Ngọt giòn đu đủ vườn nhà

07/01/2013 16:37 GMT+7

Hằng năm cứ vào độ tháng 9, tháng 10 âm lịch, ngôi làng nhỏ ven sông của tôi dầm mình dưới những cơn mưa nặng hạt, mà các cụ thường gọi là những cơn mưa thối đất. Lũ từ thượng nguồn đổ về tràn vào ngập trắng cả cánh đồng. Nước lớn đồng nghĩa với việc chợ ngừng hoạt động và trong bữa cơm gia đình, món ăn cây nhà lá vườn xuất hiện, trong đó không thể thiếu những món chế biến từ đu đủ.

Hằng năm cứ vào độ tháng 9, tháng 10 âm lịch, ngôi làng nhỏ ven sông của tôi dầm mình dưới những cơn mưa nặng hạt, mà các cụ thường gọi là những cơn mưa thối đất. Lũ từ thượng nguồn đổ về tràn vào ngập trắng cả cánh đồng. Nước lớn đồng nghĩa với việc chợ ngừng hoạt động và trong bữa cơm gia đình, món ăn cây nhà lá vườn xuất hiện, trong đó không thể thiếu những món chế biến từ đu đủ.

Gỏi đu đủ
Gỏi đu đủ - Ảnh: N.V.Học

Theo kinh nghiệm dân gian, đu đủ không chỉ dùng làm món ăn mà còn có công dụng chữa bệnh khá hiệu nghiệm. Ăn đu đủ chín giúp nhuận tràng dễ tiêu hóa. Những hôm tôi chơi đùa với bạn bè về nhà bị cảm ho, mẹ thường ra vườn hái một chùm hoa đu đủ đực, ngắt từng cánh hoa cho vào chén, trộn với đường phèn hay mật ong rồi cho vào nồi cơm vừa cạn nước để hấp, sau đó ép lấy nước cho tôi uống. Chỉ cần uống hai ba lần như thế, cơn ho biến mất.

Một buổi trời mưa, liếc mắt ra vườn, thấy mấy quả đu đủ xanh lủng lẳng trên cây, chị cả nhanh nhảu chạy ra hái liền một lúc hai trái, đem vào nhà mấy chị em xúm xít làm món nộm. Món này khá đơn giản. Đu đủ vừa hái xuống, gọt vỏ, bỏ hạt, bào thành những sợi nhỏ ngâm nước muối chừng vài phút, vớt ra để ráo trộn với đậu phộng và một ít rau thơm là có ngay một món ăn ngon. Ngày nay để món ăn thêm hấp dẫn, người ta thường cho thêm thịt bò khô hay gan heo rim mặn vào. Tuy món nộm đu đủ của chị em chúng tôi không có thịt bò hay gan heo nhưng sao vẫn thấy ngon đến lạ. Ngon đến nỗi mỗi khi nhắc lại ai cũng thòm thèm. 

Không chỉ làm nộm, thỉnh thoảng mẹ còn dùng đu đủ kho với mắm thính để ăn cơm. Có món này thì mấy cơm ăn cũng hết. Những cây đu đủ sau mùa lũ bị long gốc, không còn khả năng phát triển, mẹ đốn xuống, tách đôi thân đu đủ, bỏ phần vỏ, lấy phần ruột cắt nhỏ đem phơi khô cho vào thúng đặt trên giàn bếp dùng làm thức ăn dự trữ. Mỗi khi có khách, mẹ chỉ với tay lên giàn bếp, vốc vài nắm ruột đu đủ khô, ngâm qua nước sôi, rồi xào với thịt heo ba chỉ. Đơn giản vậy thôi, mà ai ăn qua cũng trầm trồ khen ngon và lạ.

Giờ đây tuy sống xa quê, nhưng vào những ngày mưa dầm sùi sụt nơi phố thị, mỗi khi ngồi vào mâm cơm lòng sao cứ bồi hồi nhớ những trái đu đủ giòn ngọt nơi vườn nhà của mẹ...

Nguyễn Văn Học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.