Nguyên liệu cạn kiệt
Nhiều ngư dân phản ánh, giá cá ngừ đã giảm mạnh trong 2 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chính khiến giá loại cá này giảm mạnh là doanh nghiệp ít thu mua để xuất khẩu do Chính phủ có quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn được phép khai thác.
Như Thanh Niên đã phản ảnh trước đó, Nghị định số 37/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15.9) quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác tối thiểu là 500mm. Nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ vằn nhỏ hơn thì không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác để phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp hiện không thu mua cá ngừ vằn loại nhỏ như trước nữa nên việc tiêu thụ cá ngừ vằn chậm, kéo theo giá cá giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ở nhiều địa phương ven biển, giá cá ngừ vằn đã tụt xuống còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều tàu cá mặc dù mỗi chuyến biển đạt sản lượng nhưng do chi phí lên đến 200 - 300 triệu đồng, lợi nhuận các chủ tàu thu về gần như không còn. Do đánh bắt không có lãi nên chuyến biển vừa qua, nhiều ngư dân đã cho tàu lưới cản nằm bờ, lâm vào tình cảnh mất thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng đáng kể.
Nếu tình trạng này kéo dài, ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu. Trong khi cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Theo các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và các nước, sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải có xuất xứ thuần túy, tức là được nguyên liệu phải do tàu của quốc gia thành viên FTA đánh bắt, sản xuất tại Việt Nam. Nếu sử dụng nguyên liệu từ nguồn khác, khi xuất khẩu sang EU sẽ bị áp thuế 24%, một mức thuế rất cao, khó có thể cạnh tranh được với các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Philippines hay Ecuador, hay các sản phẩm cá ngừ giá rẻ của Trung Quốc (miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị - ATQ)…
Hiện nay nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường tăng cao vào dịp lễ cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau nhưng nguồn nguyên liệu đánh bắt trong nước dự trữ đã cạn, khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng đơn hàng.
Bao giờ mới được tháo gỡ?
VASEP khẳng định, trong thực tế, kích thước của cá ngừ vằn có chiều dài trên nửa mét thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 5 - 8% trong mỗi lô cá khai thác được. Kích cỡ thông dụng của loài di cư này là 15 - 40cm/con, và cũng là kích cỡ thương mại xuất nhập khẩu bình thường hiện nay trên thế giới.
Việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với một số loài có giá trị kinh tế được ngư dân khai thác thường xuyên và các doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Vì vậy, VASEP và nhiều tổ chức khác đã có ý kiến, kiến nghị đề nghị sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị chức năng tiến hành rà soát các quy định đã được ban hành, xem xét cơ sở khoa học của việc quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác; làm việc với VASEP, Hội Thủy sản Việt Nam, các viện nghiên cứu, chuyên gia và một số doanh nghiệp liên quan nhằm trao đổi, làm rõ các đề xuất, kiến nghị và thống nhất phương án xử lý các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản.
Qua quá trình rà soát, Bộ NN-PTNT cho rằng việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với các loài cá ngừ vằn, cá trích xương (Sardinella gibbosa), mực ống Trung Hoa (Loligo Chinensis), tôm sắt cứng (Parapenaeopsis hardwickii), cá hố (Trichiurus lepturus), quy định về trộn lẫn nguyên liệu và một số nội dung khác được quy định trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4.4.2024 là cần thiết, nhằm mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trong thực tiễn đã có những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng yêu cầu của EC, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác truyền thống của ngư dân và xuất khẩu của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Bộ NN-PTNT đã dự thảo tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai tại các địa phương.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, tờ trình đang trong quá trình tổng hợp ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11.2024. Nếu được tháo gỡ, có thể phải đến năm sau ngư dân mới có thể ra khơi khai thác trở lại.
Bình luận (0)