Có thể nói, dự án phim mới nào của Ngô Thanh Vân khi ra mắt cũng gây được sự chú ý lớn của công chúng và thể hiện rõ khát vọng của nhà sản xuất.
Nếu như Tấm Cám: Chuyện chưa kể thể hiện rõ mong muốn đem những câu chuyện cổ tích hay của Việt Nam lên màn ảnh, Cô Ba Sài Gòn đưa văn hóa Việt – áo dài bay xa, Hai Phượng là phim hành động hiện đại đúng chuẩn quốc tế, hay Trạng Tí là phim chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng Đất Việt không chỉ dành cho thiếu nhi mà cho cả gia đình người Việt cùng xem…, thì đến Thanh Sói, Ngô Thanh Vân hợp tác với nhiều tên tuổi lớn của Hollywood quyết tâm đưa thể loại phim hành động Việt Nam cạnh tranh với nhiều nền điện ảnh lớn khác trên thế giới. Cũng như thế, với Vinaman, Ngô Thanh Vân khẳng định “đã đến lúc, Việt Nam cần có phim siêu anh hùng” và từng bước tạo ra một hình mẫu siêu anh hùng đầu tiên của Việt Nam trên màn ảnh rộng…
Làm đạo diễn Thanh Sói vì thị trường thiếu đạo diễn phim hành động
* Ngô Thanh Vân từng tuyên bố sẽ dừng vai trò đạo diễn sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể, để toàn tâm toàn ý tập trung vào vai trò nhà sản xuất phim, là người đứng sau làm bệ đỡ ủng hộ các đạo diễn trẻ. Vậy tại sao chị lại quyết định làm đạo diễn bộ phim Thanh Sói lần này?
- Tôi không muốn nói hai lời, mặc dù bản thân rất sợ làm đạo diễn. Nếu ở vai trò sản xuất, mình sẽ làm tốt công việc hơn, có được góc nhìn tổng quát cho các dự án.Tất cả là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Khi bắt đầu phát triển dự án Thanh Sói, tôi đã mời một đạo diễn người Mỹ và nhận được sự đồng ý. Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh ấy đã đến Việt Nam để làm việc với đội ngũ biên kịch. Sau khi quay về Mỹ, đợt Covid-19 thứ 2 bùng ra khiến tình hình căng thẳng nên vị đạo diễn nước ngoài không thể đến Việt Nam thời gian này được. Do đó, anh ấy đã rút khỏi vị trí đạo diễn trong sự tiếc nuối nhưng vẫn sẽ tham gia dự án trong việc cố vấn.
|
|
Lúc đó, tôi cảm thấy bối rối, buồn và không biết sẽ phải thế nào để tiếp tục dự án Thanh Sói. Ekip chúng tôi đã đi đoạn đường rất dài cho các khâu biên kịch, bối cảnh, thiết kế… nên không muốn dừng lại. Nhìn ra thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại, tôi tự hỏi, ai có thể gánh vác đạo diễn cho thể loại phim hành động? Ekip cũng nói rằng, chắc không tìm được ai khác, và tôi thì là người quá hiểu Thanh Sói, gắn bó mọi khâu từ lúc đầu, nên tôi buộc phải gánh lấy trọng trách, đảm nhận luôn vai trò đạo diễn. Bên cạnh đó, tôi cũng đã mời biên kịch Aaron Toronto – người sinh sống tại TP.HCM lâu năm, đã làm việc từ phim Hai Phượng để làm đồng đạo diễn cho phim Thanh Sói.
* Quy tụ êkíp rất hùng hậu, với những chuyên gia hàng đầu về võ thuật, điện ảnh như nhà sản xuất Giang Hồ (từng làm Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng), biên đạo hành động Samuel Kefi Abrikh (nổi tiếng với phim The Hunting, Nicky Larson), đạo diễn hành động Yannick Michel Ben Haddou (The King, City Hunter)…; cùng dàn diễn viên nổi tiếng: Tóc Tiên, Đồng Ánh Quỳnh, Song Luân… khiến nhiều người tò mò về kinh phí thực hiện dự án phim Thanh Sói. Chị có thể tiết lộ không?
