Y tế hội nhập quốc tế:

Ngược xuôi tìm con, về Việt Nam 'gặt hái' quả ngọt

03/09/2024 07:54 GMT+7

Các chuyên gia thụ tinh ống nghiệm của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh mang lại hạnh phúc cho hàng ngàn cặp vợ chồng Việt hiếm muộn...

Kinh nghiệm điều trị hiếm muộn nhiều năm với tỷ lệ thành công cao, ứng dụng những thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như phòng lab tiêu chuẩn "siêu sạch" ISO 5, máy nuôi phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo…, các chuyên gia thụ tinh ống nghiệm của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh không chỉ mang lại hạnh phúc cho hàng ngàn cặp vợ chồng Việt hiếm muộn, mà còn "tìm con" thành công cho những người nước ngoài, khi chất lượng điều trị rất cao và chi phí điều trị rẻ nhất thế giới.

Hồi hương tìm con

Cuối năm 2023, chị Quỳnh và chồng là anh Paul đáp chuyến bay từ Đức về Việt Nam để đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVF Tâm Anh TP.HCM), sau khi đã tham khảo rất nhiều thông tin y khoa và những trải nghiệm của các cặp vợ chồng hiếm muộn đã thành công sinh con khỏe mạnh sau khi điều trị tại bệnh viện này.

41 tuổi, gần như đã mãn kinh, dự trữ buồng trứng bằng 0, nhiều lần điều trị tại Đức thất bại, chị Quỳnh hồi hương với ngổn ngang nỗi lo và rất ít hy vọng có con bằng trứng tự thân; bởi trước đó bác sĩ ở Đức khuyên xin noãn (trứng) làm thụ tinh ống nghiệm (IVF).

 - Ảnh 1.

ThS-BS Giang Huỳnh Như tự tin chuyển phôi được nuôi cấy với chất lượng cao nhất bởi các kỹ thuật viên giỏi và thiết bị máy móc hiện đại trong phòng lab siêu sạch ISO 5 duy nhất tại Việt Nam, dự đoán tỷ lệ thành công rất cao

ẢNH: TÂM ANH

Trở về Việt Nam lần này, anh Paul chỉ lưu trú 2 tuần nên bác sĩ đã trữ đông 4 mẫu tinh trùng của anh cho quá trình IVF. Chị Quỳnh ở lại quê hương điều trị cùng ThS-BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TP.HCM, và sống trong tình cảm thương yêu, hỗ trợ chăm sóc của các nhân viên bệnh viện.

Tháng 2.2024, sau 3 tháng theo dõi và điều trị nội tiết cho chị Quỳnh, kết quả siêu âm hai bên buồng trứng xác định buồng trứng bên trái có hai nang noãn nhỏ. Mừng "hơn bắt được vàng", bác sĩ Như xây dựng riêng cho chị phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, chọc hút thu được trọn vẹn hai nang noãn trưởng thành.

Từ hai nang noãn quý giá, các kỹ thuật viên phòng lab IVF Tâm Anh đã áp dụng các công nghệ thụ tinh và nuôi cấy phôi hiện đại nhất để gìn giữ, tạo thành hai phôi ngày 3 chất lượng tốt, tiên lượng thụ tinh thành công khi xét trên chỉ số phôi nuôi cấy chất lượng. Đúng như dự đoán của các bác sĩ, chị Quỳnh đậu thai ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên. "Amazing" (quá kỳ diệu - PV), anh Paul thốt lên khi nghe tiếng tim thai nhi đập rộn rã ở tuần thứ 7, khi trở lại Việt Nam thăm vợ.

Cũng như chị Quỳnh, chị H., 29 tuổi và anh T., 40 tuổi, sống tại bang California (Mỹ), gặp không ít khó khăn trên hành trình "tìm con" suốt 5 năm. Anh T. có tỷ lệ tinh trùng dị dạng đến 80%, chị H. bị rối loạn nội tiết, kinh nguyệt thưa thớt, suy buồng trứng sớm (AMH = 0,03), lạc nội mạc tử cung, khiến khó có con tự nhiên. Họ từng thụ tinh nhân tạo (IUI) và hai chu kỳ IVF, một lần bị sẩy thai, những lần chuyển phôi sau đó không thành công, chi phí lên tới cả tỉ đồng. Khó khăn gia tăng hơn nhiều lần khi anh chị không dễ dàng đặt lịch hẹn khám với bác sĩ Mỹ, khả năng ngoại ngữ của anh chị cũng hạn chế khi giao tiếp chuyên sâu bằng tiếng Anh, và đặc biệt là chi phí vô cùng đắt đỏ.

"Lang thang" trên mạng xã hội đọc tin tức về quê nhà, chị H. tìm thấy nhiều chia sẻ của những cặp vợ chồng hiếm muộn có tình trạng bệnh lý tương tự, thậm chí nặng hơn, nhưng đã được điều trị thành công tại IVF Tâm Anh, chị H. như được thắp lên hy vọng và mạnh dạn đặt lịch tư vấn online với bác sĩ.

