Ngỡ ngàng trước vẻ non xanh của xứ chè

24/11/2022 13:53 GMT+7

Danh ngôn xưa có câu “Chè Thái gái Tuyên” - chỉ sự thơm ngon của loại chè Thái Nguyên và vẻ đẹp dịu dàng tinh khôi ở những cô gái Tuyên Quang.

Ngày nay du ngoạn đến Thái Nguyên, lữ khách sẽ ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp non xanh nước biếc hữu tình. Những đồi chè xanh biếc bạt ngàn, suối thác trong mát, hang động huyền ảo… Tất cả biến nơi đây thành điểm khám phá mới trên cung đường du lịch vùng núi Đông Bắc của nước ta.

Kỳ thú địa danh Mỏ Gà

Thời còn là học sinh - sinh viên tôi có đôi lần được theo đoàn trường tới Thái Nguyên theo chương trình về nguồn. Thái Nguyên nổi tiếng với những di tích ATK ( An Toàn Khu) thời kháng chiến chống Pháp ở Định Hóa.

Vẻ đẹp làng quê bình dị mà vùng đất Võ Nhai còn giữ được

nguyễn hường

Vừa rồi, tôi mới có dịp trở lại Thái Nguyên cùng nhóm bạn để được tự do rong ruổi trên những cung đường mới, khám phá các vùng đất lạ. Từ trung tâm TP.Thái Nguyên, chúng tôi bắt đầu rẽ theo Quốc lộ 1B để hướng đến vùng đất Võ Nhai - huyện có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng ở xứ chè, nhưng vẫn còn ít người biết tới.

Trên con đường dẫn tới vùng núi rừng hoang sơ, du khách được lạc vào khung cảnh miền quê vùng trung du Bắc bộ đặc trưng. Hàng tre rủ xuống dòng sông trong xanh gợi cho ai đó nhớ về tuổi thơ mẹ ru “ầu ơ” những buổi trưa hè. Đi qua các xã Dân Tiến, Bình Long, Nghinh Tường đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lũy tre làng xanh mát. Đây là nét đẹp bình dị mà nhiều làng quê khác trong quá trình đô thị hóa đã không còn giữ được.

Ở xã Dân Tiến, chúng tôi đã vô cùng hào hứng dừng xe để xuống lội nước ở dòng sông cạn mà dân bản địa gọi là “Sông Rêu”. Đây là con sông chảy qua những nương chè với nhiều cây cổ thụ bên bờ tạo cảnh quan đẹp mắt. Nhiều chỗ sông chỉ ngập đến bắp chân, dưới đáy là lớp đá cuội và rong rêu xanh ngắt. Nước sông rất trong, có một số loại cá bống, cá quả nên người dân bản địa thường hay ra đây thả lưới.

Cuối hạ, đầu thu những nương chè in hình xuống nước phẳng lặng, xanh trong tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi này.

Nương chè xanh biếc bên dòng sông gợi lên bức tranh đẹp

nguyễn hường

Ngao du qua những nương chè, rặng tre, dòng sông hiền hòa cuối cùng chúng tôi cũng tới xã Phú Thượng (Võ Nhai). Ngay bên Quốc lộ 1B nhóm bạn trẻ đã bất ngờ khi được ngắm quả núi sừng sững đứng độc lập so với khung cảnh xung quanh. Mới nhìn qua, bạn tôi bảo trông như một kim tự tháp xanh. Hỏi một người dân đang làm đồng gần đó chúng tôi biết được núi này có tên “Mỏ Gà”. Anh nông dân tâm sự thêm ở đây địa danh Mỏ Gà rất nổi tiếng, quen thuộc. Anh chỉ dẫn chúng tôi tới đình Mỏ Gà, suối - hang Mỏ Gà… đều là thắng cảnh đẹp, ý nghĩa

Nằm ở lưng chừng núi tại thôn Mỏ Gà, là dòng suối kỳ diệu chảy ra từ hang động. Dòng suối trong vắt, nước mát lạnh mà mới thò tay xuống ai nấy đều cảm thấy khoan khoái, thích thú. Suối chia thành nhiều nhánh nhỏ chảy qua các bụi cây, tảng đá tạo thành các tiểu cảnh đẹp mắt. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vũng nước trong vắt giữa lòng suối mà có thể nhìn thấy đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội ở tận đáy.

Hứng thú men theo hạ nguồn dòng suối một lúc sau chúng tôi cũng đến được hang Mỏ Gà. Đây là khu hang vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn vẻ hoang sơ do số lượng du khách ghé thăm ít. Cửa hang tạo ra nhiều thành ngách để mọi người có thể luồn lách đi qua. Có vài phiến đá lớn sừng sững nhô ra khiến mấy người bạn của tôi thi nhau trèo lên ngồi ngắm cảnh. Hang Mỏ Gà là mê cung dài vài trăm mét, đường đi nhỏ hẹp, ăn sâu vào lòng núi. Trần và vách hang có những ma trận nhũ đá với nhiều hình thù độc đáo.

