|
Trong những món hủ tiếu hiện diện ở Sài Gòn, hủ tiếu sa tế có lẽ là món bí ẩn nhất về nguồn gốc cũng như cách thưởng thức. Người thì cho rằng món này là do người Triều Châu đem vào Sài Gòn, người thì dựa trên lập luận "sa tế của Chà" (là cách người Sài Gòn xưa gọi chung những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm ngăm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)...) mà cho rằng đây là kiểu ăn của người Chà Và lai trộn với kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn. Và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ hoàn toàn.
Còn ở món mì, kiểu ăn nhiều tranh cãi nhất về nguồn gốc thuộc về món mì vịt tiềm. Bởi lẽ ngay chính người Hoa bán món này từ những ngày đầu tiên trên đường La Cai (gọi trại từ chữ "Lacaze", ngày nay là đường Nguyễn Tri Phương thuộc quận 05 và quận 10) cũng thừa nhận "ở bên Trung Hoa không có món này”. Manh mối duy nhất đến từ lời kể lại của ông ngoại chủ quán Hải Ký ngày nay (349 - 351 Nguyễn Trãi, quận 05), cho rằng người bán món mì vịt tiềm đầu tiên ở Sài Gòn đến từ Hải Phòng, bán trên con đường Lacaze sầm uất từ đầu thế kỷ 20, còn ông chỉ là người bán sau đó.
|
Nhắc đến mì vịt tiềm, người ta nhớ đến miếng vịt to thơm phức mùi mùi thuốc Bắc, ăn kèm với đu đủ bào miếng lớn dai dai và chén mù tạt màu vàng (đọc trại đi từ chữ "mustard sauce", loại nước chấm thường thấy trong các món Tây). Món này ăn khô là ngon nhất, vì vừa có thể tận hưởng chén nước lèo thơm phức mùi tiềm đặc trưng, vừa cảm nhận được vị ngon của cọng mì.
Kiểu ăn vịt tiềm chiên giòn này vừa xuất hiện vài năm nay ở Sài Gòn, trước là ở Hải Ký mì gia (quận 05), sau này là Tân Tòng Lợi trên đường Võ Vần Tần (quận 03). Miếng vịt sau khi được tiềm sơ sẽ chiên giòn lên, khi chiên phải rất khéo léo để lớp da giòn mà vẫn giữ nguyên mùi tiềm thoang thoảng, đối lập hoàn toàn với miếng vịt tiềm truyền thống với lớp da mềm nhũn. Vị ngọt của thịt vịt vì thế cũng đậm đà hơn phần nào.
Quán Tân Tòng Lợi còn có nhiều món mì Hoa khá ngon như mì khô thập cẩm nhân tôm thịt, xá xíu ăn kèm với hoành thành rất ngon, sủi cảo (ăn khô hoặc nước)... Hương vị được nêm khá vừa theo gu miền Nam, tức là có một chút ngọt nơi hậu vị, nhưng không vì vậy mà mất đi nét đặc trưng của món Hoa.
Sủi cảo tôm là món được yêu thích nhất của quán này. Miếng sủi cảo to kẹp con tôm tươi chất lượng bên trong, khi cắn vào có vị dai mà ngọt lừ của thịt. Người Sài Gòn có đôi chút bối rối khi dọn lên cùng lúc 2 món sủi cảo và hoành thánh có hình thức khá tương đồng. Cách phân biệt đơn giản nhất là "sủi cảo nhân tôm, hoành thánh nhân thịt", nhưng xem ra có vẻ chưa ổn lắm.
Trong phần comment, một độc giả chia sẻ nguồn gốc, tên gọi và cách phân biệt 2 món này với Sài Gòn Ẩm Thực: "Món sủi cảo nhân tôm, không ai gọi như vậy mà phải là "há cảo" ("cảo" là tên loại bánh vỏ bằng bột mì gói nhân, nếu nhân tôm thì gọi là "há cảo" vì "há" là tôm). Còn "sủi cảo" là bánh cảo chan nước dùng ("sủi" là tiếng Quảng Đông của chữ "thủy", nghĩa là nước). Bánh cảo thì người Hoa (Quảng Đông) gọi là "cảo chảy", cho nên bảo "sủi cảo" có thể ăn khô hay ăn nước là không đúng, vì đã là "sủi cảo" thì chắc chắn là phải ăn nước rồi. Còn "vằn thắn" hay "hoành thánh" thì đó là tiếng Quảng Đông được Việt hóa của loại bánh mà âm Hán Việt gọi là "Hồn đồn", chứ không liên quan đến chữ "vân thôn" (chữ này nếu có thì phải dịch ra tiếng Việt là "mây nuốt" chứ không phải là "nuốt mây").
Một địa chỉ khá thú vị giữa khu trung tâm Sài Gòn. Món ăn khá chăm chút, giá cả lại vừa phải, đủ hấp dẫn số đông thực khách muốn thưởng thức trào lưu "vịt tiềm chiên giòn" độc đáo chỉ có ở Sài Gòn.
P.V
Tân Tòng Lợi
311 Võ Văn Tần, phường 05, quận 03
Mở cửa: từ 6h sáng đến 12h khuya
Giá bán: Mì vịt tiềm chiên giòn (72.000đ/phần), sủi cảo tôm (35.000đ/tô), mì khô thập cẩm (52.000đ/tô)
Bình luận (0)