 - Ảnh 2.

Một cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm hạnh phúc đón con đầu lòng sau khi điều trị tại IVF Tâm Anh

ẢNH: T.A

"Thất bại khi làm IVF ở Mỹ với giá rất cao, tôi gần như bất lực, thậm chí không có ý định điều trị tiếp", chị H. tâm sự với bác sĩ khi đến IVF Tâm Anh trong lần tư vấn online đầu tiên lúc còn đang ở Mỹ. Sau khi được bác sĩ tư vấn tận tình về phác đồ điều trị, khả năng thành công, chi phí dự kiến, chị quyết định xin tạm nghỉ việc, về Việt Nam điều trị.

"Trời không phụ lòng người" và cũng không phụ niềm tin của anh chị vào trình độ cao của bác sĩ, công nghệ hiện đại tại IVF Tâm Anh, chị H. đã mang thai và sinh em bé khỏe mạnh tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Tháng 5.2024, hai mẹ con trở lại Mỹ đoàn tụ cùng chồng. "Tôi tin tưởng vào sự phát triển của y tế Việt Nam, trình độ chuyên môn của các bác sĩ trong nước. IVF Việt Nam đã phát triển vượt bậc mà giá lại rẻ hơn ở Mỹ và các nước trên thế giới rất nhiều", chị H. khẳng định sau cuộc hành trình tìm con kỳ diệu tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cho những kiều bào cùng cảnh ngộ để họ sớm có cơ hội làm cha mẹ như mình.

Bây giờ người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa hiếm muộn

Theo PGS-TS-BS Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh Hà Nội, những năm trước đây, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, bởi công nghệ khám chữa bệnh cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng, điều kiện cơ sở vật chất tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tỷ lệ thành công khi điều trị trong nước chưa cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn, kinh nghiệm điều trị hiếm muộn, đặc biệt đã sở hữu những công nghệ, thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, thậm chí vượt các nước trong khu vực về lĩnh vực này.

Y văn trên thế giới ghi nhận các trường hợp hiếm muộn trên 40 tuổi, tỷ lệ IVF thành công chỉ 5 - 10%. Trường hợp trên 40 tuổi, chỉ số AMH bằng 0 thì tỷ lệ có thai vô cùng thấp. Tuy nhiên, với những phác đồ điều trị hiện đại, cá thể hóa cho từng bệnh nhân để tối ưu khả năng thành công lên đến gần 70%. Thực tế điều trị tại hệ thống IVF Tâm Anh, nhiều trường hợp phụ nữ mãn kinh, chỉ số AMH chạm đáy như chị Quỳnh, chị H… đã được làm mẹ bằng noãn (trứng) của chính mình mà không phải đi xin noãn của người khác.

 - Ảnh 3.

Hệ thống tủ nuôi cấy phôi trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo, đặt trong phòng lab ISO 5, bên trong phòng lab ISO 6, giúp tạo điều kiện tối ưu cho phôi phát triển

ẢNH: T.A

"Đây là những kỳ tích nhờ sự kết hợp của công nghệ cao, phòng lab hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ và chuyên viên phôi học giỏi, không chỉ mang đến con số tỷ lệ thành công cao, mà còn mang đến những hạnh phúc rất nhân văn khi các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh bằng chính trứng, tinh trùng của mình", PGS-TS-BS Lê Hoàng nhấn mạnh.

Là một trong những chuyên gia "thời đầu" của ngành IVF Việt Nam, với gần 30 năm kinh nghiệm về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, PGS-TS-BS Hoàng nói: Cần 3 yếu tố để thành công trong thụ tinh ống nghiệm, gồm: chất lượng noãn, tinh trùng, sức khỏe của cặp vợ chồng; các thiết bị máy móc, công nghệ, môi trường nuôi cấy phôi; và trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực. Trong đó, yếu tố đầu tiên gần như khó thay đổi, vì thế Hệ thống IVF Tâm Anh đã nỗ lực đầu tư rất lớn vào 2 yếu tố còn lại.

Phòng "lab trong lab" siêu sạch tiêu chuẩn ISO 5 (tiêu chuẩn sạch cao nhất trong phòng thí nghiệm, hiếm có đơn vị thứ hai tại Việt Nam thực hiện được), trang bị máy móc, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, ứng dụng các phần mềm bản quyền tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và đội ngũ bác sĩ, chuyên viên phôi học giàu kinh nghiệm, được đào tạo cập nhật liên tục với thế giới về công nghệ khám, chữa bệnh trong hỗ trợ sinh sản, đã góp phần tăng tối đa tỷ lệ thành công tại IVF Tâm Anh. "Tỷ lệ thành công tại IVF Tâm Anh của chúng tôi tính trên tổng số các ca bệnh khó, bệnh hiếm, vô sinh lâu năm, thất bại nhiều lần, do đó số liệu có ý nghĩa thống kê rất cao, có thể tự hào là tỷ lệ này cao hàng đầu Việt Nam hiện nay và so với nhiều nước phát triển trên thế giới", PGS-TS-BS Lê Hoàng cho biết.

