Reuters hôm qua (8.8) đưa tin, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10.8 để thảo luận về việc chính quyền quân sự Niger bác tối hậu thư phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Trước đó, ECOWAS đã yêu cầu giới lãnh đạo đảo chính ngày 26.7 ở Niger từ chức, nếu không sẽ có thể đối mặt một cuộc can thiệp quân sự.
Sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger - tướng Abdourahamane Tiani bác bỏ tối hậu thư, đồng thời tuyên bố đóng cửa không phận, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua nhấn mạnh ngoại giao là lựa chọn tốt nhất để xử lý cuộc khủng hoảng ở Niger. "Đó là cách tiếp cận hiện tại của ECOWAS. Đó là cách tiếp cận của chúng tôi", ông Blinken nói.
Quyền Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm qua đã gặp các lãnh đạo quân sự cấp cao của Niger ở thủ đô Niamey, nhưng không có tiến triển cụ thể ngay, theo AFP. Quyền Thứ trưởng Nuland cho hay bà đã nói rõ những hậu quả trong quan hệ với Mỹ nếu Niger không phục chức cho ông Bazoum hoặc đi theo con đường của nước láng giềng Mali trong việc kêu gọi sự hỗ trợ từ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga. Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "hàng trăm triệu USD" trong phần hỗ trợ tạm dừng của Washington dành cho Niger sẽ mất nếu phe quân sự Niger không khôi phục chính phủ dân cử.
Người Niger không nao núng sau tối hậu thư của liên minh Tây Phi
Cuộc đảo chính ở Niger đã bị các quốc gia phương Tây và hầu hết các quốc gia châu Phi lên án, nhưng chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso, hai quốc gia thành viên của ECOWAS, cho hay họ sẽ coi bất kỳ sự can thiệp quân sự vào Niger là một "lời tuyên chiến" chống lại quốc gia của họ.
Phát biểu cùng với người đồng cấp Burkina Faso Olivia Rouamba ngày 7.8, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop cảnh báo rằng sự can thiệp quân sự vào Niger của ECOWAS nhằm phục chức cho tổng thống bị lật đổ có thể là một "thảm họa".
Sự rạn nứt trong ECOWAS và tình trạng leo thang của cuộc đối đầu với Niger sẽ tiếp tục gây bất ổn cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, vốn phải đối mặt nạn đói và những cuộc nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan, theo Reuters. Trước tình trạng này, Pháp đã cảnh báo công dân của mình không nên đến Niger, trong khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Niamey cho hay công dân của họ ở Niger nên rời sang nước thứ ba hoặc trở về nước nếu họ không có lý do gì để ở lại, theo Reuters.
Bình luận (0)