41.000 'Thiên sứ' chưa kịp ghé trần gian, các con cứ yên nghỉ vì có cha!

29/06/2020 12:05 GMT+7

Người ta nói những thai nhi bị phá bỏ là rác thải y tế độc hại, nhưng người cha đặc biệt này tin rằng những sinh linh đó đều là con người nên đã đi xin 41.000 thai nhi chưa kịp 'ghé' đến trần gian suốt 10 năm qua để về an táng.

Bằng tất cả tình yêu thương, suốt 10 năm qua, linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, phụ trách bảo vệ sự sống của Giáo phận Xuân Lộc đã đi xin 41.000 thai nhi bị phá bỏ về cầu nguyện và an táng. Với người cha đặc biệt này, những đứa trẻ xấu số bị tước quyền cất tiếng khóc chào đời đều là con của mình.

Linh mục 10 năm đi xin 41.000 thai nhi bị phá bỏ về chôn cất

Nhói lòng những hình hài bị phá bỏ

Xuất phát từ suy nghĩ các thai nhi bị phá bỏ thành hình hay chưa cũng đều là những sinh linh vô tội, linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch đã lên ý tưởng đến các bệnh viện, phòng khám xin các em về để an táng.
Ban đầu, nhiều nơi từ chối vì không biết ông xin về để làm gì, mang đi đâu. Vài bệnh viện trả lời, thai nhi khi bị phá là mô của con người, thuộc rác thải y tế độc hại, cần phải tiêu hủy đúng quy trình khiến ông đau nhói lòng nhưng cũng không biết làm gì hơn.

Nghĩa trang công viên thai nhi được cha Tịch xây dựng như công viên để ai cũng có thể đến thăm lại con của mình, hối lỗi trước những sinh linh vô tội

Ảnh: Vũ Phượng

Trở về nhà thờ, trong một lần cầu nguyện, ông nghe thấy tiếng nói: “Con không phải là rác thải, con là con người...” khiến vị linh mục quyết tâm theo đuổi công việc này. Bằng sự chân thành cùng hành động của mình, ông đã được các bệnh viện ngầm đồng ý để đưa thai nhi về an táng.

Linh mục 10 năm đi xin 41.000 thai nhi bị phá bỏ về chôn cất

Và cũng từ đó, mỗi ngày đón nhận thai nhi bị phá bỏ về, lòng ông lại trùng xuống vì nhiều khi là những đứa trẻ đã thành hình, đầy đủ tay chân, thậm chí có những đứa trẻ đã 28, 29 tuần tuổi được bỏ vào những chiếc bịch đen.

Những em được người nhà mang đến gửi thì sẽ có họ tên, còn lại đều là những em mà cha Tịch cùng tình nguyện viên xin từ bệnh viện về, không tên, nhiều khi không còn nguyên dạng.

Ảnh: Vũ Phượng

 
Ông kể: “Tôi nhớ nhất là một lần nhận túi thai nhi trong bịch ni lông đen, mở ra chỉ thấy mỗi cánh tay bé xíu giơ lên. Tôi không biết đó là thông điệp gì các em để lại, nhưng tôi nghĩ điều các em muốn nói là xin cho các em một nơi nâng đỡ, một sự giúp đỡ, xin hãy cứu vớt các em”.
“Nếu như mọi người đối xử với nhau bằng cái tâm, bằng tình yêu có trách nhiệm thì các em đã không bị tước đi quyền sống”, ông tâm sự.

41.000 thai nhi được chôn cất

Ngày 1.1.2011, nghĩa trang công viên thai nhi được xây dựng gồm 7 huyệt theo mô hình bàn tay, sâu 3m. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch giải thích, bàn tay này mang ý nghĩa là bàn dẫn dắt, nâng đỡ của Chúa, cũng có bàn tay đã bóp chết, bóp nghẹt sự sống của các em, nhưng bên cạnh đó có nhiều bàn tay khác góp sức để lo việc an táng cho các em.

