Trong đó, nhu cầu sử dụng chế phẩm máu nhóm hiếm cũng tăng đột biến. Năm 2023, Viện HH-TM T.Ư đã nhận được dự trù chế phẩm máu từ các cơ sở y tế lên đến 668 đơn vị nhóm hiếm (gồm 414 đơn vị khối hồng cầu và 154 đơn vị khối tiểu cầu). Số lượng này cao hơn nhiều so với năm 2022 (350 đơn vị nhóm hiếm) và cao chưa từng có so với trước đây.
Lượng máu nhóm hiếm sẵn có tại viện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu; số còn lại viện phải huy động, mời gọi người hiến máu nhóm hiếm. Đặc biệt, chế phẩm tiểu cầu chỉ có thời hạn bảo quản tối đa 5 ngày, nên viện không dự trữ sẵn mà chỉ huy động khi có dự trù. Ngoài ra, việc hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng của người hiến, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (trung bình 70 - 90 phút một lần hiến, trong khi hiến máu toàn phần chỉ cần khoảng 5 phút).
TS-BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu quốc gia - Viện HH-TM T.Ư, cho biết một trong những nhóm máu hiếm thường gặp ở nước ta là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15 - 40% dân số.
TS Quế thông tin: Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của các kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu mà phân loại thành các nhóm máu khác nhau. Một kháng nguyên nhóm máu hay kiểu hình (gọi tắt là nhóm máu) có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.
Tần suất xuất hiện của nhóm máu và kiểu hình nhóm máu ở các chủng tộc, khu vực và các quốc gia rất khác nhau. Do đó, nhóm máu này có thể là hiếm ở người da trắng, nhưng chưa chắc đã hiếm ở người châu Á và ngược lại.
"Vì vậy, người mang máu hiếm không phải là mắc bệnh", TS Quế khẳng định, đồng thời chia sẻ các cha mẹ có nhóm máu Rh(D) âm nên xét nghiệm xác định nhóm máu cho con, đặc biệt là với con gái, để khi mang thai cần được lưu ý hơn trong theo dõi sức khỏe thai kỳ.
Bình luận (0)