Niger đóng không phận trước nguy cơ nước ngoài can thiệp quân sự

07/08/2023 06:53 GMT+7

Niger đã đóng không phận vô thời hạn trước nguy cơ can thiệp quân sự từ bên ngoài nhằm khôi phục quyền lực của tổng thống dân cử bị lật đổ.

Đại diện chính quyền quân sự sau đảo chính của Niger ngày 6.8 thông báo đóng không phận ngay trong ngày đối với toàn bộ máy bay cho đến khi có thông báo thêm. Quyết định được đưa ra "trước mối đe dọa can thiệp ngày càng rõ ràng của các nước láng giềng".

Niger đóng không phận trước nguy cơ can thiệp quân sự - Ảnh 1.

Người ủng hộ đảo chính bên ngoài một căn cứ tại Niamey hôm 5.8

REUTERS

Theo AFP, nhà cầm quyền mới của Niger tuyên bố sẽ "đáp trả mãnh liệt và ngay lập tức" trước bất kỳ hành vi nào vi phạm không phận.

Thông báo được đưa ra khi hạn chót mà liên minh các nước láng giềng của Niger đặt ra để can thiệp quân sự đến gần. Vào hôm 30.7, Tổ chức Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ra tối hậu thư cho phe đảo chính tại Niger phải khôi phục quyền lực của Tổng thống Mohamed Bazoum trong vòng một tuần.

Người Niger không nao núng sau tối hậu thư của liên minh Tây Phi

Các lãnh đạo quân sự của ECOWAS, gồm 15 thành viên, đã thống nhất kế hoạch can thiệp nếu quyền lực không được giao lại cho Tổng thống Bazoum trước hạn chót vào nửa đêm 6.8.

Người phát ngôn của nhà cầm quyền mới cho biết lực lượng can thiệp đã được triển khai tại 2 nước Trung Phi nhưng nhấn mạnh các lực lượng vũ trang Niger sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Hiện chưa rõ ECOWAS sẽ hành động thế nào sau khi thời hạn cảnh báo qua đi.

Niger đóng không phận trước nguy cơ can thiệp quân sự - Ảnh 2.

Các thủ lĩnh phe đảo chính tại sự kiện ở sân vận động tại Niamey ngày 6.8

REUTERS

Tổng thống Bazoum bị lật đổ vào ngày 26.7 khi đội cảnh vệ bắt giữ ông tại phủ tổng thống. Ngày 6.8, hàng ngàn người ủng hộ đảo chính đã tụ tập tại sân vận động ở thủ đô Niamey để chúc mừng Hội đồng Quốc gia vì bảo vệ tổ quốc (CNSP), tổ chức gồm các tướng lĩnh đã tiếp quản quyền lực.

Kế hoạch quân sự của ECOWAS làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột rộng hơn tại khu vực, vốn đang trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang nổi dậy đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người di tản, theo Reuters.

Sự can thiệp quân sự có thể gây phức tạp bởi chính quyền quân sự các nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã tuyên bố sẽ bảo vệ Niger nếu cần. Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Pháp ngày 6.8 thông báo ngừng viện trợ phát triển và ngân sách cho Burkina Faso. Tuần trước, Niger đã hủy các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp trong khi Paris tuyên bố ủng hộ nỗ lực của ECOWAS nhằm phục chức cho ông Bazoum.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.