Nhìn bề ngoài, tiệm vá xe của bà Đỗ Kim Hoàn (56 tuổi) dễ lẫn vào những tiệm vá xe khác trên đường Âu Cơ (Q. Tân Bình) vì không có biển hiệu. Tuy nhiên, khi ghé lại mới biết nơi đây đã có tuổi đời hơn 50 năm và trải qua ba thế hệ. Ít ai biết, thời của bà Hoàn là “hoàng kim” nhất khi các chị em bà không ngại lấm lem, bụi bẩn, đôi tay luôn thoăn thoắt với cờ-lê hay những vỏ xe nặng trịch của khách.
Tiệm vá xe “năm cô”
Trong lúc ngồi đợi ép vỏ xe để vá cho khách, bà Hoàn cho biết ngày trước ba mẹ bà ở Vũng Tàu sau đó vô Sài Gòn “khởi nghiệp” bằng tiệm vá xe này. Thời điểm đó ít xe máy nên chủ yếu vá xe đạp, lâu lâu lại sửa mấy chỗ xe hư đơn giản cho người quen.
“Thời má tôi còn vá xe là lúc mấy chị em tôi còn nhỏ, chỉ biết ra phụ chút đỉnh, tới năm tôi học lớp 7, lớp 8 đã biết làm. Học buổi chiều thì sáng tôi phụ má làm tới sát giờ mới lật đật đi, trên đường vừa đi bộ vừa học bài, mê làm tới nỗi quên học luôn nên tới năm 11 thì nghỉ hẳn”, bà Hoàn cười nhớ lại.
|
|
Tuy nhiên, người theo má học nghề là hai chị của bà chứ bà không định theo nghề. Làm một thời gian thì hai chị “đình công” nên bà mới ra phụ má sau khi nghỉ học. Đến năm bà Hoàn hơn 20 tuổi thì ba mất, còn má và các chị em bà vẫn tiếp tục cặm cụi với nghề.
Bà kể, má làm đến năm 65 tuổi thì nghỉ vì con cháu “la” quá, đến năm 74 tuổi thì qua đời. Là con gái nhưng vì thạo việc từ nhỏ lại quý nghề của ba mẹ nên bà Hoàn cùng các chị em nối nghiệp gia đình, từ đó đến nay cũng đã hơn 40 năm.
“Hồi đó tiệm của tôi được khách kêu bằng “tiệm sửa xe năm cô” vì có năm chị em làm nghề vá xe, không có “bóng dáng” đàn ông. Giờ ngày một lớn tuổi nên còn có “3 que” à, ráng làm nào hết nổi thì thôi”, bà Hoàn tâm sự.
|
|
Bà Hoàn cho biết, mấy năm nay tiệm không còn đông khách như “thời hoàng kim” 20 năm về trước. Quệt mồ hôi trên trán, người phụ nữ U60 nhớ lại năm đó gần giao thừa nhưng các xe vẫn xếp hàng dài chờ được vá, làm xong là tới giao thừa luôn.
Ngay kế bên, bà Đỗ Kim Hoa (67 tuổi) chị bà Hoàn cũng cặm cụi vá ruột xe máy cho khách. Hay chân đứng giằng bánh, hai tay bà dùng sức cạy vỏ ra để lấy ruột vá. Chốc chốc bà Hoa lại ngưng xả hơi vì mệt. Hỏi bà khi nào nghỉ, bà cười: “Ráng làm nuôi cháu nội học tới hết 12, còn sức thì làm tiếp, không nổi thì nghỉ thôi”.
Không thích nghề này nên ngày còn trẻ bà Hoa buôn bán hay ai thuê gì làm nấy, đến hơn 40 tuổi thì mới về làm chung với bà Hoàn, nay cũng ngót nghét hai mươi năm hơn.
“Giờ lớn tuổi rồi, nhà có tiệm có đồ nghề sẵn nên tôi về đây làm cho tiện. Có bữa được vài chục đến vài trăm ngàn, bữa khác ngồi 6 tiếng cũng không có khách. Em tôi nó giỏi nghề hơn, tôi thì lay lắt sống qua ngày với có tiền cho cháu là được rồi”, bà Hoa tâm sự.
|
|
“Để con cháu nuôi mắc cỡ lắm!”
Ngay khi vừa đến tiệm của bà Hoàn, chúng tôi bắt gặp bà đang vá xe cho ông Võ Bảng (57 tuổi, ngụ Q.Tân Phú). Hỏi ra thì mới biết ông là khách hàng quen của bà Hoàn mấy chục năm nay.
