôi nhận định đó. Trong lời giới thiệu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết “… chúng ta lại phải chứng kiến và đương đầu với những thách thức phi nhân tính như hiện nay. Nếu nhà thơ không nhận ra điều ấy thì nhà thơ chỉ là kẻ ngủ quên trong những mỹ từ để thỏa mãn chính mình…”. Ngô Đức Hành đã lựa chọn con đường riêng của mình. Một cái KHÁC đáng mừng:
sau tấm áo choàng sắc màu người đàn bà ẩn hiện
nàng nói với thế gian vô thanh
những ký tự không dễ tìm trên mặt phẳng
(xem tranh)
Vậy là cách viết, tâm cảm viết đã được nhà thơ xác lập. Thơ là vậy. Anh không giống ai và anh cũng tìm cách vượt chính anh hôm qua. Những ký tự sáng tạo “không dễ tìm trên mặt phẳng” đâu. Làm thơ là cuộc vật lộn không ngừng. Nhiều người hỏi tôi về một câu thơ và những ý nghĩa của nó, khi bài thơ được công bố? Tôi đành chịu. Câu thơ thực ra là trời định, nó thoát ra từ vô thức “có nhiều điều con người không thể biết” (bài đã dẫn) như anh nói.
Ở bài thơ Tiếng dế, Ngô Đức Hành viết “tiếng đêm/ không hiểu vì sao đơn lẻ”. Nhà thơ nhận ra sự cô đơn ngập tràn, chảy ra trong âm thanh rả rích của loài dế được ví von - chiếc đại phong cầm thiên nhiên, với dáng vẻ thanh bình mà Tô Hoài đã mô tả. Nỗi cô đơn ấy đã “choàng vai nỗi sợ”. Một sự hoài nghi và buồn bã. Vì sao vậy? Người nghệ sĩ chân chính không phải sử dụng ngôn ngữ để làm “thỏa mãn” chính mình và người đọc. Anh phải lột tả đúng bản chất sự vật, đen hoặc trắng, tối hoặc sáng. Vật lộn trong tư duy, nhiều khi tác giả cũng xem mình là thực thể của đêm đầy bấp bênh, mất hút: “không có khái niệm/ tiếng khóc/ tiếng cười/ đêm mồ côi bóng tối” (đêm mồ côi). Hình ảnh đêm và bóng tối được nhà thơ khai thác, lật trở tạo nên mạch ngầm ảm đạm: mai đêm buồn, ta gác đêm chờ bình minh chưa nhú, đêm không đèn thì đêm dựng đuốc, đêm ngoài kia gặm nhấm, đêm qua có nữ thần đập cửa, anh gác đêm sang ngày, đêm phù thũng thiên đường buồn nhật nguyệt, mỗi đêm uống tiếng thở dài, đêm rủ đêm đi đâu, tôi đắp chăn đêm và thấy đêm nói dối, đêm chồng đêm, đêm ảo giác mùa xuân, đêm nay trăng hành khất… Thơ viết vậy có phải xuất phát từ cái nhìn bi quan, chán nản quá hay không?
Chúng ta đều nhận thức rằng, thơ ca cứu rỗi thế giới, góp phần cải tạo thế giới, làm cho thế giới ngày một tốt lên. Lâu nay chúng ta say sưa trong dàn đồng ca một chiều. Nếu có một hợp âm nào đó trái chiều là chưa đúng. Thơ cũng vậy. Tính phản biện trong thơ không làm mất đi nét duyên dáng trữ tình. Những câu thơ phản tỉnh như tiếng vọng từ tâm can con người trước sự suy thoái của nền đạo đức, buộc con người điều chỉnh, để bảo vệ cái thanh tao của lý tưởng chân - thiện - mỹ . Nhà thơ tự thú:
tôi
que diêm vẹn nguyên màu đỏ
ngọn lửa lụi rồi rất khó đốt lên
(que diêm)
Ngô Đức Hành vẫn tự tin, không nguôi khát vọng. Anh khiêm nhường khi trình bày vị thế và tiếng nói của mình, “tôi như cỏ/ vận vào lá cỏ/ má kề đất nâu/ xanh biếc một màu” (phận cỏ). Khiêm nhường không có nghĩa là thua cuộc. Anh đưa ra một giả thiết “nếu mặt đất này có khả năng sinh sôi/ giọt nước mắt sẽ nở thành bầy con ngoài giá thú/ và gió lang thang ngọn cỏ/ giành giật nhau tiếng sáo quy trình” (lộn xộn). Cao hơn ấy là sự triết lý mạnh mẽ:
có những chiếc áo không thể dài hơn
và những chiếc quần không thể ngắn hơn
có những cuộc đời không như chiếc áo
mặc hoàng bào chưa hẳn xứng vua
(ảo)
Tâm hồn thánh thiện, khắc khoải, nhà thơ bàng hoàng thốt lên: “trăng tôi mờ ảo/ cây đa không còn lũ chăn trâu/ chú cuội không còn quét lá đa trước cổng trăng màu hoặc/ tôi tìm trăng suốt chiều dài doi cát” (ví dụ trăng). Chỉ ví dụ thôi, ta đã thấy bao nhiêu nét văn hóa truyền thống đã biến mất giữa thị trường điên loạn “tôi xẩm bài số phận/ bữa tiệc nào không tan, cuộc vui nào bất tận” (tiệc chiều). Một bữa tiệc xã hội ngổn ngang hiện lên như ma quỷ thời ta sống.
Nhưng nhà thơ không đối lập, chạy trốn cuộc sống dù “loanh quanh người xiêm áo” (ảo), bề bộn xuống lên hay lo toan vất vả. Nhà thơ vẫn đi tìm chân lý cuộc sống, như tìm “đắng ngọt đàn bà”. Một vẻ đẹp hiện sinh “Không dễ dàng quan niệm”. Ở đó anh thấy cái lý lẽ con người trong “ánh mắt xa xăm cuộc đời không giông tố”:
nàng ẩn sau nét vẽ
chiếc bút lông dìu bàn tay run rẩy
người họa sĩ đi tìm lý lẽ
người đàn bà
(bức tranh)
Họa sĩ hay chính là tác giả - nhà thơ Ngô Đức Hành, như “khẳng định căn cước xứ Nghệ trong thơ anh” (nhà phê bình Hoàng Thụy Anh), một “ballad Khác” của dòng chảy văn chương đương đại.
Bình luận (0)