Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/08/2024 14:05 GMT+7

6 năm học qua, từ năm 2018 đến nay, một trường THPT luôn áp dụng giờ bắt đầu học buổi sáng từ 7 giờ 30 phút, không dạy học ngày thứ bảy, được đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên ủng hộ.

Ngôi trường "không dạy học ngày thứ bảy" cũng đạt được nhiều thành tích dạy và học trong suốt thời gian qua. Đó là Trường THPT Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang.

Vào học từ 7 giờ 30 phút, tan học lúc 11 giờ

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Tân Châu trong một hoạt động ngoại khóa

TÂN CHÂU

Thầy Nguyễn Thành An, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Châu, cho biết với khung giờ dạy cũ trước đây thì buổi sáng vào học từ 7 giờ, kết thúc lúc 11 giờ 25 phút. Buổi chiều từ 13 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 25 phút. Mỗi buổi dạy 5 tiết; giữa 2 tiết 1 và 2, 3 và 4 nghỉ 5 phút. Thời gian nghỉ giải lao lần một (cuối tiết 2) là 20 phút. Thời gian nghỉ giải lao lần hai (cuối tiết 4) là 10 phút.

Khung giờ giấc này rất bất tiện cho giáo viên có con nhỏ, vừa phải dậy sớm đưa con đến trường, vừa phải tranh thủ vào dạy cho kịp giờ nên thường xin không xếp thời khóa biểu vào tiết 1. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh cũng không có đủ thời gian để ăn sáng trước khi vào tiết 1 và vào đến tiết 5 (sau 11 giờ) thì học sinh đói bụng, mệt mỏi, không tập trung nghe giảng, chỉ trông mau hết tiết. Đối với giáo viên, dạy đến giờ này cũng đuối sức, tâm thế giảng dạy không còn như những tiết đầu, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả giờ dạy…

Từ những bất cập này, Trường THPT Tân Châu đã họp, bàn bạc kỹ lưỡng, đi đến thống nhất, thay đổi khung giờ dạy học.

"Với khung giờ mới mà trường đang áp dụng thì buổi sáng bắt đầu học từ 7 giờ 30 phút, kết thúc lúc 11 giờ. Buổi chiều dạy từ 13 giờ 30 phút, kết thúc lúc 17 giờ. Mỗi buổi dạy 4 tiết; giữa 2 tiết 1 và 2, 3 và 4 không nghỉ; thời gian nghỉ giải lao chỉ một lần (cuối tiết 2) là 30 phút. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên có con nhỏ, giáo viên và học sinh có đủ thời gian để ăn sáng trước khi vào tiết 1, góp phần giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe trong giờ cao điểm…", thầy Nguyễn Thành An cho biết.

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 2.

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Tân Châu bắt đầu giờ học buổi sáng lúc 7 giờ 30, ra về lúc 11 giờ. Buổi chiều bắt đầu dạy từ 13 giờ 30 phút, kết thúc lúc 17 giờ

TÂN CHÂU

Hiệu trưởng Trường THPT Tân Châu nhìn nhận với khung giờ dạy hợp lý, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn tại trường, thuận lợi cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; qua đó việc theo dõi nền nếp dạy và học của giáo viên và học sinh tốt hơn. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi về sức khỏe, địa bàn công tác của mỗi người; đánh giá đúng trình độ năng lực của giáo viên, phản ánh tình hình dạy học của nhà trường một cách công bằng, minh bạch.

Không tổ chức dạy học ngày thứ bảy

Việc không dạy học ngày thứ bảy bắt đầu được Trường THPT Tân Châu thí điểm từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, thực hiện chính thức từ năm học 2019-2020 cho tới nay.

Thầy Nguyễn Thành An cho biết việc không tổ chức dạy ngày thứ bảy được sự đồng thuận rất cao của tập thể nhà trường và xã hội. Trong ngày thứ bảy, nhà trường dành trọn cho các hoạt động ngoại khóa như dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy phụ đạo học sinh yếu kém, tổ chức kiểm tra tập trung, tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động của Đoàn trường…, để ngày chủ nhật học sinh, giáo viên được nghỉ. Nếu các ngày nghỉ lễ trong năm rơi vào ngày thứ sáu thì nhà trường cũng cho học sinh, giáo viên, nhân viên nghỉ liên tục ngày thứ bảy.

"Sau một tuần giảng dạy, làm việc thì việc bố trí khung thời gian giảng dạy như vậy giúp mọi người có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chuẩn bị cho tuần lễ mới là vô cùng cần thiết", thầy Nguyễn Thành An cho hay.

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 4.

Trường THPT không tổ chức dạy học ngày thứ 7

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 5.

