Trước đây, đối với những người làm việc văn phòng, việc ngồi làm việc nhiều giờ liền là những gì họ phải trải qua mỗi ngày. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người được làm việc ở nhà và điều này vẫn duy trì sau khi đại dịch đi qua. Thậm chí, họ không phải rời khỏi nhà để đến công sở. Chính điều đó còn khiến họ ngồi nhiều và ít vận động hơn, theo trang tin tức khoa học Science Alert (Úc).
Nghiên cứu trên chuyên san JAMA Cardiology đã phân tích mức độ ảnh hưởng của việc ngồi nhiều đến sức khỏe mọi người. Đây là nghiên cứu lớn, thu thập dữ liệu từ 21 quốc gia khác nhau. Kết quả cho thấy ngồi nhiều trong thời gian dài sẽ làm cơ thể lão hóa nhanh hơn và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy người ngồi từ 6 đến 8 tiếng/ngày gây lão hóa nhanh hơn và làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 13% so với người ngồi dưới 4 tiếng/ngày. Nếu ngồi nhiều quá 8 tiếng/ngày thì nguy cơ này sẽ tăng lên đến 20%.
Không những vậy, nhiều bằng chứng nghiên cứu trước đó cho thấy ngồi nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, tăng nồng độ cholesterol trong máu, tích tụ nhiều mỡ nội tạng và các bệnh rối loạn cơ xương.
Trong khi đó, một nghiên cứu của tổ chức y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ) kết luận những người ngồi nhiều hơn 8 tiếng/ngày mà không tập luyện thể dục sẽ có nguy cơ tử vong cao như người hút thuốc và béo phì.
Tuy nhiên, việc tăng cường vận động thể chất thực sự có thể đẩy lùi tác hại của ngồi nhiều. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) phát hiện tập thể dục cường độ vừa phải từ 60 đến 75 phút/ngày sẽ loại bỏ được tác động lão hóa của ngồi nhiều, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ. Các bài tập này có thể là đi bộ nhanh hoặc đạp xe.
Trong trường hợp mọi người quá bận rộn, không có đủ thời gian 60 phút để tập luyện thì những bài tập đi bộ, chạy bộ, đi cầu thang hoặc nâng tạ dù ít nhưng cũng có thể cải thiện lớn đến sức khỏe.
Bình luận (0)