Ngày cầu nguyện, những em còn nguyên hình dạng sẽ được đưa vào những chiếc hộp gỗ như quan tài

Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều người dân cùng tham gia buổi cầu nguyện những thai nhi xấu số

Ảnh: VT

 
Đến nay, có nhiều tình nguyện viên đồng hành với ông trong hành trình đi lấy thai nhi ở phòng khám, bệnh viện. Sau khi lấy về, ông sẽ mở ra xem nếu bên trong thai nhi dính kim tiêm hay bông gòn thì nhặt ra, rồi dùng rượu, nước sạch tắm rửa cho các em. Cuối cùng là mặc cho các em một chiếc áo, cho thêm một ít trà rồi đưa các em vào từng hũ nhựa nhỏ bảo quản trong tủ đông.
Vào mỗi chủ nhật cuối cùng của tháng, vị linh mục cùng giáo dân, tình nguyện viên đến Giáo xứ Tây Hải quấn giấy vào hộp, thai nhi nào còn nguyên hình dạng thì được đưa vào những hộp gỗ nhỏ như quan tài để cầu nguyện rồi chôn cất.

Nghĩa trang được xây dựng theo hình bàn tay với nhiều ý nghĩa, đó có thể là bàn tay của Chúa dang ra cứu giúp, có thể là bàn tay đã bóp nghẹt đi sự sống của các em và cũng có thể là những bàn tay khác đã đưa các em về nơi an nghỉ này

Ảnh: Vũ Phượng

Có những cặp vợ chồng vẫn thường xuyên cùng nhau đến thắp nhang, cúng bánh cho các em vì con họ được gửi ở đây

Ảnh: Vũ Phượng

 
Vị linh mục kể lại: “Thường mỗi buổi cầu nguyện có rất đông người tham dự, nhiều lần tôi bắt gặp những bạn trẻ ngồi gục đó khóc, ngay cả lúc chôn cất các em, nhiều bạn trẻ cũng đứng khóc như mưa. Có thể các bạn đang rất đau lòng, hối lỗi”.
Qua camera ở nghĩa trang, nhiều lần 12 giờ đêm ông chứng kiến một vài bạn trẻ lặng lẽ đến đốt nhang, cầu nguyện rồi ra về. Sau gần 10 năm làm công việc ý nghĩa này, số thai nhi được ông chôn cất là khoảng 41.000 em.
Đến ngày an táng, từng hũ nhựa được xếp lớp xuống huyệt, sau đó trám bê tông để không gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ chỉ lặng lẽ đến một mình và ngồi cầu nguyện

Ảnh: Vũ Phượng

Phía trên các huyệt thường có nhiều giỏ hoa, bánh kẹo, những món đồ chơi tí xíu được chính những người từng gửi con ở đây hoặc những người từng phá bỏ thai mang đến. Đó cũng là những hình ảnh khiến ai nấy đi qua đều chua xót cho những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
“Biết là mang tới các bé không chơi được nhưng đây là điều duy nhất họ có thể làm để tưởng nhớ và xin lỗi con cái của họ. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy các em bị phá bỏ tan nát hoặc những người mang thai nhi tới đây nói là bị sẩy nhưng nhìn thấy cái não, đầu của em tím tái, tôi biết đó không phải sự thật, mà là các em bị phá bỏ đi. Tôi cầm những thai nhi đó trên tay mà nước mắt cứ vậy rơi”, ông bộc bạch.
Hôm chúng tôi tới, khu nghĩa trang có khoảng chục người tới thắp nhang, người đi cả gia đình, người thì chỉ có một mình lặng lẽ ngồi cầu nguyện, thỉnh thoảng đưa tay quệt nước mắt rồi thở dài...

Hơn 1.000 đứa trẻ suýt chết

Gần nghĩa trang công viên thai nhi là Nhà tạm lánh Mai Tiến, nơi đã cưu mang 1.000 bà bầu cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hai nơi này được xây dựng gần nhau với ý nghĩa ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ nằm ở một quyết định.

