Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ Wagner 'lợi dụng' tình hình ở Niger

09/08/2023 08:00 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga lợi dụng sự bất ổn ở Niger hậu đảo chính, trong khi ECOWAS không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để can thiệp.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC được công bố ngày 8.8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng ông không tin Wagner đứng sau vụ quân đội Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum, một đồng minh của phương Tây, vào ngày 26.7.

"Tôi nghĩ những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra ở Niger không phải do Nga hay Wagner xúi giục... Nhưng nếu họ cố gắng lợi dụng chuyện đó - và chúng ta nhìn thấy sự tái diễn những gì đã xảy ra ở các quốc gia khác, nơi họ không mang lại gì ngoài những điều tồi tệ - điều đó sẽ không tốt", ông nói trong cuộc phỏng vấn, theo nội dung được Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ Wagner 'lợi dụng' tình hình ở Niger - Ảnh 1.

Các sĩ quan tham gia đảo chính ở Niger xuất hiện trong một sự kiện ở thủ đô Niamey hôm 6.8

REUTERS

Theo AFP, Wagner được cho là đã hợp tác với các quốc gia châu Phi bao gồm Mali và Cộng hòa Trung Phi. Moscow không thừa nhận Wagner về mặt pháp lý nhưng trên thực tế, lực lượng này đã chiến đấu bên cạnh quân đội chính quy Nga ở Ukraine. Sự hiện diện của Wagner ở châu Phi được cho là đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với phương Tây tại đây. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Wagner và Moscow hiện không rõ ràng sau vụ nổi loạn của lực lượng này hồi cuối tháng 6.


Mali và Burkina Faso - nơi chính quyền quân sự cũng bị cáo buộc có quan hệ với Wagner - đã cử phái viên đến Niger để thể hiện tình đoàn kết với các lãnh đạo đảo chính. Trong khi đó, quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng đã tới thủ đô Niamey của Niger hôm 7.8 và cho biết giới chức quân sự hiểu "những rủi ro" khi hợp tác với Wagner.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Niger nhưng tin rằng ngoại giao là "cách tốt nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng, phát ngôn viên của ông cho biết hôm 8.8. Đây là tuyên bố đầu tiên từ ông Tinubu sau khi chính quyền quân sự ở Niger không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum theo tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS, một tổ chức khu vực) trước thời hạn 6.8.

Nigeria là nền kinh tế kinh tế lớn nhất châu Phi và ông Tinubu hiện là chủ tịch của ECOWAS, tổ chức đã đe dọa can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh Niger không đáp ứng yêu cầu của họ. Tổng thống Nigeria hôm 8.8 cũng đã ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với chính quyền quân sự ở Niamey thông qua ngân hàng trung ương Nigeria, nhằm gia tăng sức ép với những người tham gia đảo chính, theo Reuters.

Các biện pháp trừng phạt này được áp đặt sau khi chính quyền quân sự sau đảo chính ở Niger không cho phép một phái đoàn bao gồm đại diện ECOWAS, Liên minh Châu Phi (AU) và Liên Hiệp Quốc vào Niger. Cuối ngày 8.8, ECOWAS xác nhận sứ mệnh chung đã bị hủy bỏ và cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ "tiếp tục triển khai tất cả các biện pháp để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.