Theo Cục CSGT, 3 tháng đầu năm 2024, CSGT cả nước đã xử lý quyết liệt các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Trong đó, CSGT phạt hơn 275.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và hơn 245.000 trường hợp vi phạm tốc độ; lần lượt chiếm 26,8% và 24% trong tổng trường hợp vi phạm.
Đây cũng là 2 trong số 5 nhóm hành vi vi phạm phổ biến trên đường mà CSGT cả nước sẽ tập trung xử lý trong xuyên suốt năm 2024.
Người dân có được kiểm tra máy móc của CSGT?
Giải đáp thắc mắc trên, lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM chia sẻ, hiện nay, máy đo nồng độ cồn CSGT đang sử dụng có 2 loại gồm máy đo định tính và máy đo định lượng. Trong các ca xử lý vi phạm nồng độ cồn và tốc độ, khi người dân yêu cầu kiểm tra máy móc, trang thiết bị, CSGT đều giải thích: "Trang thiết bị được cấp phát theo quy định của Bộ Công an, người dân có thể xem, nhưng không được kiểm tra".
Lý giải điều trên, vị này cho hay, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng CSGT được thực hiện theo quy định của Bộ Công an. Hiện nay, không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các loại máy móc này. Việc kiểm tra thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng.
Trước đó, đại diện Cục CSGT thông tin, theo quy định tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an, người dân được giám sát CSGT trực tiếp thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, qua báo chí, qua đại biểu Quốc hội và HĐND. Trong quá trình giám sát, nếu thấy dấu hiệu bất thường hoặc cán bộ CSGT ứng xử thiếu văn hóa, người dân có thể báo cho cơ quan công an nơi tổ công tác làm việc hoặc cấp trên của tổ công tác để xác minh, xử lý.
Người dân cần lưu ý, việc giám sát không được ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Cụ thể, việc giám sát của người dân phải nằm ngoài khu vực kiểm soát, không được gí camera vào mặt lực lượng CSGT, không được có lời lẽ mang tính khiêu khích, xúc phạm CSGT...
CSGT xử lý thế nào khi người dân yêu cầu kiểm tra máy móc?
Theo chân các tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn tại TP.HCM, PV ghi nhận đa số các trường hợp chấp hành, cũng có những trường hợp CSGT phải mất đến 2 - 3 tiếng để lập biên bản, xác định vi phạm. Trong đó, một số trường hợp người tham gia giao thông yêu cầu xem tem kiểm định của máy đo nồng độ cồn.
Cụ thể, trong một ca chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn mới đây tại đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM), một người đàn ông yêu cầu CSGT cho xem tem kiểm định của máy đo nồng độ cồn rồi mới chịu kiểm tra.
CSGT giải thích "Máy móc được cấp phát cho CSGT đã được cơ quan chuyên môn kiểm định", nhưng người này vẫn không đồng ý. Lát sau, một CSGT đã cầm máy, nghiêng về phía có dán tem cho người dân xem. Chưa hài lòng, người này đặt vấn đề: "Tem giả thì sao?".
CSGT tiếp tục nói: "Nếu có thắc mắc, anh có thể liên hệ hotline của Phòng CSGT để được giải quyết".
Theo quan sát, tem trên máy đo nồng độ cồn còn nguyên vẹn, được dán ở bên hông máy đo, có dòng chữ "có giá trị đến...".
Lần khác, theo chân tổ công tác xử phạt xe chạy quá tốc độ trên đường Võ Văn Kiệt, PV cũng ghi nhận thắc mắc của người dân khi bị CSGT dừng xe: "Sao máy bắn tốc độ giống máy chụp hình? Ai bảo đảm kết quả chụp tốc độ do CSGT cung cấp là chính xác?".
Thót tim với cảnh học sinh ‘đầu trần’, kẹp 3 ‘phóng’ xe máy đến trường
Lúc này, CSGT cho hay: "Máy bắn tốc độ trang bị cho CSGT đã được cơ quan cấp trên kiểm tra, có dán tem và kiểm định lại theo định kỳ".
Bình luận (0)