Dấu tích đấu củng vàng son và ngói rồng
Theo đó, nhiều "mảnh" ngói đầu, thân, đuôi rồng tìm thấy tại di sản thế giới này đã được ghép khớp lại, để sau cùng hiện ra hình rồng. Tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả ngói rồng men vàng và xanh lục.
Cũng theo PGS-TS Bùi Minh Trí, chính ngói rồng màu vàng này đã làm nên bộ mái của điện Kính Thiên - cung điện quan trọng nhất trong Hoàng thành với vai trò là nơi thiết triều. "Những mảnh đầu, thân, đuôi này đã tạo thành hình rồng hoàn chỉnh. Chúng tôi so sánh vật liệu kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long với các cung điện ở Đông Á, nhất là Trung Quốc, thì thấy đây là loại ngói chỉ ở VN mới có. Nó mang lại nét độc đáo của kiến trúc thời Lê sơ", ông Trí phát biểu.
Cụ thể hơn, TS Trí cho biết, trong các cung điện cổ ở Đông Á, bộ mái của kiến trúc Nhật Bản và Hàn Quốc thường ưa chuộng lợp loại ngói đất nung màu xám đen. Các cung điện ở Trung Quốc thời Minh phổ biến lợp mái bằng các loại ngói lưu ly (men vàng, men xanh lục và xanh lam), trong đó ngói men vàng là loại ngói cao cấp nhất, được lợp trên mái các cung điện của nhà vua và hoàng cung.
"Ở Hoàng thành Thăng Long, ngói rồng men vàng là loại cao cấp nhất, được sử dụng để lợp trên mái kiến trúc cung điện quan trọng nhất trong cấm thành Thăng Long, đó là tòa điện Kính Thiên", TS Trí nói.
Một kết quả nghiên cứu quan trọng khác cũng được TS Trí công bố là các đấu củng thời Lê sơ với nhiều cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng. Dựa trên khoảng 70 cấu kiện gỗ được tìm thấy trong các cuộc khai quật xung quanh khu vực điện Kính Thiên năm 2017 - 2018, TS Trí và các đồng nghiệp đã "ghép" chúng lại thành "đấu củng" (một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường). Theo đó, đấu củng Thăng Long thời Lê sơ thuộc loại đơn giản, kích thước các cụm đấu củng tương đương hoặc nhỏ hơn đôi chút so với cụm đấu củng Trung Quốc thời Minh sơ. "Đấu củng bắt đầu từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới các nước đồng văn như VN, Hàn Quốc, Nhật Bản", ông nói.
Viện Nghiên cứu kinh thành cũng đã lắp ghép được một cụm đấu củng hoàn chỉnh. Mô hình kiến trúc men xanh lục tìm thấy trong cuộc khai quật phía đông điện Kính Thiên năm 2021 càng giúp ông Trí khẳng định kiến trúc đấu củng thời Lê sơ.
Từ việc ghép được đấu củng, ông Trí và các đồng nghiệp cũng giải mã tiếp được những kết cấu kiến trúc liên quan. Ông Trí cũng cho biết về việc nhiều cấu kiện để ghép thành hệ khung, cũng như đấu củng có sơn son thếp vàng. "Cấu kiện có thếp vàng, thậm chí là vàng 4 số 9. Điều này cho thấy nhà Lê sơ rất giàu", ông Trí nói.
Mô hình gợi cảm xúc, không để phục dựng
Viện Nghiên cứu kinh thành cũng nghiên cứu so sánh những dấu vết còn lại của điện Kính Thiên với hệ thống kiến trúc cung điện quan trọng nhất ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) như điện Thái Hòa và điện Cần Chính ở Gyeongbokgung (Hàn Quốc). Theo đó, các nhà khoa học xác định rằng kiến trúc điện Kính Thiên cũng có thể được xây dựng theo quy tắc chuẩn mực chung của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. Tòa điện quan trọng này được suy đoán có mặt bằng một đơn nguyên kiến trúc hình chữ nhật.
Dựa vào kích thước chiều rộng của thềm bậc đá chạm rồng, có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 480 cm, gian hai bên rộng 420 cm. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh có thể xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188 m2 (dài 44 m x rộng 27 m), trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc (hay chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.
Sau cùng, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu kinh thành đã từng bước giải mã và phục dựng thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Theo đó, đây là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng kích thước lớn gồm 11 bậc, được chia làm 3 lối đi. Lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện Kính Thiên có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son thếp màu đỏ sặc sỡ. Kiến trúc này có quy mô lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.
Đặc biệt, PGS-TS Bùi Minh Trí cùng các cán bộ Viện Nghiên cứu kinh thành đã xây dựng mô hình điện Kính Thiên thời Lê sơ. Mô hình này sẽ được công bố chính thức tại triển lãm ở Bảo tàng Hà Nội ngày 29.11. Đây cũng là cách mà công viên lịch sử văn hóa Đại Minh Cung (Trung Quốc) đã thực hiện với các kiến trúc cổ, họ dựng lại các mô hình trưng bày, một số đấu củng ngoài trời để người dân cảm nhận được vẻ đẹp của đời sống cung đình xưa. Công viên này sau đó đã trở thành di sản văn hóa thế giới UNESCO.
"Chúng tôi công bố nghiên cứu và mô hình điện Kính Thiên thời Lê sơ để người xem hình dung, hoài niệm về quá khứ chứ không có nhã ý đem ra phục dựng", ông Trí nói.
Bình luận (0)