Người bị tiểu đường cần làm gì để ngăn nguy cơ bị ngừng tim?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
18/10/2023 00:07 GMT+7

Khoa học đã chứng minh những người bị tiểu đường loại 2 sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn bình thường, trong đó có ngừng tim. Mắc tiểu đường càng lâu thì nguy cơ này càng cao. Một số cách có thể giúp đồng thời giảm đường huyết và nguy cơ mắc bệnh tim.

Bệnh tiểu đường và tim mạch thường đi đôi với nhau. Các chuyên gia tin rằng với người bị tiểu đường, ngoài việc kiểm soát đường huyết thì họ cần chăm sóc thêm một số cơ quan khác, chẳng hạn như tim, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

Người bị tiểu đường cần làm gì để ngăn nguy cơ bị ngừng tim ? - Ảnh 1.

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp người tiểu đường ngăn ngừa ngừng tim và nhiều vấn đề tim mạch khác

SHUTTERSTOCK

Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị ngừng tim. Để ngăn nguy cơ này, người bệnh có thể áp dụng những cách sau.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn lành mạnh là chìa khóa để giữ gìn sức khỏe. Với người bị tiểu đường, các chuyên gia khuyến cáo cần ưu tiên ăn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp, rau củ, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch.

Đồng thời, họ cần tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, thức ăn nhanh và các món có nhiều đường. Những món này đều khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và lâu dài sẽ làm nồng độ cholesterol tăng cao. Ngoài ra, người bệnh cần tránh rượu bia, đồ uống có đường, đồng thời uống đủ nước.

Duy trì cân nặng

Với người bị tiểu đường, kiểm soát cân nặng là vô cùng quan trọng. Giảm cân hoặc duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ ngừng tim và các vấn đề về tim khác.

Một người đang thừa cân hay béo phì thì hãy thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm cân thông qua ăn kiêng và tập luyện thể thao. Giảm chỉ cần từ 5-7% trọng lượng cơ thể thôi cũng giúp tạo ra những thay đổi đáng kể cho sức khỏe.

Vận động nhiều hơn

Lối sống ít vận động có thể gây nguy hiểm cho cả bệnh tiểu đường và tim mạch. Do đó, ngoài ăn uống lành mạnh thì tập thể dục là hoạt động bắt buộc phải có hằng ngày.

Các chuyên gia cho biết hoạt động thể chất sẽ giúp tăng độ nhạy insulin, từ đó giúp kiểm soát tiểu đường hiệu quả hơn. Tập thể dục tối thiểu từ 30 đến 45 phút/ngày sẽ giúp thực hiện mục tiêu này. Mọi người có thể đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe hay tập gym, quần vợt, đá bóng đều được.

Quản lý căng thẳng

Cơ thể sẽ tiết ra nhiều hoóc môn cortisol để phản ứng với tình huống gây căng thẳng. Căng thẳng kéo dài sẽ khiến nồng độ cortisol tăng cao, dẫn đến cholesterol, chất béo, đường huyết và huyết áp đều tăng.

Do đó, giảm căng thẳng rất quan trọng với người tiểu đường. Các hoạt động như yoga, thiền, nghe nhạc, đi bộ và gặp gỡ người thân, bạn bè đều có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả, theo Everyday Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.