Ngồi quán trong khí trời se lạnh, nghe nhạc xuân, thấy tết đã về

Tấn Đạt
Tấn Đạt
24/12/2020 16:30 GMT+7

Thời tiết se se lạnh, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe bài hát về mùa xuân..., nhiều người trẻ bồi hồi, muốn đi về nhà vì thấy tết thật gần.

"Nghe nhạc thấy tết liền"

Vào trưa 23.12, tôi và những người bạn có mặt tại quán cà phê trên đường Yersin, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM. Tại đây, ngoài những bài hát Giáng sinh thì quán còn mở nhiều ca khúc với chủ đề tết xuân, tết… Có thể nói, nhạc xuân thật sự ý nghĩa khi chúng được mở trong những ngày cuối năm, nhất là cái lạnh mang theo hương gió mới, mùi hương của hoa, bánh mứt.
Ngồi nhâm nhi ly cà phê, Trịnh Đình Tuấn Tú, 26 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại tòa nhà số 65 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM, chia sẻ tuy công việc cuối năm nhiều hơn nhưng cũng nôn nao khi nghe những bài nhạc xuân, tết.
Tuấn Tú kể lại: “Ngày hôm qua đi mua đồ ở siêu thị vô tình nghe được bài Ngày xuân long phụng sum vầy. Đây cũng là bài hát mà mình rất thích mỗi khi tết đến. Lúc đó giật mình quay sang nói với bà chị đi cùng 'thấy có không khí tết liền, công nhận siêu thị ăn tết sớm ghê'...”.

Các bạn trẻ háo hức chờ đợi một năm mới

Ảnh: Tấn Đạt

 

Là người bạn đi cùng với chúng tôi, Nguyễn Chí Trung, 26 tuổi, hiện làm tại một công ty truyền thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM, chia sẻ đang túi bụi trong công việc đi tin, ghi hình tại các sự kiện cuối năm, nhưng anh vẫn nôn nao, háo hức khi nghe loáng thoáng những bài nhạc xuân.

Chí Trung kể lại: “Mình ở trọ ngay khu cư xá Bắc Hải, P.15, Q.10, TP.HCM, nơi đây có nhiều quán cà phê từ sang chảnh đến bình dân. Sáng sớm đi làm thường chạy ngang những quán này. Hơn một tuần nay, ngoài những bài nhạc Giáng sinh, mình cũng nghe những bài nhạc xuân, bất chợt thấy nôn nao trong lòng vì biết tết sắp đến. Thích nhất là lời bài "xuân ơi xuân xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến..."  nó cứ ngân nga mãi trong đầu. Tiết tấu nhanh vui tươi, ca từ thì có ý nghĩa, nó mô tả gần như trọn vẹn hình ảnh mùa xuân”.

Người trẻ nhớ những bữa cơm tết của mẹ khi phải tất bật cho công việc cuối năm

Ảnh: Tấn Đạt

Chí Trung nhớ lại và nói: “Bắt đầu 28, 29 tết là nhà mình đã chuẩn bị xong hết mọi thứ từ trang trí đến các mâm cúng. Sáng sớm là hay mở mấy bài nhạc “Tết ơi Tết; Ngày tết quê em”, chiều thì “Happy New Year (chúc mừng năm mới) hay Như hoa mùa xuân, Liên Khúc Xuân” rồi mấy bài nhạc trẻ  và kéo dài cho đến mùng 3 Tết. Khoảnh khắc đó cảm thấy rất thoải mái, gia đình thì vui vẻ, quây quần bên nhau, những ưu phiền một năm qua bị bỏ lại hết”.

Nhớ không khí tết yên bình quê nhà

"Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang..." là lời của một bài hát khiến Nguyễn Thị Mộng Cầm, 23 tuổi, đang làm việc tại công ty truyền thông số 311 Điện Biên Phủ, TP.HCM, nhớ nhà da diết khi tình cờ nghe được trên đường đi làm vào những ngày cuối tháng 12.
Mộng Cầm chia sẻ: “Dạo gần đây, cứ mỗi sáng trên đường đi làm, những cơn gió se lạnh khiến mình cứ liên tưởng đến không khí tết đến ở quê. Thoáng nghe những giai điệu nhạc xuân như "Tết, tết, tết đến rồi" hay "trên đường đi lễ xuân đầu năm" lâu lâu lại vang lên đâu đó, lòng nôn nao muốn được về quê để tận hưởng không khí tết yên bình".

Quê nhà bình yên trong dịp tết

Ảnh: Tấn Đạt

Với mỗi người con đường về nhà là con đường đẹp nhất

Ảnh: Tấn Đạt

Mộng Cầm cho hay cảm thấy nhớ nhà khi tình cờ xem được các video quảng cáo của các nhãn hàng như nước bia, nước ngọt. “Hình ảnh đàn én bay, hoa mai đua nở, những bản nhạc nền xuân tiếng trống đánh rộn ràng trong video,... tuy chỉ vài giây nhưng đủ để mình rất muốn về nhà sớm đón tết cùng gia đình”, Mộng Cầm nói.
Rồi Mộng Cầm tâm sự: "Khi trưởng thành, phải sống và làm việc xa quê, khúc nhạc xuân dù mới hay cũ cũng khiến ta bồi hồi, nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ. Lúc này, ta biết mùa xuân là gì, ngày tết có ý nghĩa gì?".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.