 - Ảnh 4.

Hệ thống tủ nuôi cấy phôi trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo được ví như “mắt thần” giúp chuyên viên phôi học quan sát toàn diện sự phát triển của phôi

ẢNH: T.A

Là "chủ nhân" từ thiết kế ban đầu đến vận hành, sử dụng Hệ thống khu thủ thuật và phòng lab tại IVF Tâm Anh, từ những ngày tu nghiệp tại Úc, ThS-BS Giang Huỳnh Như đã ấp ủ thiết kế đặc thù, độc nhất, bao gồm phòng nuôi cấy phôi đạt chuẩn ISO 5 bên trong phòng thao tác giao tử và phôi ISO 6, nhằm tạo môi trường siêu sạch, hạn chế đến tối đa những tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi. Từ đó giúp phôi phát triển tốt nhất.

"Nhưng tôi cũng chưa từng mơ mình và các đồng nghiệp còn có thêm những máy móc hiện đại bậc nhất như hiện nay", BS Như chia sẻ. Tất cả thiết bị trong phòng lab được nhập khẩu đồng bộ từ Đức, Nhật, Mỹ, Đan Mạch… với thế hệ mới nhất, nhiều loại chỉ duy nhất có ở Việt Nam hoặc hiếm có ở Đông Nam Á, cho tất cả các quy trình từ lọc rửa, phân loại, tạo phôi, nuôi cấy, chăm sóc, theo dõi và "tối ưu khả năng sống và phát triển khỏe mạnh của phôi".

Tại Lab IVF Tâm Anh, các chuyên gia phôi học có thể thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao cấp phục vụ quá trình hỗ trợ sinh sản, như trữ đông phôi/noãn/tinh trùng, đông tinh ít, nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), đánh giá phôi bằng AI, sàng lọc di truyền tiền làm tổ, phân tích gen…

 - Ảnh 5.

ĐỒ HỌA: TẠ CHÍ HIẾU

Một trong những "thương hiệu" của IVF Tâm Anh là "nuôi phôi công nghệ cao" giúp tiết kiệm, bảo tồn, chăm sóc từng "em bé phôi", đặc biệt ý nghĩa với các trường hợp dự trữ buồng trứng thấp hoặc tinh trùng thiếu, yếu. Bí quyết không chỉ nằm ở tay nghề cao của các chuyên gia phôi học mà còn bởi sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống tủ nuôi cấy phôi thế hệ mới, mô phỏng gần giống nhất với tử cung của người mẹ, tối ưu các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, độ pH ở mức độ "siêu tinh vi", giúp phôi phát triển tốt nhất, chất lượng phôi cao nhất.

Máy nuôi phôi được trang bị "camera siêu nét" quan sát liên tục 24/24 toàn bộ quá trình phát triển, phân chia tế bào của phôi, kết nối với máy tính có tốc độ xử lý cao tích hợp phần mềm AI. Chuyên viên phôi học có thể quan sát, đánh giá toàn bộ phôi trên từng sự thay đổi nhỏ nhất của phôi qua các hình ảnh toàn diện ghi được mà không bị áp lực thời gian, không phải đưa phôi ra bên ngoài như tủ cấy thông thường, nên không làm ảnh hưởng tới chất lượng phôi thai vốn vô cùng nhạy cảm. Đặc biệt, phần mềm phân tích phôi ứng dụng AI, với hàng tỉ dữ liệu của phôi thai được ghi nhận, sẽ đưa ra những kết quả chuyên sâu nhất về chất lượng phôi dựa trên hình thái học với độ chính xác rất cao, thậm chí AI sẽ phát hiện những vấn đề mà mắt thường không nhìn thấy, từ đó đề xuất những lựa chọn phôi tốt nhất để chuyển vào tử cung người mẹ.

"Tại IVF Tâm Anh, 100% phôi được tạo thành và nuôi cấy bằng những công nghệ, thiết bị hiện đại, như hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse, kết hợp lựa chọn phôi bằng AI và các chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp chúng tôi có được những điều kiện tốt nhất cho quá trình điều trị hiếm muộn. Trung tâm hiếm muộn có phòng lab hiện đại với các chuyên viên phôi học giỏi giống như "hổ thêm cánh" để tạo nên những kỳ tích", ThS-BS Giang Huỳnh Như khẳng định.

"Dù xuất phát điểm muộn hơn so với thế giới nhưng đến hiện tại, Việt Nam đã bắt kịp những ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu trong điều trị hỗ trợ sinh sản với những đơn vị như IVF Tâm Anh. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực đưa về những công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phục vụ khám, chữa bệnh. Chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về nhân lực và thiết bị công nghệ để triển khai kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử trong tầm soát, phát hiện sớm vô sinh hiếm muộn để giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh, tăng cao tỷ lệ thành công".

PGS-TS-BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.