Ngổn ngang nỗi lo tết đến

Thảo Phương
Thảo Phương
03/01/2024 06:00 GMT+7

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, người người đang hối hả giải quyết công việc cuối năm với mong muốn có một cái tết ấm no. Thế nhưng với những công nhân mất việc, người lao động bị cắt giảm giờ làm họ đang quay quắt với nhiều nỗi lo.

"Năm nay mất tết rồi"

Tờ mờ tối, người viết tìm đến xóm trọ công nhân trên đường Trần Thanh Mại, P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM). Trong căn phòng trọ nhỏ khoảng 20 m2 gia đình 4 người nhà chị Lê Thị Bích Trâm (37 tuổi), đang chăm chú xếp từng chiếc áo mưa bỏ vào bịch.

Ngổn ngang nỗi lo tết đến- Ảnh 1.

Những công nhân mất việc, người lao động bị cắt giảm giờ làm, họ đang quay quắt với nhiều nỗi lo

THẢO PHƯƠNG

Chị Trâm kể trước kia vợ chồng chị đều làm công nhân nhưng vào tháng 6 năm nay trước làn sóng cắt giảm nhân sự, không may chị bị mất việc. "Lúc trước tôi làm ở Công ty PouYuen (Q.Bình Tân, TP.HCM), lương khá ổn định, nhưng từ khi bị mất việc cuộc sống như đảo lộn. Rồi đến tháng 9 chồng tôi cũng mất việc, vợ chồng chật vật đi xin việc khắp nơi nhưng không công ty nào nhận", chị Trâm kể lại.

Vì không xin được công việc mới nên vợ chồng chị Trâm dò hỏi rồi nhận áo mưa về xếp để kiếm tiền sống qua ngày. Dù tiền công ít ỏi nhưng đã giúp nuôi sống cả gia đình chị trong gần nửa năm nay. "Vợ chồng mình ngồi xếp quần quật từ sáng đến tối nhưng mỗi ngày cũng chỉ được hơn 100.000 đồng. Tính ra mỗi tháng chỉ được hơn 3 triệu đồng", chị Trâm cho biết.

Với số tiền công ít ỏi ấy chị Trâm phải tính toán chi li từng đồng để chu toàn mọi thứ trong nhà, từ tiền phòng trọ, ăn uống cho đến học phí cho 2 đứa con. Từ ngày mất việc, gia đình chị chắt bóp chi tiêu hết mức có thể. Chị Trâm kể không cho con ăn sáng ở ngoài mà nấu đồ ăn tại nhà cho cả gia đình. "Mỗi ngày chỉ dám đi chợ khoảng 50.000 đồng, mua ít cá biển về kho với đậu khuôn cho qua bữa. Nhiều nhất là tiền học cho con, nhưng cũng may lúc mất việc có được 1 khoản đền bù hợp đồng nên mới xoay xở được chứ không chả biết phải sống thế nào", chị Trâm tâm sự.

Công nhân hối hả tăng ca, đem con lên xưởng trông ‘chạy đua’ với tết

Khi được hỏi khó khăn như vậy sao anh chị không tính đường về quê, dù sao cũng đỡ bớt nhiều chi phí. Chị Trâm ngậm ngùi: "Người ta có nhà, có đất ở quê nên về còn mình không có gì, muốn cũng chẳng được. Vợ chồng mình cố gắng xoay xở thêm vài tháng nữa, năm sau mong tình hình ổn hơn, các công ty tuyển người để xin việc làm chứ cứ như thế này không cầm cự được lâu".

Thắt chặt chi tiêu đủ đường vẫn không xoay xở nổi nên với chị Trâm bây giờ không dám nghĩ đến hai chữ ăn tết. "Năm nay chắc chắn là không thể về quê ăn tết vì không có tiền. Mọi năm nhờ khoản thưởng tết, còn giờ mất việc thì coi như mất tết rồi", chị Trâm nói rồi thở dài.

Không chỉ gia đình chị Trâm mà với chị Lê Thị Ngọc Phượng (37 tuổi), ngụ P.Phú Xuân (H.Nhà Bè, TP.HCM), ăn tết cũng là điều rất xa vời. Chị Phượng làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) nhiều năm nay. "Mọi năm công ty có nhiều đơn hàng, được tăng ca, tiền lương mỗi tháng cũng khoảng 10 triệu đồng nên không khó khăn như bây giờ. Còn năm nay không tăng ca được, cộng thêm con bệnh phải nghỉ làm nên có tháng tiền lương chỉ được hơn 2 triệu đồng", chị Phượng nói.

