Ngoài học phí, sinh viên phải đóng những phí nào?

Hà Ánh
Hà Ánh
25/05/2022 08:26 GMT+7

Ngoài học phí, sinh viên còn phải đóng nhiều chi phí khác nhau trong một năm học. Tên gọi và mức tiền của các khoản phụ phí này tùy theo quy định từng trường.

Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh. Các trường ĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của trường.

Ngoài học phí, sinh viên còn đóng nhiều chi phí khác trong suốt khóa học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vào thời điểm sinh viên (SV) làm thủ tục nhập học, cùng với học phí các trường ĐH công bố luôn các khoản thu khác. Trong đó, khoản lệ phí bắt buộc có mức thu giống nhau ở tất cả các trường là bảo hiểm y tế. Trong khi đó, 2 khoản thu có ở hầu hết các trường nhưng số tiền khác nhau là lệ phí nhập học và lệ phí khám sức khỏe. Chẳng hạn, lệ phí nhập học áp dụng với thí sinh trúng tuyển năm 2021 tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông là 750.000 đồng, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu 700.000 - 900.000 đồng tùy ngành, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM 300.000 đồng...

Ngoài ra, ngay thời điểm đầu nhập học SV còn đóng nhiều khoản phí khác tùy quy định từng trường như: tài liệu sinh hoạt công dân, hồ sơ SV, sổ ngoại trú nội trú, sổ tay SV toàn khóa học, đăng ký tạm trú, thẻ SV, bảng tên SV, xếp lớp tiếng Anh đầu vào… Trong quá trình học tập, một số khoản phí được thu khác gồm: phí bảo hiểm tai nạn, phí xét tốt nghiệp, phí tham dự lễ tốt nghiệp, phí thư viện ngoài giờ...

Trường đại học nào có học phí cao nhất Việt Nam?

Ngoài phí phụ thu bắt buộc bảo hiểm y tế, theo tài liệu hướng dẫn thông tin học phí và các phí phụ thu năm 2022, Trường ĐH RMIT VN cũng quy định nhiều khoản phí hành chính và các khoản phụ thu khác như chi phí in ấn, phí sử dụng thư viện, phí in bảng điểm... Riêng phí xác nhận đăng ký môn học, xác nhận sao y bằng tốt nghiệp hoặc bảng điểm được thu 50.000 đồng/bản (cần con dấu nhà trường) và 20.000 đồng/bản (không cần dấu nhà trường). Ngoài ra, một số phí khác như: phí in lại thẻ SV 200.000 đồng; phí dự lễ tốt nghiệp 2 triệu đồng; phí cung cấp dịch vụ giám thị coi thi 3 triệu đồng/SV/kỳ thi; phí trễ hạn đăng ký môn học hoặc phí trễ hạn thay đổi đăng ký môn học 2 triệu đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.