- Tôi rất ngại công bố những số tiền trong quá trình làm phim. Vì khi ekip bỏ công sức, tâm huyết cho một tác phẩm điện ảnh, tôi không muốn hạn chế sự sáng tạo để thúc đẩy cho chất lượng bộ phim. Và bộ phim lần này sẽ không tiếc kinh phí đầu tư nếu cần thiết để làm cho bộ phim hay hơn. Về phần hành động, tôi tin chắc tác phẩm Thanh Sói sẽ làm tốt hơn Hai Phượng, vì những gì mình đã làm qua thì giờ phải làm tốt hơn. Tôi chỉ có thể bật mí rằng, kinh phí sản xuất phim Thanh Sói đến thời điểm này đã gấp đôi so với phim Hai Phượng trước đó, tức khoảng hơn 2 triệu USD (khoảng hơn 45 tỉ đồng).
|
|
"Tôi luôn đặt bản thân tới những giới hạn mới!"
* Tại sao các sản phẩm của Studio68 mà chị là người đứng đầu luôn tạo được sự khác biệt trên thị trường?
- Với tiêu chí mỗi sản phẩm tôi đưa ra thị trường thì nó phải là một cột mốc quan trọng có được sự mới lạ so với thị trường. Tôi luôn đặt bản thân của mình vào tâm thế của một người tiên phong để thực hiện những điều mới. Khi thấy thị trường cần một bộ phim hành động do diễn viên nữ thủ vai chính thì tôi làm Hai Phượng. Khi thấy thị trường chưa có một bộ phim Fantasy (giả tưởng, kỳ ảo) cho trẻ em thì tôi quyết định làm Trạng Tí. Khi thị trường cần một bộ phim Action - Drama (hành động - kịch tính) thì tôi đến với Thanh Sói. Và cuối cùng, khi Việt Nam chưa có một bộ phim siêu anh hùng, tôi đầu tư cho Vinaman. Tôi luôn sẵn sàng đặt bản thân tới những giới hạn mới, sản phẩm sau phải tốt hơn những sản phẩm trước và phải phá vỡ chính kỷ lục bản thân đã tạo ra. Phải với tâm thế của một người tiên phong thì mới tạo ra một sản phẩm khác biệt cho thị trường và đó là cách Studio68 mang đến bất kỳ sản phẩm điện ảnh nào cho các khán giả Việt.
|
|
* Đi kèm với sự khác biệt đó là mức đầu tư rất lớn cho mỗi sản phẩm, liệu đây có phải là tiêu chí làm phim của chị không?
- Bản thân tôi nghĩ, mỗi dự án điện ảnh được giới thiệu ra với công chúng đều bắt buộc phải là một sản phẩm được đầu tư nghiêm túc. Sự đầu tư nghiêm túc đó đến từ rất nhiều khâu, từ ý tưởng, kịch bản, sản xuất, truyền thông đến khâu quảng bá cho một bộ phim. Ở mỗi khâu như vậy cần rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị, và thời gian luôn đi kèm với tiền bạc. Chính vì vậy, những dự án của Studio68 luôn cần một số tiền đầu tư rất lớn để thực hiện và tôi nghĩ rằng đây không phải là mong muốn của riêng mình mà bất kỳ một nhà làm phim nào cũng mong muốn một mức đầu tư tương xứng với sự sáng tạo của họ.
Không chùn bước khi quyết định làm phim kinh phí 'khủng'
* So với mặt bằng chung của thị trường phim Việt thì sản phẩm của chị luôn có mức độ đầu tư lớn hơn, lý do là tại sao?
- Ví dụ như với dự án Thanh Sói, chúng tôi mất gần 1 năm cho việc phát triển kịch bản và ý tưởng, 10 tháng tiếp theo với hơn 100 người cho khâu chuẩn bị tiền kì. Khi tổ chức casting, chúng tôi cũng tổ chức cho hơn 300 người, để các bạn được huấn luyện tại chỗ cùng những huấn luyện viên chuyên nghiệp. Và ngay sau đó là những buổi training (huấn luyện) diễn xuất, thể lực trong liên tục 2 tháng trước khi đến với vòng final casting (tuyển chọn cuối cùng). Khi có kết quả, Đồng Ánh Quỳnh lại tiếp tục 1 năm tập luyện ròng rã.
