Người dân được quay phim, chụp ảnh nhưng không được kiểm tra chuyên đề của CSGT
Thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều người tham gia giao thông khi CSGT dừng xe kiểm tra hành chính, thì cho rằng bản thân không vi phạm, CSGT không có quyền dừng xe và yêu cầu cơ quan chức năng cho xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Thậm chí, nhiều người còn cự cãi, dùng điện thoại ghi hình lực lượng chức năng.
Câu hỏi đặt ra là người dân giám sát, xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT bằng cách nào?
Người dân có được đăng clip không chuẩn mực của CSGT lên mạng xã hội?
Trả lời Thanh Niên, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an), nhấn mạnh người dân không có quyền kiểm tra chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT. Người được quyền kiểm tra là cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, người kiểm tra là cấp trên của tổ công tác đang thực hiện tuần tra, kiểm soát vi phạm, khi kiểm tra thì nói "đề nghị tổ công tác xuất trình chuyên đề, kế hoạch".
Tuy nhiên, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm việc theo quy định của Nhà nước. "Người dân giám sát trực tiếp thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, qua báo chí, qua đại biểu Quốc hội và HĐND. Trong quá trình giám sát, nếu thấy dấu hiệu bất thường hoặc cán bộ CSGT ứng xử thiếu văn hóa, người dân có thể báo cho cơ quan công an nơi tổ công tác làm việc hoặc cấp trên của tổ công tác để xác minh, xử lý", đại tá Nhật nói, và cho biết, việc giám sát không được ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
Theo đại tá Nhật, việc giám sát của người dân phải nằm ngoài khu vực kiểm soát của tổ công tác như không được bước qua khu vực có dây căng hoặc cột hình chóp nón của lực lượng kiểm soát an toàn giao thông; không được gí camera vào mặt lực lượng CSGT; không được có lời lẽ mang tính khiêu khích, xúc phạm lực lượng CSGT...
"Thực tế, nhiều người dân lợi dụng việc giám sát để xúc phạm hoặc cản trở lực lượng CSGT. Dù quy định không nêu rõ mức độ vi phạm của từng hành động nhưng tùy vào mức độ vi phạm, lực lượng chức năng có thể khởi tố tội chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng...", đại tá Nhật khẳng định, và lưu ý, các clip về những hành vi không đúng chuẩn mực của CSGT người dân đưa lên mạng xã hội mà gây kích động, lôi kéo... thì sẽ bị lực lượng chức năng khác xử lý.
Vì sao CSGT không công khai chuyên đề, kế hoạch?
Theo Thông tư 32 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15.9, sẽ bỏ quy định về thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của CSGT nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Toàn bộ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông của lực lượng CSGT đều được công khai.
Ví dụ như việc đăng tải toàn văn, công khai Thông tư 32 và các thông tư khác tại Cổng thông tin Bộ Công an, Cổng thông tin Cục CSGT và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu. Thông tư 32 cũng quy định rõ về tuyến địa bàn, quy trình khi các lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.
"Việc bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT là vì kế hoạch này được coi như mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang", đại tá Nhật nói, và lấy ví dụ "nếu người dân đòi xem chuyên đề, kế hoạch mà các đối tượng tội phạm cũng lợi dụng đòi xem thì sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến nghiệp vụ của lực lượng chức năng".
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 9.9
Bình luận (0)