Những thay đổi ấy chẳng ai khác chính là từ anh Lê Ngọc Thuận, người đã bỏ hơn 7 năm để nghiên cứu, thuyết phục giúp đỡ người dân xóm chài An Bàng (xã Cẩm An, TP.Hội An, Quảng Nam) xây dựng và kinh doanh homestay từ chính ngôi nhà của mình.
Bước đầu, anh Thuận thuê đất của bà con, dựng thành những ngôi nhà, và điều đặc biệt từng ngôi nhà ấy anh kể một câu chuyện riêng gắn với những kỷ niệm của gia chủ; nào Nhà chuối, bởi nhà có khu vườn trồng chuối; nào Nhà con sóc, Nhà sồi, Nhà ẩn giấu.
Người dân An Bàng ví anh Lê Ngọc Thuận như thuyền trưởng bởi từ khi bắt đầu đến nay, xóm chài ven biển An Bàng vẫn chưa tin rằng cuộc sống của gia đình mình đã đổi thay nhanh chóng như thế. Những bãi rác trên bờ biển đã không còn. Những ngôi nhà đơn sơ, xiêu vẹo trước kia nay trở thành những ngôi nhà homestay thân thiện.
Homestay được anh Thuận trang trí bằng rác vớt ở biển |
Chị Văn Thị Mai, một cư dân làng chài, chia sẻ: “Chú Thuận đã xây nên ngôi nhà với những căn phòng mà trước đó có lẽ cả cuộc đời chúng tôi chưa dám ước mơ. Chú tư vấn cho con gái lớn của tôi đi học quản trị du lịch, cấp học bổng cho con gái thứ ba đang học lớp 9. Ba đứa con của tôi đều được chú động viên rồi cho đi học lớp tiếng Anh miễn phí. Giờ đứa nào cũng giao tiếp khá tốt với người nước ngoài, về nhà còn hướng dẫn cha mẹ. Tôi cho chú thuê đất làm homestay, chú thuê vợ chồng tôi làm phục vụ, trông coi ngôi nhà. Chúng tôi cố gắng tiết kiệm, sau này các cháu lớn, sẽ mua lại những căn phòng homestay của chú Thuận để các cháu tiếp tục kinh doanh”.
Không chỉ riêng gia đình chị Mai, trong 5 năm qua và cho đến giờ, anh Thuận đã nhận đỡ đầu và cấp học bổng cho khá nhiều trẻ nhỏ của An Bàng có cơ hội đến trường.
5 năm trước, khi khu homestay đầu tiên anh Thuận dựng lên với tên gọi “An Bang Seaside Village” (Làng du lịch ven biển An Bàng) đã bắt gặp những cái nhìn e ngại của người dân. Bởi với người dân An Bàng, nhà được truyền đời từ thế hệ này đến thế hệ khác, họ chỉ biết ra khơi bám biển, chứ làm du lịch thì... nghe xa xôi quá. Anh Thuận cứ bền bỉ làm, rồi vận động bà con.
Anh chia sẻ: “An Bàng chỉ là một làng nhỏ, nghèo khó. Thuyền ghe nhỏ nên bà con chỉ đi đánh bắt gần bờ, thu nhập chẳng đáng là bao. Mình đến tận nhà, động viên mọi người. Để thuyết phục được, mình phải làm ra sản phẩm và hơn tất cả là phải đưa bà con nơi đây cập nhật với khối tri thức của thế kỷ 21”.
Ngày mới, mặt trời đỏ ửng phía chân trời, đôi bàn chân bước đi trên bãi biển An Bàng, sóng rập rờn xô bờ cát mịn, những bông cỏ lông chông bị gió cuốn đi, quang cảnh sạch sẽ. Anh Thuận nhìn những du khách đông lên mỗi ngày mới cảm nhận hết sự đổi thay của làng chài. Bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với biển như không hề biết có một ngày quê mình sẽ trở thành làng du lịch. Và người dân nơi đây luôn nhắc đến cái tên Lê Ngọc Thuận với đầy sự ngưỡng mộ và biết ơn “người biến xóm chài thành ngôi làng cổ tích”.
Anh Thuận đặt mô hình ngôi biệt thự mơ ước lên chiếc bàn nhựa màu đỏ đậm của quán nước ven sông Hoài, trước cái nhìn sững sờ của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập nhiều khu công nghiệp sáng tạo. Ông Thanh nhớ lại: “Biết tôi là kiến trúc sư, thanh niên làng An Bàng này nhờ tôi góp ý cho cái villa Thuận sắp xây. Mô hình làm bằng que tre trông như kiểu trò chơi trẻ con”.