Hay khi công bố dàn diễn viên, chúng tôi cũng chuẩn bị họp báo với quy mô lớn cùng những hình ảnh công bố ra công chúng vô cùng chỉn chu nhằm thu hút truyền thông và tạo độ tín nhiệm cho dự án. Từ những bước chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng như vậy thì bắt buộc con số đầu tư phải tương đương. Tôi cảm thấy may mắn khi tìm được những nhà đầu tư có cùng tầm nhìn, quan điểm nghệ thuật và mục tiêu để phát triển điện ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới.
|
* Nhận được sự đầu tư lớn như vậy thì mức độ rủi ro và trách nhiệm chị phải gánh trên vai như thế nào?
- Tôi quan điểm rằng, không làm thì thôi, mà đã làm thì phải làm tốt nhất có thể. Vì lẽ đó, tôi luôn đặt một áp lực rất lớn lên những người làm việc cùng mình. Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng không có một giới hạn nào mà chúng ta không thể phá vỡ. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những thứ chệch khỏi sự quản lý của bản thân, mà chúng ta không thể lường trước được, như trận dịch vừa rồi là một ví dụ. Hai sản phẩm của Studio68 là Trạng Tí và Thanh Sói cũng chịu ảnh hưởng: Trạng Tí phải dời ngày khởi chiếu từ 30.4.2020 đến mùng 1 Tết Tân Sửu 12.2.2021; và Thanh Sói phải trì hoãn kế hoạch sản xuất từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay mới tiến hành chuẩn bị bấm máy.
Việc trì hoãn kế hoạch sản xuất cũng như phát hành của các sản phẩm phim khiến cho Studio68 chịu tổn thất vô cùng lớn về mặt kinh phí. Trên cương vị là người đứng đầu của dự án, tôi phải đứng ra giải trình với các nhà đầu tư cho sự trì hoãn này. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm tạo ra những sản phẩm chất lượng cho thị trường thì những khó khăn vừa qua đều có thể vượt qua được.
* Là người tiên phong, có bao giờ chị cảm thấy chùn bước không?
- Trong dự án Thanh Sói, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc di chuyển giữa các nước rất khó khăn. Do vậy, ngoài vị trí nhà sản xuất thì tôi bắt buộc phải đóng vai trò đạo diễn bộ phim. Việc vừa đứng 2 vai trò bắt buộc phải giám sát ekip từ tổng quát đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Thú thật, có nhiều lúc tôi thấy bản thân bị quá tải, khi một ngày phải làm việc trên 12 tiếng và gần như không có ngày cuối tuần. Nhưng, nhờ có ekip bên cạnh đều là những người rất tài giỏi trong lĩnh vực của họ, cũng như có cùng quan điểm nghệ thuật với tôi nên vẫn đảm bảo được tiến độ làm việc đặt ra ban đầu.
|
Bên cạnh đó, khi nghĩ tới sự tin tưởng của nhà đầu tư và khán giả đã đặt cho những sản phẩm của mình, từng lời động viên, khen ngợi hay góp ý của họ qua mỗi sản phẩm được ra mắt giúp cho tôi có động lực để bước tiếp con đường mình đã chọn. Tôi sẽ là người tiên phong trong việc đầu tư điện ảnh và tạo ra những sản phẩm chất lượng nhằm giới thiệu, văn hoá con người Việt Nam đến thế giới.
Ngô Thanh Vân cũng cập nhật thông tin ngày quay và lịch chiếu của một loạt 'bom tấn' hứa hẹn mang đến cho người xem những sản phẩm thú vị và mãn nhãn nhất. Các dự án điện ảnh mà Ngô Thanh Vân và Studio68 đang thực hiện:
- Trạng Tí - đã có lịch ra rạp vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2021
- Thanh Sói - dự kiến khởi chiếu cuối năm 2021
- Vinaman - khai máy vào tháng 3.2021, dự kiến khởi chiếu năm 2022
- 1 phim hành động về nhân vật lịch sử có thật của Việt Nam sản xuất năm 2022, dự kiến khởi chiếu năm 2023 (chưa tiết lộ nội dung)
|
Bình luận (0)