Trong khi đó có rất nhiều khoản phải lo, cộng thêm con đau ốm liên miên nên tiền thuốc thang, viện phí đè lên vai người mẹ đơn thân. Bây giờ chị Phượng như lực bất tòng tâm khi con đang bệnh nhưng không có tiền nhập viện điều trị. "Con tôi đang bệnh, bác sĩ bảo phải đưa lên Bệnh viện Nhi đồng điều trị. Nhưng muốn nhập viện phải ứng trước 1 triệu đồng, không có tiền nên 2 mẹ con đành đi về", chị Phượng ngậm ngùi.

Với tình cảnh của mẹ con chị Phượng bây giờ tết là điều gì đó rất xa xỉ và bản thân chị cũng chẳng dám nghĩ đến. Khi được hỏi năm nay ăn tết thế nào, chị Phượng chỉ buồn bã đáp: "Tiền không có nên chẳng biết sao nữa".

Không có thưởng tết, phải chịu ‘cày’: Bán hàng, tài xế kiếm tiền thế nào?

Có tiền mới có tết

Tìm đến một xóm trọ ở đường TL16, P.Thanh Lộc, Q.12 (TP.HCM) vào thời điểm gần trưa, giờ mà lẽ ra đang đi làm, thế nhưng cả gia đình 3 người của anh Phạm Minh Chiến (33 tuổi) đều có mặt ở nhà. Quê ở tỉnh Thái Bình, anh Chiến vào TP.HCM làm việc hơn 10 năm nay. Cách đây 2 năm, anh vay người thân gần 400 triệu đồng để mua xe và làm tài xế công nghệ nhưng vì ế ẩm nên đến hiện tại khoản nợ ấy vẫn chưa trả xong.

Ngổn ngang nỗi lo tết đến- Ảnh 2.

Kinh tế khó khăn, một mình anh Chiến làm không đủ để trang trải cuộc sống

"Nếu cứ tiếp tục thế này thì thật sự không thể trả nổi, chỉ có nước bán xe thôi. Tôi cũng đang tính năm sau sẽ bán xe để trả nợ rồi chuyển sang một nghề khác chứ thế này không trụ nổi. Bây giờ làm ăn chán lắm, không ra tiền. Mỗi ngày cứ thay quần áo đi làm xong lại thay ra vì không có khách đặt xe. Trước kia chạy 1 ngày có thể được 2 triệu đồng, còn bây giờ tiền kiếm được chỉ đủ ăn", anh Chiến nói.

Mình anh Chiến làm không đủ để xoay xở vì vợ mới sinh con chưa thể đi làm. Anh kể: "Rất nhiều thứ phải lo, giờ tết đến nơi rồi mà tiền không có. Nghề này đâu có thưởng tết mà mong nên nếu làm không có tiền là điêu đứng luôn, ăn còn không đủ chứ nói gì đến tết. Giờ chỉ mong làm sao công việc được như năm ngoái, chứ còn như cả năm nay thì buồn quá".

Nhìn vào mâm cơm của đôi vợ chồng trẻ chỉ có ít rau xào và trứng chiên. "Trước kia có thể ăn ngon còn bây giờ chỉ mong no bụng", anh Chiến vừa dọn cơm vừa nói. Khi được hỏi thu nhập như vậy tiền đâu tiêu tết, anh Chiến lắc đầu nói: "Có tiền mới có tết, giờ túng quá nên thú thật chả nghĩ gì đến tết cả".

Ngổn ngang nỗi lo tết đến- Ảnh 3.

Ngoài chi tiêu tiết kiệm, chị Hiếu còn nhận thêm việc gia công về làm để kiếm tiền ăn tết

Công nhân mất việc xoay xở đủ nghề trước tết: 'Tiền ăn không có lấy đâu tiền về'

Còn với gia đình chị Lê Thị Hiếu, nhân viên Công ty PouYuen (Q.Bình Tân, TP.HCM), thì tết năm nay phụ thuộc tất cả vào tiền thưởng cuối năm. "Làm quần quật cả năm nhưng cũng chỉ đủ ăn, không tiết kiệm được đồng nào. Giờ có thưởng thì mới có tiền về quê", chị Hiếu nói.

Trừ đứa con trai út đang đi học thì cả gia đình 3 người của chị Hiếu đều làm công ăn lương. Tâm sự với người viết, chị Hiếu chia sẻ: "Bây giờ cuộc sống chật vật quá, cái gì cũng lên giá mà lương thì vẫn vậy. Nếu chỉ phụ thuộc vào lương công nhân thôi thì không đủ sống, tôi phải nhận thêm đồ để làm gia công đến 22 giờ, kiếm thêm chút đỉnh đóng tiền điện nước cũng đỡ".

Nghĩ đến tết, chị Hiếu nói: "Tết về quê tốn tiền nhiều lắm nhưng còn ông bà ở dưới nên phải về. Tiết kiệm gì thì một cái tết ít nhất cũng phải tốn 10 triệu đồng"... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.