Người có tài ‘hô biến’ những món đồ cũ thành mới toanh

25/07/2024 16:25 GMT+7

Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (33 tuổi, ngụ ở TP.Đà Lạt) đã nâng cấp nhiều bộ đồ cũ khó sử dụng tiếp được thành đồ dùng có giá trị, được cư dân mạng bấm like vì sản phẩm quá độc đáo.

Đổi cuộc đời cho quần áo cũ

Cứ cuối tuần, Ni thường ghé tiệm cà phê của bạn để đến tặng đồ. Một lần, trong lúc ngồi chơi uống nước, cô thấy hai bạn nhỏ hân hoan, hò reo vui sướng khi phát hiện một gấu bông đồ cũ mà cô vừa xếp ra tặng. Ni cảm thấy hạnh phúc.

Lúc đó, cô nhen nhóm ý nghĩ làm món đồ gì đó thủ công, có giá trị từ quần áo cũ mọi người mang tặng để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Cô nghĩ rằng nếu người tặng đồ biết rằng những món đồ mà họ cho đi sẽ được kéo dài vòng đời, tăng giá trị, lại góp phần bảo vệ môi trường, chắc hẳn họ sẽ vui lắm.

Người có tài ‘hô biến’ những món đồ cũ thành mới toanh- Ảnh 1.

Mỗi khi rảnh rỗi, Ni thường ngồi làm chăn bông từ những bộ quần áo cũ

NVCC

Người có tài ‘hô biến’ những món đồ cũ thành mới toanh- Ảnh 2.

Ni hy vọng việc làm nhỏ của cô có thể truyền cảm hứng cho mọi người sống xanh hơn

NVCC

Cô bèn chọn một vài món đồ cũ kỹ từ nhiều loại vải khác nhau. Sau đó, cô sắp xếp, phối thành một tổng thể hài hoà, cân đối về màu sắc bố cục để làm một chiếc chăn chần vải quilt. Đây là nghệ thuật chần vải có nguồn gốc từ Mỹ, có nghĩa là may ghép các mảnh vải nhỏ thành những vật dụng lớn.

Chiếc chăn này được cô làm khoảng 5 tháng do công việc khá bận rộn. Lâu lâu cô mới mang ra làm một chút. Sau khi chiếc chăn ra đời, Ni quyết định giữ lại để tặng cho con gái, làm kỷ niệm và gom góp thêm vải để sáng tạo nhiều chiếc chăn khác tặng mọi người.

Ni còn làm nhiều món đồ khác từ vải cũ để tặng cho những người cần. Chẳng hạn như chiếc đầm secondhand có hai vết rách, cô bèn "hô biến" thành những món đồ mới toanh, có giá trị hơn và góp phần nhỏ để bảo vệ môi trường. Ni tận dụng chiếc cổ áo có sẵn, thêu thêm vài cành hoa xinh để biến thành cổ áo rời cho con gái. Phần vải lớn được cô biến thành túi xách, khăn ăn. Phần vải nhỏ hơn, cô nghiên cứu làm gấu bông, lót ly, gối cắm kim, túi rút… Những chiếc vải vụn sẽ được tận dụng triệt để để làm kẹp tóc, túi áo.

Ngoài nguyên liệu chính từ chiếc đầm rách kể trên, những nguyên liệu khác đều được cô dùng từ vật liệu tái chế như bông gòn lấy từ gối cũ, dây ren trang trí, dây ruy băng cột vỏ mền cũng được tận dụng từ các sản phẩm khác, dây chuông nhỏ được lấy từ hộp kẹo bạn cô tặng…

"Từ những vật liệu đơn giản, thêm một chút sáng tạo, một chút khéo tay và tình yêu môi trường, mình đã nâng cấp giá trị và trao cho chiếc đầm cũ vòng đời mới. Mình hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn tạo ra những thứ tuyệt vời hơn trên nền tảng sẵn có và đem lại giá trị tốt hơn cho môi trường", cô chia sẻ.

Nâng cấp sản phẩm thay vì tái chế

Ni cho biết hoạt động của cô làm là nâng cấp thay vì tái chế. Nhiều người hiểu lầm nâng cấp thay vì tái chế là một, tuy nhiên đây là hai khái niệm và phương thức khác nhau. Tái chế có ý nghĩa là tái sử dụng hoặc tái sửa chữa một cái gì đã cũ để có thể sử dụng nó cho những lần sau. Trong khi đó, nâng cấp được hiểu là quá trình sáng tạo, chế tác đồ vật cũ trở thành một sản phẩm mới hoàn toàn, với tính thẩm mỹ cao và ứng dụng độc đáo hơn so với sản phẩm cũ.

Người có tài ‘hô biến’ những món đồ cũ thành mới toanh- Ảnh 3.

Tấm chăn của cô khiến dân mạng mê mẩn do có nhiều màu sắc độc đáo

NVCC

Người có tài ‘hô biến’ những món đồ cũ thành mới toanh- Ảnh 4.

Cô còn làm thêm vỏ bao gối từ những miếng vải ghép

NVCC

Ni thường nâng cấp giá trị cho các món đồ cũ bằng cách thẩm định các nguồn dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có như màu sắc, chất liệu, kích thước… Sau đó, cô gái bắt đầu phác thảo ý tưởng trong đầu. Rồi cứ thế, cô thêm nhiều tình yêu, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, một chút khéo tay để các sản phẩm mới ra đời. Cô cảm thấy rất thư giãn và sáng tạo trong việc nâng cấp giá trị của vải vụn chứ không hề gặp bất kỳ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ni cho biết trong thời điểm trái đất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ngành thời trang đã chịu rất nhiều tai tiếng trong việc này vì có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó đứng thứ hai trong việc gây ô nhiễm cho môi trường, chỉ sau ngành dầu mỏ. Xét về khía cạnh môi trường, việc sử dụng các sản phẩm cũ và nâng cấp chúng khiến cho vòng đời của quần áo được kéo dài cũng là cách khai thác tối đa được công năng của nó. Từ đó, ta có thể hạn chế được rất nhiều các nguyên liệu thải ra trong quá trình sản xuất sản phẩm mới, giảm thiểu lượng lớn rác thải thời trang ra môi trường, góp phần giúp cho hành tinh của chúng ta trở nên xanh - sạch - đẹp.

"Nghe có vẻ vĩ mô, nhưng nếu mọi người có cùng tư tưởng và hành động thì mọi thứ đều có thể hiện thực hóa, mang lại hiệu quả rõ rệt. Mình hy vọng việc làm nhỏ của mình có thể lan tỏa niềm cảm hứng tái chế và tình yêu môi trường cho mọi người", cô nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.