Người bỏ thuốc diệt chuột vào nồi bún riêu ‘đối thủ’ đối mặt tội danh gì?

26/12/2016 13:40 GMT+7

Các chuyên gia pháp lý nhận định hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi bún riêu của “đối thủ” vì tranh chấp đất đai là sự hạn chế về nhận thức pháp luật, thích 'tự xử' các tranh chấp dân sự.

Như Thanh Niên đã thông tin, rạng sáng 25.12, bà Trần Thị Bạch Tuyết (37 tuổi, ngụ phường Tân Phú, Q.9, TP.HCM) đang nấu nồi nước lèo bán bún riêu thì tranh thủ đi lấy đồ. Lúc về, bà Tuyết phát hiện nồi nước lèo có màu, mùi khác thường.
Nghi ngờ có người bỏ thuốc độc vào nồi nước lèo, bà Tuyết đã ngưng bán và trình báo công an. Qua trích xuất hình ảnh camera, công an phát hiện trong khoảng thời gian bà Tuyết không có mặt, bà Đ. đã mở nắp nồi nước lèo thả vào một vật gì đó rồi bỏ đi.
Tại cơ quan điều tra, bà Đ. thừa nhận hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún riêu của bà Tuyết do tranh chấp đất đai.
Tự xử nhưng có thể giết người
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP. Hà Nội) nhận định, trong sự việc này, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữa bà Đ. và bà Tuyết là những tranh chấp dân sự. Thế nhưng có thể vì bực tức quá, nhận thức pháp luật có phần bị hạn chế do lớn tuổi nên bà Đ. đã "tự xử" bằng cách bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún riêu của bà Tuyết.
"Có thể thấy hành vi này của bà Đ. là rất nông nổi, từ việc "tự xử" để giải quyết tranh chấp đất đai, bà Đ. đã cho thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún riêu của bà Tuyết. Đây là hành vi có thể nguy hiểm đến sức khoẻ tính mạng của người khác, có thể gây chết người. Mặc dù hậu quả chưa xảy ra, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Do đó có thể bà Đ. sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự", LS Quynh phân tích.
Theo LS Quynh, trường hợp này, bà Đ. có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người theo Điều 93 và xem xét hành vi Phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS 1999.
Cụ thể, Điều 18 BLHS 1999 quy định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt".
Nồi nước lèo được niêm phong để phục vụ công tác điều tra Ảnh: Công Nguyên
Đồng quan điểm, LS Lê Ngọc Luân (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, cách bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún riêu của bà Đ. từ những tranh chấp dân sự là rất nguy hiểm. "Hành vi này có thể gây chết người và có dấu hiệu phạm vào tội Giết người, do hậu quả chưa xảy ra nhưng bà Đ. vẫn bị xử lý nếu cơ quan điều tra chứng minh được các dấu hiệu cấu thành tội phạm", LS Luân nói. 

Một số người dân nhận thức pháp luật vẫn còn hạn chế nên đã "tự xử" các tranh chấp dân sự với nhau. Việc làm này rất nguy hiểm và coi thường pháp luật

Luật sư Huỳnh Công Thư

LS Luân phân tích, bà Đ. có thể hiểu rằng thuốc diệt chuột là một thứ gây ra hậu quả chết người nhưng bà vẫn cố ý bỏ vào nồi nước lèo để nhằm mục đích đổ tội qua cho bà Tuyết. Giả sử trong trường hợp này bà Tuyết không biết bà Đ. đã đổ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo mà cứ vậy bán cho nhiều người thì hậu quả cực kỳ nguy hiểm.
Coi thường pháp luật
LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cũng nêu ý kiến: "Một số người dân nhận thức pháp luật vẫn còn hạn chế nên đã "tự xử" các tranh chấp dân sự với nhau. Việc làm này rất nguy hiểm và coi thường pháp luật".
Theo LS Thư, hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo của bà Đ. có thể làm chết nhiều người, mặc dù bà Đ. không nhắm vào ai. Việc chưa xảy ra hậu quả chết người do phát hiện kịp thời không phải là tình tiết giảm nhẹ của bà Đ.
Thay vào đó, bà Đ. được hưởng chế định phạm tội chưa đạt và khung hình phạt cao nhất là không quá ¾ mức phạt được quy định tại Điều 93 BLHS 1999 về Tội giết người”.
Bà Đ. tại cơ quan điều tra Ảnh: Công Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.