Em bé được cứu từ phòng phá thai ở tuần thứ 28, sau 3 tháng nằm lồng kính, nay em đã khỏe mạnh, trở về nhà chung của mình

Ảnh: Vũ Phượng

Người cha Tịch nói: “Chỉ cần một bước bạn trở thành người phá bỏ con, giết con của bạn nhưng chỉ cần can đảm một chút ở Nhà tạm lánh thì các bạn có thể cứu được con của mình. Tôi thì trân trọng tất cả, nhưng luôn mong ước các bạn có thể nói một lời can đảm để bước sang Nhà tạm lánh này để cho con của mình cơ hội được sống. Gia đình các bạn có thể lúc này chưa chấp nhận, nhưng rồi đều là máu mủ, con cháu trong nhà, sẽ tới lúc họ xuôi lòng”.

Những bà bầu được cưu mang ở đây, tới khi sinh con xong vẫn gửi con ở lại để đi làm lo cho cuộc sống. Khi nào thấy có thể tự bươn chải được, họ mới ra ngoài

Ảnh: Vũ Phượng

Nhà tạm lánh Mai Tiến có khu dành cho những người cơ nhỡ, bà bầu và cả những đứa trẻ

Ảnh: Vũ Phượng

Chị X.T (39 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết từ khi bầu 4 tháng, chị đã xin Cha vào ở Nhà tạm lánh, đến nay, con trai của chị vừa tròn 19 tháng nhưng cả nhà vẫn chưa ai hay biết chị đã sinh con.
Chị T. đã là mẹ đơn thân, nuôi con đến năm 12 tuổi thì lại có bầu với một người là cán bộ đã có gia đình và đủ 2 con. Đoán rằng gia đình không chấp nhận, lại nghĩ đến công việc của cha đứa con nên chị khăn gói xin vào Nhà tạm lánh, nói dối gia đình là đi làm ăn xa.
“Đến nay, người đàn ông kia đã ly hôn, muốn đón cháu về nuôi nhưng tôi chưa đồng ý. Lâu lâu tôi vẫn gửi cháu ở đây bắt xe về nhà thăm con lớn và cha mẹ, nhưng chưa đủ can đảm để nói rằng mình lại là mẹ đơn thân. Gia đình chắc không thể chấp nhận được”, chị T. tâm sự.

Với cha Tịch, tất cả những đứa trẻ ở đây đều là con của mình

Ảnh: Vũ Phượng

M.K (16 tuổi) cũng vừa sinh con 4 tháng trong Nhà tạm lánh cho hay, ngày em vừa nghỉ học thì phát hiện có bầu, nhưng em giấu cả gia đình bằng cách mặc áo thun rộng. Đến tháng cuối, người dì nghi ngờ gạ hỏi em mới nói thật. Từ đó, em được gia đình gửi vào đây để sinh nở.
Nhà tạm lánh này được người cha Tịch xem là nơi ý nghĩa nhất vì nhìn những sinh linh suýt bị chối bỏ được sinh ra, được sống. Nhiều trường hợp trong số đó sau khi sinh đã được gia đình đến đón về chăm sóc.
Đặc biệt có 7 bé bị phá bỏ khi đã được 28 – 30 tuần tuổi ở các phòng khám nhưng vì sức sống trong các em rất mãnh liệt nên sau 3 tháng nằm lồng kính, các em được người cha đặc biệt cùng các sơ đón về Nhà tạm lánh. Đến nay, cả 7 em đều bụ bẫm, đáng yêu.
Lãnh đạo UBND P.Hố Nai, TP Biên Hòa cho biết, việc làm của linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch ở địa phương là việc làm rất tốt, mang ý nghĩa nhân văn và giáo dục sâu sắc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian đầu, địa phương còn chưa biết rõ mục đích của việc làm này nên có quan sát, theo dõi để nắm bắt thông tin. Đến nay gần 10 năm, ở địa phương ai cũng hiểu ý nghĩa cao đẹp của việc an táng cho thai nhi và cưu mang bà bầu cơ nhỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.