“Từ lúc chuyển đến đây, tôi đã biết đến chỗ này. Nói thiệt, những người ở đây không ai là không biết đến bà Hoàn, vì gia đình bà sửa xe ở đây cũng gần 50 năm rồi. Sửa ở đây thì yên tâm vì giá cả hợp lý, vá xe cũng chất lượng nên chạy rất êm, rất bền”, ông Bảng nói thêm. Vậy là bất kể khi nào xe bị lủng bánh, lủng lốp ông lại dắt đến tiệm bà Hoàn để sửa mấy chục năm nay không thay đổi.
Với bà Hoàn, dù bao nhiêu tuổi cũng vậy cứ còn sức là con lao động đến khi nào không còn làm được nữa thì thôi. “Cái nghề này cũng là cái nghiệp của tôi rồi, không thể bỏ một ngày. Nếu mà dừng làm là bị bệnh liền! Dù sức khỏe yếu hơn trước, nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc để có tiền sống, chứ để con cháu nuôi thì “mắc cỡ” lắm!”, bà cười giòn giã.
|
|
Vừa vá xe cho khách bà vừa kể với chúng tôi rằng hồi còn khỏe, việc lấy cả bánh xe tải, bánh máy cày từ xe ra để vá luôn cho khách với bà là chuyện “xoàng” thôi. Nhưng giờ sức khỏe yếu, các chị em của bà cũng chỉ có thể vá bánh xe thông thường. Thế nên nhiều năm nay, thay vì làm cả ngày, giờ bà chỉ làm buổi sáng, đến chiều lại giao tiệm vá xe cho con trai để bà được nghỉ ngơi.
Theo người phụ nữ này, việc vá xe đơn giản, không có gì quá phức tạp. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là tháo vỏ xe ra để vá vì cần dùng sức nhiều. “Nhưng cứ làm riết rồi quen thôi, tôi cũng không biết hồi còn trẻ sao mình có đủ sức để làm những vỏ xe lớn như vậy. Tôi nghĩ mình có duyên và có số để làm nghề”, bà tâm sự.
“Đó giờ tôi thấy việc sửa xe là việc của đàn ông, mà bà này làm vậy mấy chục năm cũng là hiếm thấy. Không chỉ bà Hoàng mà các chị em của bà ấy cũng theo nghề này luôn, phải nói đó giờ tôi chưa bắt gặp những trường hợp như vậy ở Sài Gòn này. Tôi thực sự cảm mến và nể phục những người phụ nữ mạnh mẽ như họ”, ông Minh Nghĩa (55 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) tâm sự với chúng tôi trong lúc đợi vá xe tại tiệm bà Hoàn.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề vá xe, bà cho biết mình chưa bao giờ có ý định bỏ nghề vì nếu không làm nghề này cũng không biết làm nghề gì khác. Nhờ có công việc này, bà nuôi sống được cả gia đình mình, đặc biệt là nuôi các con được ăn học thành tài.
|
|
Bà chủ của tiệm sửa xe có tuổi đời hơn 50 tuổi này kể trước kia, 2 người con trai của bà cũng không có ý định theo nghề này, tuy nhiên qua nhiều thăng trầm các anh lại quyết định nối nghiệp mẹ.
Anh Nguyễn Linh Tùng (34 tuổi, con trai bà Hoàng) kể rằng, từ khi anh sinh ra đã thấy được ba mẹ làm việc ở tiệm sửa xe và quen thuộc với những hình ảnh đó. Anh cũng được mẹ truyền nghề, tuy nhiên chưa bao giờ có ý định gắn bó.
“Sau khi học xong cao đẳng, tôi cũng làm nhiều nghề khách nhau để kiếm sống nhưng thấy không phù hợp. Khi có vợ, có con tôi nghĩ mình nên làm nghề mà ông bà, bố mẹ mình đã làm. Hiện em trai tôi cũng đã đi học sửa xe ở một trường nghề, sau này về tiệm sẽ không chỉ vá xe mà còn sửa xe nữa”, anh Tùng chia sẻ về kế hoạch của mình.
Vậy là, câu chuyện về tiệm vá xe “năm cô” giờ đã được viết tiếp bởi những người con của bà chủ cả đời “trang điểm” bằng dầu nhớt…
Bình luận (0)