Người dân gần đập thủy điện Kherson trong cảnh đại bác ngày ngày dội vào thành phố

04/11/2022 09:08 GMT+7

Nỗi sợ hãi pháo kích lâu nay đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân thành phố Nova Kakhovka do Nga kiểm soát ở vùng Kherson (miền nam Ukraine).

Việc trung tâm thành phố bị pháo kích đã trở thành câu chuyện thường ngày đến mức biển báo mới đã được dựng lên để người dân biết nên đứng phía nào cho an toàn khi đạn pháo bay đến.

Quan chức địa phương Ruslan Agayev cho biết: "Rất là nguy hiểm cho mọi người. Bên nào của đường phố là nguy hiểm nhất? Họ nên ở đâu và trốn ở đâu? Vì vậy có những biển báo để mọi người biết bên nào là nguy hiểm nhất".

Một tòa nhà hư hại nặng do giao tranh ở Nova Kakhovka

reuters

Thành phố này đã do Nga kiểm soát ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hiện tại, khi các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy mạnh giành lại các vùng phía đông và nam của đất nước, một người dân Nova Kakhovka cho biết quân đội Ukraine đang bắn phá nơi đây hằng ngày.

"Không có gì tốt đẹp cả. Chiến tranh lúc nào cũng xấu xa. Người dân, trẻ em, nhà cửa, mọi thứ và cả thế giới phải hứng chịu (hậu quả) của chiến tranh", anh chia sẻ.

Ông Ruslan Agayev cho biết mục tiêu chính của cuộc pháo kích là đập thủy điện đóng vai trò như một cửa ngõ vào kênh đào Bắc Crimea. Theo quan chức này, nếu con đập bị phá hủy, cơn sóng cao hơn 12 m sẽ cuốn trôi mọi thứ .

"Nếu con đập bị phá hủy thì một nửa thành phố sẽ bị ngập. Và những ngôi làng ở hạ lưu sẽ chìm trong nước. Sóng sẽ cao hơn 12 m, sẽ quét sạch mọi thứ, suốt 72 giờ. Và hầu hết cơ sở hạ tầng của thành phố và nhà ở của người dân sẽ bị hư hại và chìm trong nước", ông Agayev cho biết.

Khu ký túc xá nơi bà Elena Ballo và nhiều người dân ở tạm trong thời gian chiến sự

reuters

Vì lo sợ nguy hiểm, bà Elena Ballo phải chọn sống ở một khu ký túc xá thay vì nhà riêng của mình.

"Nhà tôi không có mái, trần nhà thì vỡ vụn. Cửa sổ và cửa ra vào bị bay mất. Điều gì đó sẽ xảy ra thôi. Bây giờ thì chúng tôi đang sống ở một phòng (ký túc xá), chúng tôi dùng chung bếp, mọi thứ đều phải dùng chung. Chúng tôi sống như vậy đấy vì chúng tôi chẳng có nơi nào để đi", bà Ballo chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.