Ngày thứ bảy, nhà trường dành trọn cho các hoạt động ngoại khóa như dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy phụ đạo học sinh yếu kém, tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động của Đoàn trường...

TÂN CHÂU

Song, thầy An cũng khẳng định,việc không tổ chức dạy ngày thứ bảy cũng như thay đổi giờ vào học, tan học là chủ trương lớn, cần sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và xã hội. Nhà trường đã có sự bàn bạc kỹ lưỡng, từ khi có ý tưởng đã phải thực hiện qua các bước như họp giữa lãnh đạo trường, chủ tịch Công đoàn và bí thư Đoàn trường để bàn bạc. Họp cán bộ chủ chốt, họp Đảng ủy để đi tới thống nhất. Đồng thời, việc thay đổi này cũng được thông qua hội đồng sư phạm nhà trường, đặc biệt là phải có cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh.

"Qua 6 năm, việc thực hiện đổi mới khung giờ dạy, vào học từ 7 giờ 30 và không tổ chức dạy ngày thứ bảy cho thấy hiệu quả, tăng năng suất lao động. Đặc biệt chất lượng giáo dục của nhà trường được duy trì và ngày một tăng lên, Trường THPT Tân Châu luôn đứng ở tốp đầu các trường THPT trong tỉnh. Sự thay đổi này cũng giúp chúng tôi cải thiện được môi trường, điều kiện học tập và giảng dạy; bảo vệ sức khỏe của giáo viên và học sinh, được học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ", thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thành An nói.

Nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT về đổi mới, sáng tạo

Trường THPT Tân Châu luôn đạt được nhiều thành tích, cả 2 năm học 2022-2023; 2023-2024, tỷ lệ học sinh giỏi đều trên 53%; không có học sinh yếu; tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng đều trên 90%.

Năm học 2022-2023, trường có 14 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 học sinh đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh An Giang.

Năm học 2023-2024 trường có 27 giải cấp tỉnh, 1 giải ba cấp quốc gia, 1 học sinh đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh An Giang, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT xếp thứ ba toàn tỉnh.

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 6.

Ngôi trường có nhiều thành tích trong dạy và học cùng các hoạt động phong trào

TÂN CHÂU

Bên cạnh đó, trường còn nhiều thành tích khác về tổ chức tốt các phong trào, tham gia các hội thi, cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức, tổ chức tốt các hoạt động dạy học bằng hình thức trực tuyến; trực tiếp kết hợp với trực tuyến linh hoạt, hiệu quả.

Đáng chú ý, Trường THPT Tân Châu nằm ở biên giới tây nam của Tổ quốc. Đa số gia đình học sinh sống bằng nghề nông, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn (khoảng 60 em, tỷ lệ 3,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh bỏ học các năm qua luôn là 0%.

Thầy Bùi Nhật Vũ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đầu mỗi năm học, nhà trường thành lập ban vận động học sinh ra lớp, gửi danh sách những học sinh nghỉ học năm trước về địa phương, về Hội khuyến học, Hội cựu giáo chức để phối hợp vận động, đồng thời giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đến nhà để vận động học sinh ra lớp.

Cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh, trường sẽ nắm danh sách những học sinh có nguy cơ bỏ học để kịp thời tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Như đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường hỗ trợ chi phí học tập, bảo hiểm y tế, đỡ đầu, hỗ trợ đột xuất… thông qua việc vận động hỗ trợ, tài trợ học bổng, quà tiếp sức đến trường cho các em. Đối với học sinh có khó khăn về tâm lý, giáo viên chủ nhiệm phối hợp giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý để tham vấn, giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn…

Ngôi trường THPT 6 năm qua không dạy học ngày thứ bảy- Ảnh 7.

Học sinh ngôi trường THPT 'không dạy học ngày thứ bảy' năng động trong học tập và các hoạt động ngoại khóa

TÂN CHÂU

Năm học 2022-2023, tập thể Trường THPT Tân Châu nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về "có thành tích trong sự nghiệp GD-ĐT tỉnh An Giang, giai đoạn (1982 - 2022)". Cùng năm này, trường nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm học liên tục; cờ thi đua của UBND tỉnh; bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khen tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy học tập năm học 2022-2023".

Năm 2024, một thầy giáo của trường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Ngôi trường sắp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

Trường THPT Tân Châu (tiền thân là Trường trung học công lập Tân Châu) được thành lập từ ngày 1.10.1964, khi đó bắt đầu mở lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), đến năm học 1975 - 1976, phát triển thành ngôi trường dạy học bậc THPT.

Ngôi trường có diện tích 10.076 m2 đạt chuẩn quốc gia năm 2008, công nhận tiếp tục năm 2016 và được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, được Sở GD-ĐT công nhận trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ 2 năm 2022.

Ngày 28-29.9 tới đây trường sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.