Tiếng gọi mùa hè chóng vánh trôi qua, cho đến khi mùa đông nảy giấc trong làn khói bếp, trên núi Tình Giang vẫn còn ngôi mộ Thầy Chùa, tôi nghe người trong làng vẫn gọi như thế, mỗi khi chiều buông xuống, lũ trẻ con chúng tôi lại tụ họp ở ngôi mộ Thầy Chùa để đón đàn bò về chuồng.
Ký ức chăn bò vẫn mãi là ký ức đẹp, cũng như mùa đông, mẹ tôi hay làm món giá đậu xào với xác đậu phụng chấm xì dầu. Mùa đông những ngày mà làng tôi chỉ có một vài nhà có ti vi trắng đen, đêm vẫn chong đèn dầu mỗi khi trời bão, sẽ không bao giờ lũ trẻ chúng tôi quên, mắt môi trẻ thơ nơi đây là mắt môi của trái trâm, hoa bằng lăng tím, người trong làng nuôi nấng giấc mơ của lũ trẻ con chúng tôi bằng những câu chuyện mở đất - một câu chuyện dài.
Mà mưa ở vùng đất này luôn làm những con đường lở lói, thứ đất của núi nặng mùi rễ cây và xương người, thứ đất có màu nâu đặc, quyện cùng thứ màu trắng sáp của những chân đá vữa vôi.
Ở giữa cánh đồng nhỏ, bao bọc bởi dòng sông Xanh, về phía chân núi xóm Rừng, ngôi mộ mẹ của nhà soạn tuồng Đào Tấn nằm trên một cái gò đá. Mộ có nhiều hoa xuyến chi, ruộng nhà tôi cũng được gọi chung là ruộng gò đá, mỗi khi đi tháo nước ruộng, tôi thường nằm gác chân trên hòn đá, nằm cạnh ngôi mộ mẹ của nhà soạn tuồng nổi tiếng, nhìn lên vòm trời xanh biếc, gió thổi mê mẩn trên tóc.
Mùa gặt lúa, lũ chim dồng dộc, chim sâu, chim sắt, chim se sẻ, chim cúc bay đầy trên ruộng, chúng cũng như những người làng tôi tham gia vào vụ mùa, bởi lúc này, những con sâu, con cào cào và cả những con vật sống trong nước. Bởi lúc này, người làng tôi bắt đầu xả nước ra khỏi ruộng, thì lũ cá chui theo rãnh cày mà vào sòng tát, cảnh chim trời cá nước lộ ra rõ mồn một như trăng rằm, thế có vui không chứ!
Lúc này, lũ chim trời rời khỏi núi Tình Giang đi bắt cá lia thia, cá trắng, cá sặt, cá rô nhí, còn lũ cá tràu, cá rô phi, cá trê, cá chép thì quá to để cho bọn chim trời ăn thịt. Lũ cá cũng biết mình sắp bị bắt, nên cố nhủi vào hang cua, vào độn bùn, bởi chúng ăn côn trùng và rễ lúa, ăn chân bèo vôi, thịt chúng thơm mùi đồng ruộng.
Vui nhất là bọn trẻ con chúng tôi, đến mùa này, cứ thả bò ra bờ mương, cho chúng gặm cỏ, rồi thay nhau tát cạn những con mương nhỏ, đứa thì đi ôm rơm, đứa chuốt cọc, cắm đầu cá xuống nền ruộng, phủ rơm rồi châm lửa, cá chín cháy đen lớp vảy, mùi thơm khó cưỡng. Lũ trẻ con chúng tôi đã chuẩn bị một bịch muối ớt hiểm, cay xanh mặt, mà vẫn hít hà chấm thịt cá, những lúc như thế, mùa màng mới thi vị làm sao.
Đêm trăng lên, mẹ và hai chị của tôi ngồi uống nước để lấy sức, rồi lại gặt lúa, trong lúc trời trăng thanh gió mát, ba mẹ con ngồi lim dim mắt, thì trên gò đá, có con rết bò lên mộ, thân dài và phát ra ánh sáng, ba mẹ con ngồi ôm nhau lặng im không nói được lời nào. Một lát sau mẹ thì thào:
- Chắc bà về thăm, bà là mẹ của nhà soạn tuồng Đào Tấn.
Dòng họ ngoại tôi mê hát tuồng, ông ngoại tôi ở làng Đông Định, được người trong làng đề cử việc coi sóc một ngôi chùa cũ và tổ chức lễ hội trong những ngày cúng thanh minh, những ngày đó, lại có đoàn hát bội, hát tuồng, hát cải lương.
Mẹ tôi và hai chị của tôi đêm ấy, sau khi nhìn thấy con rết có ánh hào quang của sự thiện lành, nên trong tâm có sự kính cẩn.
Cắt lúa đêm trăng, cho đến lúc trăng tàn sau những rặng đồi núi phía tây; nơi những cây gòn vẫn còn rụng quả, thì bắt đầu dồn lúa, đến khi mặt trời vừa bén gót trên đỉnh núi Tình Giang thì cũng đã ngốn lúa xong, để khi trời đổ bòng bóng thì nghỉ ngơi - đó là cách người làng tôi làm việc, lựa lúc trời mát, có trăng sáng mà ra đồng gặt.
Ở trên ngọn núi Tình Giang có cái hang cọp, đứng trên ngọn núi nhìn qua bên kia thấy cồn nước mặn hay còn gọi là cồn chim, lại thêm núi xương cá, nằm ở cánh đồng xóm Lộc Hạ, Phước Thuận, non nước hữu tình quá đỗi. Và ngôn ngữ từ đó sinh ra, tôi nghĩ vậy, vì không lúc nào tôi thôi thao thức, thôi nhớ nhung hình bóng quê nhà...
|
Bình luận (0)