Người Công giáo đón lễ Phục sinh: Thứ sáu tuần Thánh, ăn chay có gì khác?

15/04/2022 09:02 GMT+7

Bên cạnh lễ Giáng sinh (Noel) mà cả thế giới đều biết thì Lễ Phục sinh là một trong 2 dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Công giáo, thường diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm (tùy năm). Đây là dịp tưởng niệm ngày Chúa Giê su chịu chết và sống lại.

Cùng với lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh là dịp lễ quan trọng của người theo Công giáo. Vào dịp này, các nhà thờ không trang hoàng như Giáng sinh nhưng có nhiều hoạt động tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê su.

Lễ Phục sinh là gì?

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, Trưởng ban Bảo vệ sự sống, Giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, lễ Phục sinh năm 2022 là ngày 17.4 (chủ nhật). Đây là dịp mừng Chúa sống lại, phục sinh là niềm tin lớn nhất của người theo đạo Công giáo.

Kinh thánh của đạo cho biết Chúa Giê su là con của đấng tối cao tạo nên muôn loài, cái chết của Ngài là chuộc tội cho tội lỗi của loài người. Lễ này cũng là dịp kỷ niệm các giao ước mới giữa loài người và đấng tối cao.

Lễ Phục sinh năm 2022 là ngày 17.4, tức chủ nhật

độc lập

Vị Linh mục cho rằng, lễ Phục sinh cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta rằng đời người chóng qua, nhưng chết không phải là hết. Còn khi sống thì phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Do đó, vào dịp này, các giáo phận thường nhắc lại 3 chủ đề lớn của mùa chay Thánh là: cầu nguyện, hi sinh hãm mình và làm việc bác ái.

Theo Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, trước lễ Phục sinh 40 ngày là ngày bắt đầu mùa chay vì Chúa đã ăn chay 40 ngày trong sa mạc để chuẩn bị công cuộc rao giảng của Người. Tuần cuối của mùa chay là Tuần Thánh.

Trong Tuần Thánh, người Công giáo thường ăn chay kiêng thịt hãm mình vào ngày thứ sáu. “Người Công giáo ăn chay chỉ kiêng thịt vì quan niệm chỉ con người mới có tâm linh, con vật không có. Mọi thứ khác đều là để phục vụ con người. Ngày ăn chay người Công giáo chỉ ăn 3 bữa chính (không ăn vặt ngoài bữa ăn. Trong đó, 1 bữa ăn no, 2 bữa còn lại ăn ít vừa đủ năng lượng), ăn chỉ đủ sức khỏe không ăn no như ngày thường. Ở châu Âu thịt là món ăn hằng ngày nên vào ngày này người Công giáo kiêng thịt để hãm đi mong muốn của mình, lấy tiền đó làm việc bác ái. Kiêng các thứ thịt loài vật máu nóng: như trâu, bò, heo, gà, vịt… (loài có vú và chim) nhưng được ăn trứng và các thứ biến chế từ sữa, còn lại đều có thể ăn bình thường”, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch giải thích.

Các hoạt động trong lễ Phục sinh

Theo Trưởng ban Bảo vệ sự sống, Giáo phận Xuân Lộc, một năm có 2 dịp người Công giáo ăn chay kiêng thịt là thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong phụng vụ của Giáo hội.

Vào thứ sáu Tuần Thánh, người Công giáo ăn chay kiêng thịt vì Chúa Giê su đã chịu nạn và chịu chết trong ngày này để đền tội cho nhân loại và mở đường cứu rỗi cho mọi người. Do đó, có lệ kiêng thịt ngày thứ sáu trong Tuần Thánh.

Ngoài ra, dịp Lễ Phục sinh ở các nhà thờ còn có Lễ Lá được cử hành vào chủ nhật mở đầu Tuần Thánh, lễ Rửa Chân, diễn hoạt cảnh Chúa bị đóng đinh, trang trí trứng phục sinh,…

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch giải thích, người tham dự lễ đi đàng Thánh Giá dịp này sẽ được ngắm 12 bức hình mô tả từng giai đoạn của Ngài Giê su từ khi bị bắt tới khi Ngài qua đời.

Lễ Phục sinh là 1 trong 2 lễ lớn của Công giáo

Độc lập

Lễ Lá là ngày kỷ niệm Chúa Giê su tiến vào thành Giê ru sa lem trước khi chịu khổ hình. Lễ Lá rơi vào chủ nhật trước ngày lễ Phục sinh khoảng 1 tuần. Thông thường các nhà thờ sẽ dùng lá cọ, lá dừa cho buổi Lễ Lá này nhưng nếu không có thì có thể thay bằng các loại lá khác. Sau lễ, mọi người cầm lá đã được làm phép, đưa lá về nhà.

Hoạt động rửa chân được các nhà thờ tổ chức trong thánh lễ vào chiều thứ năm của Tuần Thánh, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ để dạy cho con người biết sống khiêm nhường. Còn hoạt cảnh Chúa bị đóng đinh thường được các Giáo xứ diễn lại để nhắc lại biến cố vào thứ bảy Tuần Thánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.