Người dân giám sát công an bằng cách nào ?

30/06/2019 07:30 GMT+7

Dự thảo thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nêu người dân có quyền giám sát lực lượng công an làm nhiệm vụ, nhưng cách thức giám sát ra sao còn quá chung chung.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009) để lấy ý kiến đóng góp của người dân.

Dân có quyền giám sát công an

Hai nội dung nổi bật trong dự thảo thông tư này là công khai các hoạt động của công an nhân dân và quyền giám sát của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất 5 việc của lực lượng công an phải công khai, gồm: tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; đăng ký, cấp biển số xe; chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết tai nạn giao thông. Khi làm nhiệm vụ, cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn, những phương tiện và lỗi sẽ bị kiểm soát, xử lý... Tùy vào tính chất, hoạt động và nội dung phải công khai, cơ quan công an sẽ áp dụng các hình thức như đăng tải trên các trang thông tin điện tử của công an, niêm yết tại cơ quan, đăng công báo…
Về quyền giám sát của người dân, dự thảo thông tư nêu gồm giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát có thể được áp dụng theo hình thức thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cần ghi rõ người dân được ghi âm, ghi hình

Theo đại tá Trần Sơn, cựu Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT (Bộ công an), so với thông tư ban hành cách đây 10 năm thì dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm mới, cụ thể hơn về hình thức công khai các hoạt động trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, chiến sĩ công an. Ngược lại, dự thảo không có nhiều điểm mới về quyền, hình thức giám sát của người dân: “Thông tư trước đây nêu rõ những hình thức giám sát của dân như qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ công an hoặc qua quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông. Còn trong dự thảo mới chỉ nêu chung chung”, đại tá Sơn phân tích.
Cũng theo đại tá Trần Sơn, trong hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì CSGT là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với người dân, đây cũng là bộ mặt của lực lượng công an nên càng công khai minh bạch bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Ông Sơn đề nghị Bộ Công an nghiên cứu để đưa vào dự thảo những quy định rõ hơn về cách thức, hình thức giám sát, như người dân có thể quay phim, chụp hình ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ, bởi theo ông nếu quy định không cụ thể, rõ ràng sẽ gây ra những cách hiểu, thực thi khác nhau ở các địa phương như trước đây, từng có lãnh đạo Cục CSGT ban hành văn bản cấm người dân quay phim CSGT nhưng sau đó phải thu hồi lại văn bản này.
“Nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, lâu nay chúng ta cũng thấy từ các video clip, hình ảnh vi phạm do người dân phản ánh trên mạng xã hội hay trên báo chí mà CSGT đã tiến hành xác minh, xử lý người vi phạm. Do đó, với tinh thần công khai, minh bạch thì việc cho quay phim, chụp hình, ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ là cần thiết”, ông Sơn nói.

Không được cắt ghép hình ảnh, âm thanh

Trung tá Phan Quốc Việt, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho rằng việc dân giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ là rất tốt. “Khi tổ tuần tra giao thông đi làm nhiệm vụ đều theo kế hoạch phân công thời gian, tuyến đường. Kế hoạch này đã được lãnh đạo thông qua. Vì vậy, khi người dân giám sát, phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ không đúng theo kế hoạch đã phê duyệt trước đó, thì sẽ giúp cho lãnh đạo biết để chấn chỉnh, xử lý kịp thời cán bộ vi phạm”, trung tá Việt nói.
Về việc người dân giám sát mà ghi hình, ghi âm lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, ông Việt hoan nghênh nhưng cũng lưu ý việc ghi hình, ghi âm cần công khai rõ ràng. Người dân ghi hình, ghi âm nhưng không nên cắt ghép, bình luận không đúng thực tế, sẽ gây ảnh hưởng uy tín đến lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, một cán bộ CSGT Công an TP.HCM nêu quan điểm: “Vấn đề ở đây là người dân giám sát CSGT làm nhiệm vụ bằng cách quan sát trực tiếp hay ghi âm, ghi hình? Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc người dân giám sát CSGT làm nhiệm vụ trên đường là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần chỉ rõ người dân giám sát CSGT bằng cách nào? Hình thức ra sao? Ví dụ, người dân được phép quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ để giám sát, nhưng đứng cách bao nhiêu mét để quay phim. Trong lúc người dân quay phim, ghi âm không có những hành động cản trở việc CSGT thi hành nhiệm vụ, không dùng lời lẽ miệt thị, chửi bới, xúc phạm đến CSGT...”.

Minh bạch thì sợ gì ghi hình ?

Khảo sát nhanh của PV Thanh Niên hôm qua 29.6 cho thấy, tất cả người dân được hỏi đều cho rằng cần quy định cụ thể việc người dân được quyền ghi hình, ghi âm công an đang làm nhiệm vụ công khai. “Ngoại trừ các anh đang làm nhiệm vụ bí mật, còn đã làm việc công khai, minh bạch thì ngại gì dân ghi hình, ghi âm. Các anh không làm sai, không có gì khuất tất thì cứ để dân chúng tôi ghi hình, ghi âm giám sát. Tất nhiên, người ghi hình, ghi âm không được cản trở công an làm việc và phải chịu trách nhiệm về hình ảnh, âm thanh mình thu thập”, ông Trần Ngọc Hoàng (ngụ Q.3, TP.HCM) nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.