Núi Mỏ Gà sừng sững giữa cánh đồng

nguyễn hường

Trong ánh đèn pin và đèn flash của chiếc máy ảnh, tầng tầng lớp lớp nhũ đá hiện ra với màu sắc đẹp lung linh. Du khách cứ theo ánh đèn pin để lội đi trên dòng suối để vào sâu trong hang. Ở bên dưới, chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ những chú ốc nhỏ, lũ đá cuội như bao viên bi ve đang massage cho đôi bàn chân.

Lạc trong hang Phượng Hoàng

Nếu đã tới suối - hang Mỏ Gà mà không ghé qua động Phượng Hoàng quả là thiếu sót. Đây chính là địa danh ấn tượng, nổi tiếng nhất ở vùng đất Phú Thượng, Võ Nhai. So với khu suối - hang Mỏ Gà thì hành trình đến thôn Phượng Hoàng gian nan hơn nhiều.

Núi mang tên loài chim phượng hoàng chỉ có trong truyền thuyết của một số đồng bào dân tộc vùng núi phía bắc. Theo truyền thuyết chim phượng hoàng đại diện cho vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy và là vua của muôn loài chim.

Động Phượng Hoàng nằm trên đỉnh ngọn núi cùng tên. Để chinh phục được địa điểm này du khách phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt. Bởi thử thách trước mắt mọi người là hơn 2.000 bậc đá dựng đứng. Thông thường vừa đi vừa nghỉ ngắm cảnh du khách phải mất 2 giờ để từ chân núi tới được cửa hang. Càng leo lên cao, ngoảnh lại nhìn càng thấy cảnh sắc xung quanh hoang sơ, bình dị mà rất đẹp.

Phiến đá nhô ra kỳ thú ở ngoài cửa hang Mỏ Gà

nguyễn hường

Hang có hai cửa rộng đón ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào. Vòm hang động rộng lớn mênh mông, đứng ở cửa có thể nhìn thấy đáy sâu cách đó khoảng 80 - 100m. Lòng hang động có những cây nhũ đá khổng lồ rêu phong mọc lên như hòn núi. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy, chúng ta mới nhận ra rằng ở Việt Nam còn nhiều vẻ đẹp kỳ vĩ tiềm ẩn nơi núi rừng.

Dọc hành trình là những nhũ đá huyền ảo với các hình: voi chầu, hổ phục, kỳ lân múa, mẹ bồng con, có cả hình linga cao chừng 10m, to cỡ 2 người ôm… rất độc đáo, lạ mắt. Theo người dân sống gần đây cho biết, động Phượng Hoàng là nơi cứu quốc quân và du kích địa phương lập căn cứ kháng chiến ngày xưa…

Những thắng cảnh như Mỏ Gà, Phượng Hoàng... mà chúng tôi đã khám phá trọn một ngày nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa. Khu bảo tồn được thành lập năm 1999, có địa giới trải dài trên 7 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai là: thị trấn Đình Cả, xã Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Phú Thượng, Vũ Chấn, Nghinh Tường.

Vẻ đẹp nhũ đá, suối nước trong hang Mỏ Gà

nguyễn hường

Buổi sáng ngày thứ 2 ở Thái Nguyên, chúng tôi chạy xe tới xã Thần Sa - vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên. Ở đây có hệ sống suối thác, rừng nguyên sinh vô cùng phong phú. Từ con đường tỉnh lộ, du khách đã có thể nghe thấy tiếng nước chảy ở phía bìa rừng. Tiến lại gần hơn thì trước mắt mọi người, dòng thác mang tên Mưa Rơi hiện hữu với dải nước trắng xóa đổ ra từ lòng núi.

Từ độ cao hơn 40m, với vách núi dựng đứng, rêu phong, cỏ cây bao phủ, những tia nước nhỏ thi nhau chảy rơi. Tiếng nước rơi, tiếng chim hót bên những bụi cây, kèm theo những cơn gió mát rượi khiến chúng tôi vô cùng thích thú.Thác Mưa Rơi đổ xuống tạo thành dòng sông nhỏ chảy uốn lượn theo sườn núi tới hạ nguồn. Các nữ du khách đã tranh thủ mặc trang phục dân tộc mới thuê ở tiệm ra suối hóng mát, chụp ảnh.

Các nữ du khách diện trang phục dân tộc chụp hình bên suối

thắng nguyễn

Sau một lúc ở bên ngọn thác tuyệt đẹp, chúng tôi tiếp tục đi theo con suối Thần Sa nước trong vắt để tìm đến di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở nơi này. Ở núi Ngườm, thôn Trung Sơn, Thần Sa hiện còn sót lại rất nhiều vỏ ốc, vỏ sò, xương thú cổ… dưới những lớp đất đá. Người ta đã chứng minh được rằng đây chính là nơi trú ngụ của người Việt Cổ thời kỳ đồ đá.

Trời chiều ngả bóng, chúng tôi đi qua một chiếc cầu treo bắc trên con suối tạm biệt đất Thái Nguyên. Hình ảnh miền sơn cước trong ánh hoàng hôn thật đẹp và bình dị. Một hành trình non nước Thái Nguyên để lại trong mỗi chúng tôi những xúc cảm, ngỡ ngàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.