Cả ba báo cáo đều phát hiện nhóm người xem TV với thời lượng từ vừa phải trở lên trong độ tuổi 40, 50 và 60 không những bị suy giảm nhận thức đáng kể vào thời điểm họ 70, 80 tuổi, mà khối lượng chất xám trong não cũng bị hao hụt nhiều hơn so với nhóm ít xem truyền hình ở tuổi trung niên, theo Yahoo News.
Chất xám đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng khác nhau của não, bao gồm kiểm soát cơ bắp, thị lực, thính giác và đưa ra các quyết định. Khối lượng chất xám dồi dào thường liên quan đến năng lực nhận thức sắc bén hơn ở người.
Các cuộc nghiên cứu đã lần lượt được trình bày trước hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Tim mạch Mỹ tổ chức vào tháng 5. Theo đó, các khoa học gia liệt thói quen ngồi trước màn hình TV vào nhóm ít vận động.
Lâu nay, thói quen ít vận động có liên quan một số tình trạng sức khỏe, như gia tăng nguy cơ mắc tim mạch, ung thư, tiểu đường loại 2 và chết trẻ. Bên cạnh đó, nhiều cuộc nghiên cứu phát hiện tập luyện thể chất thường xuyên cũng khó bù đắp thời gian ngồi quá lâu trong ngày.
“Theo báo cáo của chúng tôi, thời gian xem TV tạo ảnh hưởng tiêu cực cho chức năng nhận thức và gây hao hụt chất xám, dù đối tượng vẫn hoạt động thể chất. Điều đó cho thấy thói quen ngồi một chỗ mang đến nguy cơ đặc biệt đối với sức khỏe của não bộ và năng lực nhận thức”, theo tác giả chính Ryan Dougherty đang công tác tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), theo Yahoo News.
Một số báo cáo khác cho thấy xem TV có thể mang đến những nguy cơ đặc biệt cho trí não, vì hành động này thường không kích thích các hoạt động liên quan nhận thức ở não, theo các nhà nghiên cứu.
“Về khía cạnh sức khỏe não bộ và năng lực nhận thức, không phải hành vi ít vận động nào cũng gây tác hại như nhau. Trong đó, xem TV mang đến nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn các hành vi còn lại, trong khi những hoạt động như đọc sách, ngồi máy tính, đánh cờ lại giúp duy trì nhận thức và giảm nguy cơ mất trí nhớ”, theo chuyên gia Dougherty.
Bình luận (0)