Người bị tiểu đường dễ mắc loại ung thư nào?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
22/11/2023 04:04 GMT+7

Nếu không thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường loại 2, người mắc sẽ có nguy cơ đối diện với hàng loạt biến chứng và nhiều căn bệnh khác, trong đó có ung thư.

Tiểu đường và béo phì có liên quan mật thiết với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường. Những người mắc tiểu đường và béo phì cùng lúc sẽ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng và tử vong vì căn bệnh này, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Người bị tiểu đường dễ mắc loại ung thư nào ? - Ảnh 1.

Người bị tiểu đường cần khám sàng lọc định kỳ ung thư đại trực tràng theo khuyến cáo của bác sĩ

SHUTTERSTOCK

Ung thư đại trực tràng thường bắt đầu ở đại tràng hoặc trực tràng. Các tế bào ung thư sẽ hình thành và bắt đầu phát triển không kiểm soát, gây ra hàng loạt các triệu chứng như đi tiêu ra máu, táo bón, tiêu chảy kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, suy nhược và một số triệu chứng khác.

Nhiều nghiên cứu cho thấy lối sống ít vận động, ăn ít chất xơ và nhiều chất béo có hại đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và tiểu đường loại 2. Ngoài ra, tiểu đường và ung thư đại trực tràng cũng có liên kết với nhau.

Đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm khắp cơ thể. Viêm nhiễm và đường huyết cao sẽ tạo điều kiện cho tế bào ung thư ở đại trực tràng dễ phát triển hơn.

Không những vậy, cơ thể người bị tiểu đường sẽ kháng insulin, khiến nồng độ insulin trong máu tăng lên. Tình trạng này gọi là tăng insulin máu. Trên thực tế, insulin có tác dụng như một loại hoóc môn tăng trưởng và nó có thể kích thích tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san JAMA Network cho thấy những người bị tiểu đường đối diện nguy cơ xuất hiện ung thư đại trực tràng cao hơn trong 5 năm sau đó. Vì vậy, khám sàng lọc thường xuyên đóng vai trò cực kỳ quan trọng với người bệnh tiểu đường.

Nội soi đại trực tràng là một trong những biện pháp phổ biến nhất để xác định xem liệu bên trong đại trực tràng có khối u bất thường hay không. Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng cần thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa ung thư.

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là 2 thói quen mấu chốt giúp kiểm soát đường huyết, tránh xa ung thư, bệnh tim, đột quỵ cùng nhiều căn bệnh khác. Người bệnh cần ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch và tránh xa các món có nhiều đường, tinh bột và chất béo có hại.

Duy trì tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp kiểm soát đường huyết cực kỳ hiệu quả mà còn giúp giảm cân và có thân hình cân đối, săn chắc, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.