Từ ngoài bước vào từng căn nhà, ngắm từng góc vườn, xác định làm mô hình du lịch cộng đồng, Thuận đặt mình vào địa vị là người hưởng thụ dịch vụ. Vậy là nhiều ý kiến xoay vần trong đầu anh. Phải cung cấp cho khách hàng cái gì, và họ cần điều gì? Trong lần lang thang từ làng ra biển An Bàng, anh Thuận nhận ra rằng xưa An Bàng chỉ là một làng biển đơn thuần, nhưng nét văn hóa lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Làng nhỏ, những căn nhà gỗ ba gian đượm màu thời gian. Buổi tối, cảnh những người vợ, người con giúp cha dong thuyền ra khơi. Sáng sớm họ lại hồ hởi ra bờ biển để đón những chiếc thuyền về đầy cá tôm. Khung cảnh bình dị thân thương ấy giúp anh Thuận “vẽ” nên bức tranh cho cư dân nơi đây, khi điền vào chỗ trống trong những khoảnh vườn, bãi cát không còn chút rác thải, những căn phòng, ngôi nhà đượm màu sắc của một làng biển An Bàng.
Anh Lê Ngọc Thuận |
TGCC |
Công thức homestay của anh Thuận được chỉnh dần dần nhưng vẫn theo nguyên lý cơ bản, phải làm sao ngôi nhà đó Hội An nhất, An Bàng nhất. Những đồ vật trang trí trong phòng, anh Thuận đều tận dụng từ rác, như mảnh gỗ đã bị bỏ đi hay những mảnh lưới đánh cá bị rách anh nhặt được trên bờ biển… Chính những điều đó đã làm cho bờ biển của An Bàng trở nên sạch hơn.
Anh Thuận tâm sự: “Ở Hội An này không chỉ riêng tôi biến rác thành vật dụng mà phải nhắc đến anh bạn thân của tôi, Trần Văn Khoa. Anh ấy đã mở du lịch sinh thái thu hút khách du lịch trả tiền để được trải nghiệm nhặt rác tại rừng dừa Cửa Đại”. Khi mở homestay, anh luôn giữ khu vườn nhiều cây, giữ cho khung cảnh thật tự nhiên và hài hòa như ban đầu của nó. Bởi vậy, trong những ngôi nhà mà anh Thuận thuê đất để xây rồi kinh doanh, những vườn khế, giếng nước lâu năm đều được giữ lại trọn vẹn.
“Cả làng An Bàng dùng nước ở cái giếng đó từ thời tổ tiên cho đến khi có nước máy thì không dùng nữa. Giờ mình vẫn giữ cái giếng cổ tích của ông bà xưa để lại. Ông thần giếng ở đó mà phá đi sao được. Mình giữ lại là di tích, di sản”, bà Nguyễn Thị Phương Ni, một cư dân nói.
PGS-KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, đánh giá cao các công trình kiến trúc của anh Thuận. “Tổ tiên của mình đã làm thế. Người ta cứ tự sáng tạo gọi là kiến trúc dân gian và nó tồn tại vĩnh cửu, nó làm nên dân tộc mình. Kiến trúc mà có thiết kế như mình đang xem là người Tây mới đưa vào hơn trăm năm nay thôi. Lâu rồi không thấy một người tự tạo ra các kiến trúc dân gian như vậy. Câu chuyện đó sẽ khuyến khích người yêu kiến trúc, tự tạo kiến trúc của mình. Chính họ sẽ là người khơi nguồn một nền kiến trúc dân gian đã bị lãng quên”. Điều đặc biệt như được nhân lên, cộng đồng làng chài ven biển An Bàng vào tháng 5.2017 đã vinh dự được Tổng cục Du lịch VN trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018 cho cụm homestay ven biển An Bàng.
Theo anh Thuận, làm du lịch cộng đồng, yếu tố tiên quyết không phải là tiền. Bởi nếu có nhiều tiền, mình dựng lên những căn biệt thự 3 - 4 tầng, xếp đặt trong nhà những tiện nghi đắt tiền, thì không thể thu hút khách bền vững. Nếu thế, họ tìm chọn khách sạn trên phố, chứ về homestay làm gì. Vậy phải phát huy vốn văn hóa của người dân xóm chài, họ làm theo mình cũng đồng nghĩa với việc họ đang giữ văn hóa của cha ông họ để lại. Đời họ làm tốt, đời con họ sẽ tiếp nối. Và khi thấy cộng đồng ấy có đời sống tinh thần, vật chất tốt, thì chính quyền sẽ có những chính sách bảo tồn, gìn giữ. Và điều quan trọng là ý thức của người dân sống nhờ biển đã biết quý trọng biển.
Bình luận (0)